Bốn nhiệm vụ cấp bách phòng chống HIV/AIDS

Ngày 26/11, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2008-2012 và triển khai chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.


Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm.


Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Để thực hiện tốt mục tiêu của chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS, trong thời gian tới các địa phương cần thực hiện 4 nhiệm vụ cấp bách. Theo đó, 100% các địa phương tiến hành tổ chức tổng kết chương trình này; tổ chức học tập và nhân rộng các mô hình hiệu quả; Ban chỉ đạo địa phương phải có trách nhiệm báo cáo thường xuyên việc triển khai thực hiện phong trào đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền; các địa phương thực hiện tốt cam kết “Ba không” (không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS) của Liên hợp quốc. Các địa phương cần có dự toán ngân sách, bố trí nguồn lực để chủ động đối phó với đại dịch. Xây dựng các chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực của địa phương, phù hợp với chương trình chiến lược quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, phấn đấu đến năm 2015 có 80.000 người nghiện được điều trị bằng methadone.


* Chiều 26/11, tại thành phố Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với Nhóm Đại sứ và Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế điều phối Chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cùng tham dự.


Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí giúp Việt Nam thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Thời gian qua, bên cạnh các hoạt động chuyên môn kỹ thuật, các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam được mở rộng hàng loạt, hệ thống các văn bản pháp lý, chính sách mới đã được ban hành.

 

Đã xuất hiện nhiều mô hình và phương pháp làm tốt như việc không quản lý gái mại dâm trong các trung tâm 05, đổi mới việc quản lý người nghiện trong các trung tâm 06 theo hướng tự nguyện, thân thiện, nhân văn. Đẩy mạnh tổ chức cai nghiện tại cộng đồng và gia đình, giảm kỳ thị với người đồng giới... Đó là các điều kiện thuận lợi để triển khai thành công chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Đến nay, về cơ bản Việt Nam đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của đại dịch, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%, đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS có xu hướng giảm nhưng chưa đảm bảo tính bền vững, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát.


Phó Thủ tướng cũng cho biết: Ước tính tổng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013- 2020 là 26.882 tỷ đồng và đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục cam kết lộ trình rõ ràng về việc tài trợ trong thời gian tới; giúp Việt Nam kết nối được với khối ASEAN trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam tiếp tục cam kết tăng cường đầu tư qua Chương trình mục tiêu quốc gia cho phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn lực như xã hội hóa, kết hợp công tư và bảo hiểm y tế nhằm duy trì các kết quả đã đạt được.


Bà Deborah Chatsis, Đại sứ Canađa, kiêm Chủ tịch Nhóm điều phối các hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS đã khẳng định Việt Nam đã có một bước tiến đáng kể trong việc đối phó với đại dịch HIV. Bà cho biết, cộng đồng quốc tế cam kết giúp đỡ Việt Nam tăng cường dự phòng, điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV.

 

Đỗ Trưởng - Văn Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN