Nước bắt đầu rút, một số tuyến đường bộ, đường sắt đã thông

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, đến sáng 12/12, mưa bớt, nước cơ bản rút dần, một số tuyến giao thông đường bộ, đường sắt đã được thông tuyến.

Chú thích ảnh
Đường giao thông ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền bị ngập lụt. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Cụ thể, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đã hết ngập. Tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tiến hành di dời 125 hộ với 322 khẩu tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền đến nơi an toàn.

Đến sáng 12/12, mưa bớt dần, nhiều nơi trên địa bàn huyện Quảng Điền nước bắt đầu rút, người dân khẩn trương khôi phục các vườn rau, tiêu úng cho đồng ruộng để chuẩn bị gieo cấy vụ Đông - Xuân.

Ở xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) chính quyền địa phương đã huy động máy bơm tiến hành tháo nước trên cánh đồng rau xanh, giúp bà con cứu các diện tích rau xanh bị ngập, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Tỉnh Bình Định hiện chỉ còn 95 nhà bị ngập; trong đó huyện Hoài Ân  có 45 nhà, Phù Cát có 50 nhà, các khu vực khác đã hết ngập. Đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Bình Định bị sạt lở tại 3 điểm hiện đã thông tuyến trở lại.

Tại tỉnh Quảng Nam mưa đã giảm, mực nước các sông đang xuống chậm, nước đang rút dần. Còn ở tỉnh Quảng Ngãi nước đã rút, chỉ còn ngập một số tuyến đường nông thôn của huyện Đức Phổ.

Liên quan đến công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện của thành phố Đà Nẵng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương khẩn trương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường nhằm đảm bảo sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng chịu trách nhiệm chủ động tổ chức công tác thu gom, dọn vệ sinh rác thải đô thị, đảm bảo không có tình trạng tồn lưu rác trên các tuyến đường, trong khu dân cư nhằm tránh phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ; Chủ tịch UBND các quận, huyện huy động lực lượng, phương tiện của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia hỗ trợ Công ty Cổ phần Môi trường đô thị thu gom, vận chuyển rác thải phát sinh; các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án chỉ đạo các đơn vị chủ động tổ chức công tác vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý, giám sát của đơn vị và xung quanh khu vực đóng trụ sở của cơ quan, đơn vị; tập trung rà soát khơi thông thoát nước các công trình không để ngập sâu, ngập lâu ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong vùng dự án.

Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp huy động lực lượng học sinh, sinh viên trực tiếp tham gia cùng với nhân dân trong công tác vệ sinh môi trường. Chủ tịch UBND các xã, phường có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia làm vệ sinh tại các khu dân cư và chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh phát sinh tại địa bàn.

Sở Y tế thành phố Đà Nẵng chủ trì, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng phối hợp với các Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện tiến hành vệ sinh y tế, dịch tễ, phun thuốc phòng dịch để đảm bảo vệ sinh môi trường và tránh phát sinh các dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng tổ chức kiểm tra triển khai công tác sửa chữa, khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi, kênh mương bị hư hỏng do mưa ngập (nếu có); Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải khẩn trương triển khai công tác khắc phục sạt lở bờ biển; Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng chủ động bố trí lực lượng túc trực thường xuyên để dọn rác thải tấp vào bờ theo phương châm rác tấp vào bờ đến đâu thu gom đến đó.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Thành đoàn Đà Nẵng và các tổ chức đoàn thể thành phố chỉ đạo các đơn vị đoàn thể các cấp phối hợp với các địa phương tham gia thực hiện công tác vệ sinh môi trường sau mưa lớn.

Đối với việc xói hạ lưu tràn xả lũ hồ chứa nước Khe Ngang, tỉnh Nghệ An: Mưa trên lưu vực hồ chứa, đã làm xói hạ lưu tràn xả lũ, kích thước hố xói dài 12m, rộng 6,0 m, sâu 3,5 m, vị trí hố xói cách tràn 30m. Công trình do UBND xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An quản lý vận hành khai thác. Mực nước hiện tại đang trên mực nước dâng bình thường 0,1m. Địa phương đã xử lý tạm bằng vật liệu tại chỗ, hạn chế hố xói phát triển.

 Còn về sự cố đập Lại Giang, tỉnh Bình Định, hiện tại 7/8 cửa van đã mở hoàn toàn, các cánh cửa đã được đưa về trạng thái nghỉ, riêng cửa số 1 chưa mở được do đứt cáp vận hành; sau khi lũ rút đơn vị chức năng sẽ khắc phục kéo lên để sửa chữa.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 17 giờ  ngày 12/12 mưa lũ đã làm 13 người chết, 8 nhà bị sập, 33.527 nhà bị ngập nước; 5.994 hộ phải di dời khẩn cấp, 9 điểm trường bị ảnh hưởng; 9.261 ha lúa bị hư hại, ngập; 34.222 m đê bao, bờ bao bị sạt lở; 11.795 m bờ biển, bờ sông sạt lở; 768 ha nuôi thủy sản bị ngập, thiệt hại; 98.335m đường giao thông địa phương bị hư hại, sạt lở.

Thắng Trung (TTXVN)
Các tỉnh miền Trung khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất
Các tỉnh miền Trung khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất

Khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN