02:11 21/02/2019

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng 21/2 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến: Luật Đầu tư công (sửa đổi) chỉ tập trung sửa đổi những nội dung vướng mắc trong thực tế và đã đánh giá kỹ tác động, còn những nội dung không vướng mắc hoặc chưa có đánh giá tác động thì không nên sửa đổi.  

Theo các đại biểu, cần phải làm rõ những vướng mắc trong việc thực hiện Luật Đầu tư công (sửa đổi), Ban soạn soạn Luật Đầu tư công (sửa đổi) cần lý giải về những nội dung sửa đổi bổ sung một cách cụ thể, bổ sung đánh giá tác động, bảo đảm chất lượng nội dung quy định được chỉnh sửa.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các vấn đề vướng mắc, sửa đổi Luật Đầu tư công toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thống nhất tên gọi của Luật là Luật Đầu tư công (sửa đổi).  

Cũng có ý kiến cho rằng, nên tập trung vào sửa đổi một số điều cần thiết và lấy tên là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công”.  

Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, trên cơ sở tổng kết 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công, qua giám sát, nghiên cứu các ý kiến ĐBQH, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương thì vấn đề quan trọng là việc sửa đổi phải tháo gỡ được các khó khăn vướng mắc, phù hợp với thực tiễn.

Dự án Luật đã sửa nhiều nội dung về khái niệm, giải thích từ ngữ; đã sửa đổi, bổ sung cơ bản các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành với số lượng các điều phải sửa đổi, bổ sung, loại bỏ chiếm tỷ lệ khá lớn. Do đó, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục triệt để những vướng mắc đã và đang phát sinh trên thực tiễn, bảo đảm tính ổn định, khả thi của Luật, đa số ý kiến thống nhất phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật là “Luật Đầu tư công (sửa đổi)”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Một số ý kiến đề nghị chỉ tập trung sửa đổi những nội dung vướng mắc trong thực tế và đã đánh giá kỹ tác động, những nội dung không có vướng mắc hoặc chưa đánh giá kỹ tác động thì không sửa đổi. Về nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, có ý kiến đề nghị không quy định “nguồn vốn để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách” trong Luật này vì một số nguồn để lại cho đầu tư đã được điều chỉnh ở nhiều văn bản quy định khác nhau. Một số ý kiến đề nghị cần quy định nội dung này để quản lý nguồn lực đầu tư của Nhà nước nhưng cũng cần tạo điều kiện để các đơn vị phát huy quyền tự chủ, đồng thời tránh những quy định chỉ mang tính hình thức và gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Về nội dung này, ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, để một mặt giải quyết các vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý nguồn lực đầu tư công, mặt khác bảo đảm quyền tự chủ của các tổ chức, đơn vị sử dụng nguồn vốn, đề nghị thống nhất tiếp thu theo hướng: Quy định trong Luật những nguyên tắc cơ bản trong quản lý, sử dụng nguồn vốn; phân cấp quyền hạn, trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc phê duyệt, giao kế hoạch “vốn nhà nước ngoài ngân sách” và thể hiện tại Điều 61 của Dự thảo Luật mới. Đề nghị quy định Kế haochj đầu tư trung hạn 5 năm và hàng năm do Quốc hội phê duyệt không bao gồm nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách. Giao Chính phủ quy định cụ thể về việc lập, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đối với các dự án sử dụng nguồn vốn này; bảo đảm có căn cứ pháp lý để khắc phục những vướng mắc đã phát sinh trên thực tế, đảm bảo cơ sở pháp lý trong việc tổ chức thực hiện.

Trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) nêu về việc tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là dự án độc lập (Điều 6), nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định tại Khoản 6 Điều 5 Dự thảo Luật vì không nên tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là dự án độc lập. Có ý kiến cho rằng quy định tại Khoản 2 Điều 6 chưa rõ ràng, chưa làm rõ được thế nào là quan trọng và quy mô thế nào thì được tách thành các dự án thành phần.

Các ý kiến trong phiên họp cho rằng, việc quy định về dự án bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư công là chưa hợp lý. Nếu tách riêng công tác này để bố trí vốn đầu tư công có thể sẽ dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng xong không đủ nguồn lực để thực hiện dự án vì không nhìn được tổng thể nhu cầu nguồn lực, hoặc dự án không được phê duyệt, dẫn đến tình trạng “dự án treo”, lãng phí nguồn lực và dễ gây bức xúc trong nhân dân. Đối với các trường hợp đặc thù, trong quá trình tổ chức thực hiện dự án mà cần thiết phải tách riêng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện trước, căn cứ vào tình hình cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định. Do đó, đề nghị không quy định dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng là dự án đầu tư công độc lập. Trong trường hợp dự án đặc biệt cần thiết, Chính phủ có thể trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định song Dự thảo luật cần quy định những điều kiện, tính đặc thù của loại dự án này.

Tuy nhiên, Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng là vấn đề phức tạp. Nếu tách việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tại thời điểm trước khi quyết định chủ trương đầu tư sẽ tạo thuận lợi để triển khai dự án ngay sau khi có quyết định đầu tư. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7 - 10): Một số ý kiến ĐBQH cũng cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Một số ý kiến cho rằng, có thể điều chỉnh tổng mức đầu tư phân loại dự án nhưng phải trên cơ sở đánh giá trên thực tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Với quy định như Luật hiện hành, mới chỉ có 02 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 10%, quy mô thu ngân sách tăng khoảng 55%, chi ngân sách cho đầu tư phát triển tăng khoảng 120%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn, để Luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đề nghị mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỷ đồng. Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị mức tăng 50% so với quy định hiện hành và thể hiện tại các điều 7, 8, 9, 10 của Dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành vì không cần thiết điều chỉnh và thực tế thực hiện không phát sinh vướng mắc. Cơ quan soạn thảo đề nghị điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lênmức vốn 20.000 tỷ đồng.

Phát biểu kết thúc phần thảo luận Luật Đầu tư công (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu: Luật Đầu tư công đã thực hiện gần 4 năm qua và đã bộc lộ nhiều vấn đề cần sửa đổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần rà soát xem xét lại một số điều trong Luật, hạn chế tối đa sửa đổi Luật, nhưng những điều chưa hợp lý thì cần phải sửa đổi, nhưng nếu sửa đổi nhiều điều sẽ phá vỡ Luật đầu tư công. Tập trung tháo gỡ những thủ tục rườm rà trong đầu tư công, Chính phủ nên có ý kiến sớm đưa ra quan điểm của Chính phủ như thế nào về Luật Đầu tư công (sửa đổi)…

Viết Tôn/Báo Tin tức