Tân sinh viên với nỗi lo chỗ ở

Theo thống kê của Bộ GD - ĐT, hệ thống ký túc xá trong các trường ĐH, CĐ hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu chỗ ở của sinh viên, đa số các em phải đi thuê trọ ở ngoài nhà dân.

 

Khan hiếm chỗ trọ hợp lý


Mấy tuần nay, tại khu vực tập trung đông các trường ĐH, CĐ tại Hà Nội như: ĐH Sư phạm (quận Cầu Giấy), ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (quận Thanh Xuân), ĐH Bách khoa Hà Nội (quận Hai Bà Trưng)..., nhiều tân sinh viên và người nhà phải đôn đáo tìm chỗ trọ bên ngoài nhà trường, vì ký túc xá các trường đều quá tải.


 

Cứ đến ngày nhập học, sinh viên lại đôn đáo đi tìm nhà trọ.

 

Anh Nguyễn Văn Hải, quê ở Hà Nam đưa con gái đi nhập học vào khoa Vật lý, ĐH Sư phạm Hà Nội tâm sự: “Mọi thủ tục nhập học đều đã hoàn tất cho con, nhưng giờ chỗ trọ đắt quá. Để thuê được một phòng trọ thì cần ít nhất từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng và phải tìm thêm người ở ghép. Chưa kể tiền điện, nước, rác... sử dụng hàng tháng của các cháu đều bị tính theo giá kinh doanh”. Vì vậy, hai bố con anh Hải phải tá túc ở nhà một người quen ở Gia Lâm và xác định nếu khu vực gần trường ĐH Sư phạm không thuê được, anh phải chấp nhận thuê ở khu vực xa hơn như trong làng Cầu Diễn, Nhổn...


Còn chị Đặng Thị Yến, ở Bắc Ninh vừa hoàn thành thủ tục nhập học cho con vào trường Cao đẳng thực hành FPT (Mỹ Đình) ngao ngán kể: “Mấy ngày đầu chưa tìm được chỗ trọ, con tôi phải đi học bằng xe buýt tuyến Hà Nội - Bắc Ninh. Hôm vừa rồi tìm được chỗ trọ thì không có người ở ghép, nhưng đành bấm bụng nộp 2 triệu đồng đặt cọc tiền nhà để con có chỗ ở”. Chị Yến ước tính, chi phí trung bình mỗi tháng cho con đi học lên tới 4 triệu đồng.


Tại nơi làm thủ tục đăng ký nhập học của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhiều tân sinh viên cùng gia đình mang theo tất cả đồ đạc chăn màn, nồi cơm điện, quạt điện để chuẩn bị cho cuộc sống sắp tới. Nhiều phụ huynh cho biết, họ xác định phải bỏ ra một khoản từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng thì con mới có chỗ ở.


Diện chính sách được ở ký túc xá


Theo thống kê của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay trường có khoảng 30.000 sinh viên, khoảng 2/3 số đó có nhu cầu ở ký túc xá nhưng khả năng của trường mới chỉ đủ đáp ứng khoảng 4.000 chỗ ở. Trường ĐH Nông nghiệp có 12.000/14.000 sinh viên có nhu cầu ở ký túc xá nhưng cũng chỉ đáp ứng được hơn 3.000 chỗ.


ĐH Quốc gia Hà Nội có tới 25.000 sinh viên, tuy nhiên nhu cầu nội trú chỉ được đáp ứng cho khoảng 12% sinh viên. Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Trường nào cũng vậy, không chỉ riêng trường ĐH Quốc gia là chỉ dành suất ở nội trú cho sinh viên thuộc diện hộ nghèo hay con thương binh, liệt sĩ. Hiện nay, Ban Quản lý ký túc xá còn giải quyết nhiều trường hợp sinh viên được địa phương cấp chứng nhận hộ nghèo. Việc xác nhận tràn lan này khiến trường rất bối rối trong giải quyết chỗ ở cho sinh viên. Trong khi 4.000 chỗ ở tại các khu ký túc xá lúc nào cũng trong tình trạng quá tải”.


Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD - ĐT cho biết, trung bình số sinh viên được các trường ĐH tạo điều kiện ở nội trú chỉ từ 10 - 20%. Hiện Hà Nội có hơn 120 cơ sở đào tạo, số sinh viên đang theo học tại các trường là hơn 800.000 sinh viên. Với 80% sinh viên phải ở ngoại trú, Bộ đang tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc quản lý các điểm cho thuê trọ tập trung của người dân để hạn chế tình trạng tăng giá đột ngột vào những lúc cao điểm như hiện nay.


Còn theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD - ĐT, hiện nay Đề án xây dựng ký túc xá do Bộ GD - ĐT phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện. Đề án này đang trong quá trình hoàn thiện và do Bộ Xây dựng chủ trì. Dự kiến nếu đề án hoàn thành sẽ giải quyết được 300.000 chỗ ở nội trú cho sinh viên. Được biết, Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội, đang hoàn thiện 2 tòa nhà trong khu dự án Ký túc xá Mỹ Đình, dự kiến giải quyết được 3.000 chỗ ở cho sinh viên.


Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN