11:18 28/11/2016

Vẫn bị thiệt hại vì thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Tại Hội nghị đối thoại về Thuế và Hải quan với doanh nghiệp năm 2016 diễn ra ngày 28/11 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết: Nhiều doanh nghiệp phàn nàn, họ vẫn bị yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại giấy tờ không cần thiết, đặc biệt phải chờ đợi thủ tục kiểm tra chuyên ngành khiến tốn kém chi phí.

Nỗ lực cải cách nhưng còn nhiều bất cập

Theo ông Phòng, 3 nhóm thủ tục hải quan được các hiệp hội và liên minh hợp tác xã đánh giá phiền hà nhất là giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan. Quy định về khia báo hải quan (mã HS) còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp; sự thiếu đồng bộ giữa chữ ký số và yêu cầu thực tế khi phải hoàn chỉnh hồ sơ hải quan. Bên cạnh đó, việc kiểm tra sau thông quan vẫn còn tình trạng kéo dài, chồng chéo, gây mất thời gian của doanh nghiệp “Đối với ngành thuế, thời gian từ khi ban hành chính sách tới khi có hiệu lực thi hành thường ngắn; công tác tập huấn còn hạn chế dẫn tới doanh nghiệp không kịp cập nhật và không đủ thời gian điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Công nghệ thông tin đôi khi vẫn chưa theo kịp yêu cầu; tình trạng thông báo thuế sai vẫn còn xảy ra do lỗi hệ thống phần mềm… gây khó khăn trong quá trình thực thi, tạo rủi ro cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Ngoài ra, đôi lúc, ở một vài nơi, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ công chức ngành thuế vẫn khiến doanh nghiệp e ngại.”, lãnh đạo VCCI nói.


              Lãnh đạo VCCI, Bộ Tài chính... trả lời thắc mắc doanh nghiệp Ảnh: PV

Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đối với việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế, Tổng cục Thuế tiếp tục thực hiện các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã và đang đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế. Từ đầu năm đến nay, số thủ tục hành chính thuế đã được chuẩn hoá và cắt giảm từ 385 thủ tục xuống còn 300 thủ tục, như vậy đã giảm được 85 thủ tục; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy chế về quản lý thuế. Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung 51/70 quy trình, quy chế.

Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan(TCHQ) chia sẻ: Đến nay, thủ tục hành chính về hải quan tiếp tục được rà soát, đơn giản, minh bạch, cụ thể: Hiện tại thủ tục hành chính về hải quan có 168 thủ tục; 100% đơn vị Hải quan thực hiện thủ tục hải quan thông qua hệ thống VNACCS/VCIS. Đến 29/8/2016, cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 10 Bộ. Từ tháng 9/2015, Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã sẵn sàng để chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực trong năm 2016.

Tại Hội nghị, ông Vũ Ngọc Anh cũng đã giới thiệu các quy định mới về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK) như: Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 có một số quy định mới liên quan đến thuế XNK đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính cho người nộp thuế; Nghị định số 134/2016/NĐ-CP đã quy định chi tiết đối với 23 trường hợp miễn thuế quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016; Chính phủ đã ban hành 12 Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và ưu đãi đặc biệt…

Vẫn vướng thủ tục kiểm tra chuyên ngành


Cũng tại hội nghị, Tổng Cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của doanh nghiệp. Đại diện Công ty Đá thạch Anh cao cấp LPD thắc mắc: “Công ty LPD có nhập dây truyền độc quyền của Intalia, trong dây truyền thiết bị có nhiêu động cơ nhưng trong tiêu chuẩn của Việt Nam, động cơ này tiêu chuẩn của Italia lại không khớp với tiêu chuẩn Việt Nam. Do vậy, công ty phải thường xuyên phải tái xuất gây tốn kém chi phí của doanh nghiệp.

Theo LPD, năm 2016, chi phí tái xuất của LPD chiếm 40% chi phí nhập khẩu của doanh nghiệp. Trước vấn đề này, công ty đã đề xuất các cơ quan có cơ chế để doanh nghiệp được miễn kiểm, hoặc công nhận tiêu chuẩn của nước ngoài.

Đại diện LPD cũng cho biết, đối với các động cơ nhập về không đạt, sau khi tái xuât mặc dù chua được đưa vào sản xuất nhưng vẫn bị phạt theo Nghị định 45. Mỗi lần tái xuất doanh nghiệp bị phạt vi phạm hành chính, số tiền lần sau cao hơn lần trước, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. LPD kiến nghị lãnh đạo Bộ Tài chính và các bộ ban ngành xem xét, khi doanh nghiệp tuân thủ các quy định, có thể xóa bỏ hình phạt.

Trả lời vấn đề này, ông Vũ Ngọc Anh cho hay: Về vấn đề doanh nghiệp có được miễn kiểm, hoặc công nhận tiêu chuẩn của nước ngoài như LPD kiến nghị,lĩnh vực này thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN). TCHQ đã có công văn trao đổi và vấn đề này đang được giải quyết trong các cơ chế, giải pháp trong kiểm tra chuyên ngành. Doanh nghiệp cần làm việc trực tiếp với Bộ KHCN để được làm rõ.

Đối với kiến nghị xóa bỏ hình phạt hành chính đối với doanh nghiệp, tất cả các hành vi nào được quy định trong Luật dù muốn hay không thì doanh nghiệp đều phải tuân thủ. Chừng nào Luật này chưa được sửa đổi thì doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ. TCHQ sẽ ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp và sẽ kiến nghị lên Chính phủ để có thể sửa đổi.

Đại diện Công ty CP Ô tô Trường Hải cho hay, là doanh nghiệp chuyên sản phẩm chính là xe ô tô lắp ráp bán ra thị trường. Trong quá trình xuất ra thị trường, có những sản phẩm nhập khẩu xe về bán và công ty có cơ chế thí điểm mở tờ khai và nhập khẩu xe về bến xe Mỹ Đình. Là công ty lớn và kinh doanh nhiều loại xe, chúng tôi có nhiều văn phòng đại diện ở Hà Nội nhưng nhiều thương hiệu lại nằm ở những công ty khác nhau và ở nhiều địa bàn khác nhau (ngoài Hà Nội). Để giảm bớt chi phí thì với dòng xe Mazda có chính sách chuyển hộ khẩu hay không?

“Một vấn đề phát sinh đối với khách hàng đó là, đặc thù của chúng tôi là bán xe cho khách hàng, trong quá trình sửa chữa chúng tôi nhập thân vỏ máy và nhập về sửa cho khách hàng.Theo quy chế thủ tục một cửa, thông tin trên tờ khai điện tử được sử dụng cho cơ quan ban ngành liên quan. Nhưng khi khách hàng sửa chữa và đăng ký xe, mất 6 tháng mới đăng ký được. Do việc chuyển đổi này phải cung cấp tờ khai hải quan để xác nhận. Chỉ có mỗi vấn đề này mà khách hàng phải đi đi lại lại tới 6 tháng trời. Tôi mong Bộ Tài chính, hải quan nên có chính sách thông suốt hơn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, đại diện Công ty Trường Hải đề xuất.

Theo lãnh đạo TCHQ, trên thực tế đã là thí điểm thì sẽ bị giới hạn doanh nghiệp và hàng hoá tham gia. Do đó, việc bị giới hạn hàng hoá là điều đương nhiên và rất mong doanh nghiệp thông cảm. Sau khi thực hiện tổng kết sơ kết thí điểm này kết hợp với việc báo cáo Chính phủ chúng tôi mới có cơ chế mới.

“Về việc sử dụng tờ khai hải quan đã có chính sách cụ thể nhưng nếu trong quá trình thực hiện, đơn vị thực hiện đòi hỏi thêm giấy tờ xác nhận tại cơ quan hải quan dù đã có chính sách và văn bản hướng dẫn thực thì cần phải xem xét để tránh tình trạng gây khó khăn cho người dân khi đi làm thủ tục. Về trường hợp này, chúng tôi giao trách nhiệm cho cơ quan hải quan xem xét và làm việc để tránh những trường hợp như thế này và để phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.

Trước những thắc mắc của nhiều doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai khẳng định: Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ những chính sách thuế và hải quan nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. Bộ Tài chính sẽ luôn là bạn đồng hành của doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp cùng tồn tại và phát triển.

Minh Phương