12:06 20/12/2019

Vai trò của bộ đội biên phòng trong củng cố chính trị cơ sở, phát triển dân tộc La Hủ

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi, trong đó có Lai Châu nên diện mạo các xã biên giới, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lai Châu đã có thay đổi đáng kể; đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.

Có được những kết quả trong xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống đồng bào nơi biến giới có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sỹ Biên phòng Lai Châu hướng dẫn bà con nhân dân vùng biên chăm sóc cây ngô. Ảnh: Công Tuyên/TTXVN.

Theo Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pa Ủ, trước đây do phong tục tập quán của đồng bào La Hủ xã Pa Ủ, huyện Mường Tè còn lạc hậu, sống du canh, du cư ở những khu vực núi non hiểm trở, nên đời sống vật chất chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Sản xuất mang tính tự cung tự cấp, chưa có giao lưu hàng hóa... nên đồng bào La Hủ còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.  

Để đến được khu vực bản Hà Xi, Cờ Lò 1, 2 của xã Pa Ủ, các chiến sĩ biên phòng phải đi bộ, trèo đèo, lội suối cả ngày đường. Do hệ thống chính trị cơ sở còn hạn chế, đặc biệt tổ chức đảng và đảng viên ở 12 bản của xã còn mỏng và yếu. Toàn xã mới có 5/12 bản có chi bộ nhưng hoạt động chưa hiệu quả, 7/12 bản chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ mới. Công tác phát triển đảng viên là người La Hủ khó khăn, đội ngũ cán bộ cơ sở ở địa phương năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành chưa đáp ứng yêu cầu. Kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn, hiệu quả sử dụng thấp, một số hoạt động văn hóa truyền thống đang dần bị mai một...

Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Đồn Biên phòng Pa Ủ đã tham mưu với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Mường Tè thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ”, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị xã Pa Ủ từ tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể vững mạnh. Đồn Biên phòng Pa Ủ đã tăng cường một đồng chí sỹ quan giữ chức danh Phó bí thư Đảng ủy; lựa chọn giới thiệu 12 đồng chí đảng viên tham gia sinh hoạt đảng tại các chi bộ bản gắn với phụ trách các hộ gia đình và các tổ tự quản đường biên, cột mốc và tổ an ninh trật tự.  

Qua đó, từng bước đưa hoạt động của địa phương đi vào nề nếp, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành và hoạt động của các tổ chức dần được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. 5 năm qua, đơn vị đã giúp xã phát triển 35 đảng viên mới, xóa 7 bản trắng đảng viên, 12/12 bản của xã đã có chi bộ. Bên cạnh đó còn tham mưu lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo gần 76 lượt cán bộ xã và bản, trong đó mỗi chi bộ bản đều có cán bộ biên phòng và cán bộ địa phương tham gia sinh hoạt.

Cán bộ, chiến sỹ đề cao trách nhiệm, bám dân, bám bản, là chỗ dựa tin cậy của bà con trong xã. Từ việc giúp tặng con giống, làm nhà cho người nghèo, giúp trẻ có áo ấm đến trường, làm đường giao thông, xây bể nước, bồi dưỡng quần chúng vào Đảng. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị xác định khâu đột phá trong công tác vận động quần chúng (VĐQC) là lấy “mô hình làm công tác tuyên truyền kết hợp với việc học tập ngôn ngữ địa phương, phong tục tập quán làm nòng cốt” để VĐQC với mục tiêu vì nhân dân phục vụ.  

Đơn vị coi trọng việc xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bằng nhiều việc làm thiết thực gắn với tuyên truyền, vận động bà con tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng tiềm lực và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Các mô hình có hiệu quả như: Chăn nuôi bò tập trung tại bản Tân Biên, bản Mu Chi với số lượng trên 50 con, đơn vị đã tập trung hướng dẫn nhân dân cách chăn thả, nuôi nhốt, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường và mở rộng diện tích trồng cỏ voi để chăn nuôi. Hay mô hình trồng và chăm sóc hàng chục ha hoa màu các loại; hỗ trợ giúp đỡ 2 hộ gia đình tại bản Hà Xi triển khai mô hình trồng lúa nước 2 vụ với diện tích trên 2 ha.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi dê tập trung được Bộ đội Biên phòng Lai Châu triển khai tại các xã Pa Vệ Sử, Pa Ủ, Thu Lũm, Ka Lăng (huyện Mường Tè)... đã giúp hàng trăm hộ dân vùng biên thoát nghèo. Ảnh: Công Tuyên/TTXVN.

Theo Thiếu tá Trần Hà Nam, năm 2019, lần đầu tiên xã Pa Ủ có mô hình lúa nước vụ xuân - hè, đạt sản lượng cao hơn các vụ khác (trên 1tấn/ha). Cũng trong năm 2019, huyện Mường Tè tiếp tục giao cho đơn vị phát triển đàn bò hợp tác xã tại bản Hà Xi với số lượng 52 con. Từ hiệu quả bước đầu của việc thực hiện các mô hình này, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, bà con rất phấn khởi, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, an tâm định cư, ổn định cuộc sống, tin tưởng và tích cực giúp đỡ BĐBP trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Tự giác thực hiện những việc BĐBP hướng dẫn như: Vệ sinh, làm vườn rau, chăn nuôi, trồng trọt, người lớn đã biết đọc chữ, học sinh đã có ý thức tới lớp…

Hưởng ứng phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã giúp nhân dân xã trên 300 ngày công làm đường giao thông nội bản, khai hoang 14 ha ruộng nước, 18 ha nương rẫy. Hỗ trợ 28 hộ làm nhà mới, 68 con bò giống cho 68 hộ, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng cỏ, làm chuồng…  

Đến nay, xã đã đạt 9/19 tiêu chí xã nông thôn mới; tiêu chí hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều năm 2014 là 94%, đến nay đã giảm xuống còn 72%. Những việc làm thiết thực, ý nghĩa này không chỉ giúp bà con bớt đi một phần khó khăn, mà còn thắt chặt hơn mối quan hệ đoàn kết quân dân, góp phần xây dựng biên giới, địa bàn ngày càng vững mạnh.  

Thiếu tá Trần Hà Nam cho rằng, có được những kết quả trên là do đơn vị nắm vững, bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết chỉ đạo của cấp trên và vận dụng đúng, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa bàn. Am hiểu phong tục tập quán địa phương, người dân để đề ra nội dung, biện pháp vận động quần chúng có hiệu quả.

Thường xuyên tổ chức lực lượng bám nắm địa bàn, vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền, kết hợp giữa tuyên truyền chung và tuyên truyền riêng đảm bảo dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. Lấy các tấm gương điển hình tiên tiến người thật, việc thật, mô hình thật ở địa bàn để làm dẫn chứng minh họa, cầm tay chỉ việc, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, xây dựng cho họ có ý thức, ý chí vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.  

Tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chính sách trong công tác định canh, định cư, chính sách vùng đồng bào dân tộc. Tham mưu cho địa phương và giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào.

Đặc biệt, từ cấp ủy, chỉ huy, đến cán bộ, chiến sỹ luôn đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, gần gũi để thấu hiểu thấm nhuần cái khó, cái khổ của nhân dân, chia sẻ với dân. Có kế hoạch giúp dân cụ thể, không ngại khó, ngại khổ, tích cực chủ động, sáng tạo; động viên, cổ vũ được nhân dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống mới, không ngại hòa nhập với các dân tộc khác.

Là tỉnh biên giới phía Bắc, Lai Châu có đường biên giới trên đất liền dài trên 265,165km, khu vực biên giới gồm 23 xã, thuộc 4 huyện. Đóng quân trên địa bàn xã Pa Ủ - xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè với 98% là đồng bào dân tộc La Hủ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn, tỷ lệ đói nghèo còn cao (72%).
Nguyễn Viết Tôn/Báo Tin tức