11:12 15/11/2016

Vấn đề nhập cư lại làm nóng chính trường Hungary

Ngày 15/11, ông Gabor Vona, Chủ tịch đảng đối lập cực hữu Jobbik ở Hungary, lại làm nóng chính trường nước này bằng tuyên bố sẽ một lần nữa đưa ra Quốc hội xem xét việc sửa đổi Hiến pháp nhằm cấm tiếp nhận người tị nạn.

Thủ lĩnh Jobbik Gabor Vona. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters cho biết, trước đó Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đưa việc sửa đổi Hiến pháp ra thảo luận tại Quốc hội nhưng đã bị các nghị sỹ bác bỏ với đa số phiếu mong manh.

Sau đó ông Orban tuyên bố sẽ không lặp lại điều này nhưng sẽ vẫn tiếp tục chống lại việc Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt hạn ngạch tỵ nạn cho Hungary dù ông đã thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân về chính sách nhập cư.

Như TTXVN đã đưa tin, ngày 2/10 cuộc trưng cầu ý dân tại Hungary về chính sách nhập cư của Chính phủ đã không thành công dù tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao. Kết quả cuộc trưng cầu cho thấy có tới 98,2% số phiếu ủng hộ Chính phủ Hungary và chống lại sự phân bổ người tị nạn trong Liên minh châu Âu (EU) do EC áp đặt.

Tuy nhiên, cuộc trưng cầu được coi là không hợp lệ bởi số người đi bỏ phiếu thấp, ở mức 45%. Trong số gần 8 triệu người Hungary có quyền đi bỏ phiếu thì chưa tới 3,8 triệu người tham gia, tức chưa đủ 50% tổng số cử tri.

Để giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng di cư mới vào châu Âu, tháng 9/2015 các nước EU đã thỏa thuận giảm tải cho Hy Lạp và Italy, nơi tập trung phần lớn người tị nạn từ Bắc Phi và Trung Đông. EC quyết định phân bổ 160.000 người tị nạn sang nhiều nước EU. Tuy nhiên, Áo, Đan Mạch, Ba Lan và Hungary không nhận một người tị nạn nào theo sự phân bổ trên mặc dù đã qua một nửa trong thời hạn hai năm.

Theo quyết định của EC, Hungary phải đón nhận 1.294 người tị nạn. Con số này quá ít nếu so với 400.000 người đã vào châu Âu qua lãnh thổ Hungary vào năm 2015. Nhưng đối với Thủ tướng Viktor Orban vấn đề không phải ít hay nhiều mà là ở sự áp đặt.

Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại châu Âu)