05:10 09/05/2018

Vấn đề hạt nhân Iran: Bộ Tài chính Mỹ thu hồi giấy phép xuất khẩu máy bay

Sau quyết định rạng sáng nay 9/5 (theo giờ Việt Nam) của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran và các cường quốc, Bộ Tài chính Mỹ thông báo sẽ thu hồi giấy phép cấp cho các hãng chế tạo máy bay của Mỹ để xuất khẩu máy bay sang Iran.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại cuộc họp báo ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với báo giới cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Mỹ sẽ không thông qua việc xuất khẩu máy bay thương mại cũng như các linh kiện và dịch vụ đi kèm cho Iran trong vòng 90 ngày tới.

Sau khoảng thời gian sẽ kết thúc vào ngày 6/8 tới này, bộ trên cũng sẽ thu hồi giấy phép cho phép các doanh nghiệp Mỹ đàm phán các thỏa thuận thương mại với Iran. Theo Bộ trưởng Mnuchin, bộ trên sẽ thu hồi giấy phép xuất khẩu máy bay sang Iran cấp cho Boeing và Airbus.

Hãng hàng không IranAir đã ký thỏa thuận mua 200 máy bay dân dụng, gồm 100 chiếc của Airbus SE trị giá 19 tỷ USD, 80 chiếc của Boeing trị giá 17 tỷ USD và 20 chiếc của liên doanh Pháp- Italy ATR. Boeing còn ký thêm hợp đồng trị giá 3 tỷ USD để bán 30 máy bay cho hãng hàng không Aseman Airlines của Iran. Các thỏa thuận này đều phụ thuộc vào giấy phép của Mỹ do sử dụng nhiều linh kiện của Mỹ để chế tạo máy bay.

Trong một thông báo đưa ra trước phát biểu của Bộ trưởng Mnuchin, hãng hàng không Airbus của châu Âu cho biết sẽ cần thời gian để đánh giá quyết định của Tổng thống Trump. Trong khi đó, Boeing khẳng định sẽ tuân thủ các chính sách của Chính phủ Mỹ.

Trước đó Boeing cho biết chưa có kế hoạch chuyển giao máy bay cho Iran trong năm nay, đồng thời khẳng định kế hoạch sản xuất Boeing 777 không phụ thuộc vào các đơn đặt hàng của Iran. Sau tuyên bố của Tổng thống Trump, cổ phiếu của Boeing đã giảm 0,6% tương đương 2,06 USD.

Trong bài phát biểu chiều 8/5 (rạng sáng 9/5 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Các đồng minh của Mỹ tại châu Âu cũng như lãnh đạo các nước và Liên hợp quốc đều bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Tổng thống Mỹ đồng thời kêu gọi bảo toàn JCPOA.

Sau thỏa thuận hạt nhân Iran được ký ngày 14/7/2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), các doanh nghiệp phương Tây đã đổ xô vào thị trường 80 triệu dân gần như chưa được khai thác này của Iran.

Ngoài các hợp đồng máy bay trị giá hàng tỷ USD, Iran cũng ký kết nhiều thỏa thuận "khủng" về khai thác giàu mỏ và chế tạo ôtô với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy nhiên, trước các diễn biến mới, các tập đoàn này đều cho biết sẽ phải xem xét lại kế hoạch làm ăn với Iran.

TTXVN/Báo Tin tức