11:18 12/11/2021

Vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ngày 12/11, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của Công an nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Chú thích ảnh
Trung tướng, PGS, TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội thảo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đề dẫn tại Hội thảo nêu rõ, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa là chủ trương nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, được khẳng định qua các kỳ Đại hội, được cụ thể hóa bằng pháp luật và bảo đảm thực hiện trên thực tế. Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc tư tưởng, quan niệm về nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại, những giá trị phổ quát trong nội dung tư tưởng về nhà nước pháp quyền trên thế giới cũng như nền tảng tư tưởng, lý luận và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, nhận thức xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng đầy đủ và phát triển hơn. Bản chất của Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện rõ nét, đặc sắc trong Hiến pháp năm 2013. Đó là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị".

Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ trong thời gian tới: "Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Thực hiện nhiệm vụ trên, ngày 20/7/2021 Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" và tổ chức nghiên cứu 27 chuyên đề chuyên sâu, trong đó giao Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, xây dựng Chuyên đề 19 “Cải cách tư pháp trong Cơ quan điều tra đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và Chuyên đề 20 “Đổi mới công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đồng thời tham gia phối hợp, góp ý kiến với các cơ quan chức năng trong xây dựng các chuyên đề khác.

Lý luận và thực tiễn chỉ ra rằng, mô hình Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa đã và đang được triển khai xây dựng ở Việt Nam là một tất yếu khách quan. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động vẫn tăng cường chống phá, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa với mức độ, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn trong bối cảnh hiện nay.

Tình hình trên đặt ra yêu cầu nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn, đòi hỏi trong bất cứ tình huống nào, lực lượng Công an nhân dân phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, góp phần tích cực bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; tạo môi trường hòa bình, an ninh, trật tự, kỷ cương để phát triển đất nước.

Trước tình hình đó, việc nghiên cứu làm rõ vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam càng trở nên đặc biệt quan trọng. Xuất phát từ những lý do trên, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của Công an nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân" nhằm góp phần cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn về: Những vấn đề lý luận chung về nhà nước pháp quyền, Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Vai trò của Công an nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa …

Quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 53 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân. Nội dung các bài viết đã phân tích làm rõ thêm vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích sâu hơn về một số nội dung như: Làm rõ hơn những vấn đề lý luận chung về nhà nước pháp quyền, về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Làm rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Những vấn đề đặt ra cho lực lượng Công an nhân dân để đáp ứng được vai trò và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong thực hiện xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã làm rõ hơn về lý luận và thực tiễn đối với nội hàm về việc thực hiện xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” nói chung, vai trò của Công an nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng; là cơ sở để giúp Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trong Công an nhân dân.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)