10:11 11/10/2018

Vai trò cốt lõi của nông nghiệp trong hợp tác khu vực ASEAN

Với thị trường có quy mô hơn 650 triệu dân và tổng GDP hàng năm hơn 2.600 tỷ USD, tham gia ASEAN đã giúp Việt Nam tăng thêm khối lượng trao đổi thương mại với các nước trong khu vực.

Sáng nay 11/10, tại Hà Nội, Việt Nam đã chủ trì, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40 với trọng trách Chủ tịch nhiệm kỳ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hội nghị AMAF lần thứ 40 diễn ra tại Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng vì đây là lần thứ ba Việt Nam giữ chức Chủ tịch AMAF, Chủ tịch AMAF+3 (3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 18 (từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2019). Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã 2 lần nhận chức Chủ tịch AMAF và đăng cai tổ chức Hội nghị AMAF tại Việt Nam vào các năm 1998 và 2008.

Với vai trò là Chủ tịch AMAF lần thứ 40 và Chủ tịch AMAF+3 lần thứ 18, trong nhiệm kỳ này, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Ban Thư ký ASEAN để điều phối toàn bộ các hoạt động hợp tác của AMAF (hoạt động của 53 Nhóm công tác và hợp tác của AMAF với hơn 20 đối tác chiến lược của ASEAN).

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: H.V

Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN lần thứ 40 sẽ thông qua các chiến lược, chính sách và hướng dẫn trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp của khu vực, đề xuất các sáng kiến hợp tác với các nước đối tác và tổ chức quốc tế nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN đến năm 2025 và Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.

Theo chương trình nghị sự, tại Hội nghị các Bộ trưởng dự kiến sẽ xem xét và thông qua 23 Kế hoạch hành động, hợp tác và các văn kiện, tài liệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đối với Việt Nam, nông nghiệp có một vị trí rất quan trọng với gần 70% dân số sống ở nông thôn và chiếm tới gần 40% lực lượng lao động cả nước, quyết định việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần tích cực vào giảm đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và tạo điều kiện cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nông nghiệp và nông thôn luôn được ưu tiên và đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước chúng tôi.

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời báo chí bên lề Hội nghị. Ảnh: H.V

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, các quốc gia Đông Nam Á có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực. Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đang tạo ra các rào cản cho sự phát triển chung, đòi hỏi các nước thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu kết hợp đổi mới khoa học công nghệ gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và bao trùm.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN có phần đóng góp quan trọng của ngành nông lâm nghiệp qua các thời kỳ. Nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi ảnh hưởng tới sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội của từng quốc gia thành viên và các đối tác trong khu vực. Thực tế cho thấy, đối với hầu hết các quốc gia ASEAN, nông nghiệp được coi là bệ đỡ của nền kinh tế giúp các nước vượt qua nhiều biến động và khủng hoảng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững. Vì vậy, hợp tác nông, lâm nghiệp vẫn luôn là nội dung then chốt của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Với thị trường có quy mô hơn 650 triệu dân và tổng GDP hàng năm hơn 2.600 tỷ USD, tham gia ASEAN đã giúp Việt Nam tăng thêm khối lượng trao đổi thương mại với các nước trong khu vực,. Trong đó, thương mại nông sản giữ một vị trí quan trọng với gạo, thủy sản, rau quả... là những nhóm hàng chính Việt Nam xuất sang thị trường này (chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN). Kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản  sang khu vực ASEAN năm 2017 đạt 5,73 tỷ USD (trong đó xuất khẩu là 2,35 tỷ USD và nhập khẩu là 3,38 tỷ USD).

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, nông nghiệp cũng là lĩnh vực dễ bị tổn thương và chịu nhiều rủi ro. Như một tất yếu trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các ngành kinh tế khác trong việc sử dụng nguồn lực, nhất là lao động, đất đai và nguồn nước.

Nền nông nghiệp của khu vực đứng trước nhiều thách thức như suy giảm năng suất lao động nông nghiệp và nhịp độ tăng trưởng, chênh lệch đời sống giữa nông thôn và thành thị, tác động của biến đổi khí hậu.

Trong đó, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới an ninh lương thực và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Điển hình là trận động đất và sóng thần mới đây tại Indonesia đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, để lại hậu quả vô cùng khắc nghiệt và lâu dài. Thay mặt Chính phủ Việt Nam,Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chuyển lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân của trận động đất và sóng thần và đề nghị Hội nghị chúng ta vận dụng các cơ chế sẵn có của ASEAN như Quỹ Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN + 3 (APTERR) để kịp thời hỗ trợ các nạn nhân vượt qua các khó khăn và tổn thất do trận động đất và sóng thần mang lại.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tới sinh kế và an ninh lương thực khu vực, đồng thời nối tiếp các nội dung hợp tác ASEAN trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trong thời gian qua, dự kiến một số nội dung ưu tiên trong nhiệm kỳ 2018 – 2019 của AMAF như:  Tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững và thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực.

Hợp tác thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài khu vực ASEAN để phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa và thúc đẩy nông sản ASEAN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thúc đẩy phát triển mô hình hợp tác công tư trong sản xuất nông ngư nghiệp, tăng cường vai trò của cộng đồng và khối tư nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực.

Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; Đẩy mạnh hợp tác khuyến nông, khuyến ngư trong khu vực thông qua các hoạt động đào tạo, hợp tác chuyển giao công nghệ quản lý, vận hành, giám sát theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng.

 

H.V/Báo Tin tức