Nóng bỏng nạn khai thác vàng trái phép


Trong những ngày này, tại vùng giáp ranh giữa xã Bành Trach, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) và xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), nạn khai thác vàng trái phép lại bùng phát với số lượng người và phương tiện máy móc công khai.

Cả một đoạn sông dài hơn 1 km, thuộc địa phận thôn Tồm Làm, xã Bành Trạch,

Hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật-Ảnh internet

hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thì vắng bóng. Hàng chục máy xúc, máy ngoạm, máy bơm, sàn tuyển vàng hoạt động ngày đêm cày nát cả đoạn sông này.

 Những bãi trồng ngô ven sông bị đào bới tan hoang để tìm vàng, những lớp đất mặt chứa phù sa được bới tung đắp thành ụ lớn lấp ra đến hai phần ba sông, trơ ra phía trong là đá và sỏi cuội.

Mỗi sàn tuyển có từ 3 đến 5 thanh niên vác máy bơm xả thẳng vào các máng chứa vàng sa khoáng và hàng nghìn m3 đất thải đổ thẳng ra sông, lấp dòng chảy, nước đục ngầu gây ô nhiễm môi trường.

Anh Đặng Tiêm Chòi, người dân địa phương cho biết: Thôn Tồm Làm có gần 40 hộ, 100% là dân tộc Dao, đất canh tác chủ yếu là soi bãi ven sông và đất nương rẫy. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt nhiều hộ đã bán đất nông nghiệp cho các bưởng vàng. Theo anh Chòi thì cứ 1000 m3 đất soi bãi ven sông có thể bán được từ 40 đến 70 triệu đồng tuỳ từng thời điểm, đến nay có khoảng gần chục hộ đã bán hết đất soi bãi cho các bưởng làm vàng.

Chính vì thế, thời điểm này thay vì tập trung làm đất để trồng cây vụ xuân thì nhiều hộ dân ở khu vực này vác máng gỗ xuống ngay chính những soi bãi đã bán cho các bưởng vàng để “mót vàng”, hy vọng một ngày kiếm được vài li vàng về mua gạo, mua rau.

Tại đỉnh đèo Lò So, điểm có đường mòn dẫn xuống khu vực làm vàng lúc nào cũng có khoảng vài chục chiếc xe máy dựng tại đây. Trong số họ có những người tham gia vào đội quân khai thác, có người tham gia vận chuyển thực phẩm, dầu máy. Qua quan sát các biển số xe thấy rằng đa phần là người địa phương. Một thanh niên người địa phương cho biết: bình quân mỗi ngày chở dầu máy cũng kiếm được khoảng 300 nghìn đồng, đường vận chuyển vất vả và nguy hiểm nhưng cũng còn hơn làm ruộng, làm ngô.

Anh Đặng Văn Chắn, người dân xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết: Hoạt động khai thác vàng trái phép ở vùng này diễn ra hơn 3 tháng nay, dịp trước trong và sau Tết có nhiều máy xúc vào đây làm vàng, đông người vào làm vàng nên đất soi bãi cũng được giá.

Lần đầu tiếp cận với điểm khai thác vàng trái phép, đây lại là vùng giáp ranh nên chúng tôi không dám đến quá gần mà phải vòng sang bên kia sông thuộc đất tỉnh Cao Bằng. Điều ngạc nhiên là khi nhóm phóng viên đến quay phim, chục ảnh thì hoạt động khai thác vàng vẫn cứ diễn ra, một số thanh niên làm vàng còn chạy ra mép sông hô to: “Nhà báo hả, ở Cao Bằng hay Bắc Kạn, quay phim làm gì cho mệt, sang đây anh trả nhuật bút cho”.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Ba - Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, được biết: Từ tháng 11/2010 đến nay huyện Ba Bể đã thành lập tổ công tác liên ngành và đã có 7 lần tổ chức truy quét vàng tặc. Đợt truy quét gần đây nhất là vào 11/2. Lực lượng liên ngành của huyện đã mang cả bình ô xy, máy hàn vào cắt tại chỗ các sàn tuyển vàng. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng rút, vàng tặc quay lại ngay.

Ông Ba cho biết thêm: Chúng tôi đã nghi ngờ có sự bảo kê cho hoạt động này và đã lần lượt luân chuyển cán bộ công tác. Tuy nhiên việc dẹp nạn vàng tặc ở vùng giáp ranh này vẫn rất nan giải.

Là một tỉnh miền núi, diện tích đất nông nghiệp của Bắc Kạn chỉ chiếm khoảng 6% tổng diện tích đất tự nhiên và hơn chục năm nay với nguồn thu ngân sách ít ỏi hằng năm Bắc Kạn cũng đã dành nhiều tỷ đồng để hỗ trợ nông dân khai hoang mở rộng diện tích đất ruộng. Vậy mà, trái ngược với sự nỗ lực trong việc mở rộng đất nông nghiệp cho nông dân thì nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đất nông nghiệp vẫn đang bị xâm hại để khai thác vàng trái phép.

TTXVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN