08:05 22/08/2012

Vấn đề người đồng tính-Bài 2: Cha mẹ khó “lộ diện” hơn con

Kỳ thị từ xã hội là một trong những yếu tố khiến cha mẹ cảm thấy “không thể chấp nhận” sự thật về xu hướng tình dục và bản dạng giới của con em mình.

Kỳ thị từ xã hội là một trong những yếu tố khiến cha mẹ cảm thấy “không thể chấp nhận” sự thật về xu hướng tình dục và bản dạng giới của con em mình. Trong khi nhiều người con là LGBT không ngần ngại công khai xu hướng tình dục và bản dạng giới của mình, thì người thân của họ lại chẳng dễ dàng công khai sự thật này.

 

Đông đảo người thân và bạn bè của các LGBT đã tham gia hội thảo về mối quan hệ giữa những người nữ yêu nữ với cha mẹ, tổ chức ngày 4/8/2012, tại Hà Nội.

 

Một hôm, thấy cậu con đi học về trong bộ dạng nhem nhuốc, mặt tím bầm, mũi rỉ máu, một phụ huynh tại TP Hồ Chí Minh hỏi: Con sao vậy?

 

- Chúng nó đánh con, vì con... đồng tính.


Sốc, vì sự thật về xu hướng tình dục của con. Đau, vì đứa con rứt ruột đẻ ra bị đánh đập. Xót lòng, vì nghĩ đến tương lai chắc sẽ nhiều khó khăn của con mình. Thế nhưng, người mẹ ấy không dám phản ứng gì với những bạn học đã thô bạo với con. “Làm ầm lên, càng lộ ra là con đồng tính. Hay ho gì” - người mẹ trải lòng.


“Thế con anh/chị dạo này thế nào? Chưa chịu lấy vợ/lấy chồng à?”, là những câu hỏi mà các bậc phụ huynh của LGBT “ngại” phải đối diện nhất. Biết trả lời thế nào, khi chỉ mình mình biết con em của mình là LGBT?


Nói ra, chắc chắn chẳng giải quyết được gì, có khi còn thêm điều tiếng. Mà ậm ờ mãi cũng không xong. Cô H. - mẹ của một đồng tính nam ở Hà Nội tâm sự: “Với họ hàng, tôi không dám nói ra sự thật về xu hướng tình dục đồng tính của con. Nó là con trai duy nhất, lại như tấm gương, “dẫn dắt” cả đám anh em nội ngoại học hành, thành đạt, đi du học nước ngoài. Lại khôi ngô, đẹp ngời ngời. Ai ai cũng ca ngợi. Vậy mà... Thế thì tôi biết ăn nói làm sao?”.


“Ai hỏi nhiều quá, tôi đành bảo: À, nó đi Tây, đăng ký với một cô gái sống với nhau mà không cưới”, cô H. tặc lưỡi.


Những bậc phụ huynh có con là người chuyển giới thì thường nhắc nhở con: “Mày ăn mặc, đầu tóc cho ra con gái/con trai đi, để người ta không nhìn vào nhà mình”!
Cô H. nhiều khi nghĩ quẩn: Hay “tìm đại” một cô nào, đơn giản, không đòi hỏi tình yêu, để “cưới cho xong”. Như thế sẽ không còn điều tiếng gì, và biết đâu, còn có cháu bế. Nhưng cô cũng biết, làm vậy không đơn giản, nhất là trong xã hội hiện nay.


Thêm vào đó, trên thực tế, hôn nhân không tình yêu, nhất là với các LGBT, sẽ thực sự là một cực hình. “Sẽ có ít nhất một người vợ/người chồng, những đứa con (nếu có) và một gia đình chồng/vợ bị lôi kéo vào bi kịch của em”, D. - một thành viên mạng lưới đồng tính nam tâm sự.


Nhiều khi tôi nghĩ: “Con mình ngoan ngoãn, có hiếu, lại tài năng, giúp ích nhiều cho xã hội, có gì mà xấu hổ. “Chuyện kia” của nó là chuyện cá nhân, không ảnh hưởng tới mọi người, mà là do tự nhiên sinh ra đã thế” - phụ huynh của một đồng tính nữ chia sẻ. Nhưng, cũng như nhiều người mẹ khác, khi chịu áp lực từ người ngoài, phụ huynh này cũng thừa nhận “lại không kiềm chế được”.


Mẹ của một trangender (người chuyển giới) tại Hà Nội, thì lo lắng tâm sự: “Nó không lười nhác, hay hư hỏng. Cũng chẳng vướng tệ nạn gì. Nhưng chắc chắn công ăn việc làm sẽ vô cùng khó khăn. Nó đã phải nghỉ việc ở một công ty vì bị xì xào rồi. Những nơi “tử tế” chắc sẽ khó lòng chấp nhận con tôi”.


Chính vì vậy, rất ít mẹ cha dám thổ lộ con người thật của con với mọi người. “Chắc phải tới khi nào trong xã hội không còn những suy nghĩ kỳ thị với người đồng tính, thì con tôi và gia đình mới được sống đúng là mình, và tôi mới thôi xấu hổ, ngại ngần khi nói về con”, cô H. ngậm ngùi.


Thùy Hương

 

(*) Tên, địa chỉ các nhân vật trong bài đã được thay đổi để đảm bảo riêng tư cho gia đình và người thân.

 

Bài cuối: Lối thoát từ tình thương yêu