11:16 18/11/2020

Vaccine COVID-19 của Sinovac/Trung Quốc tạo phản ứng miễn dịch nhanh chóng

Hãng Reuters dẫn kết quả thử nghiệm sơ bộ công bố ngày 18/11 cho thấy vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mang tên CoronaVac do hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc điều chế đã tạo phản ứng miễn dịch nhanh chóng.

Chú thích ảnh
CoronaVac đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng nhằm xác định tính hiệu quả chống virus SARS-CoV-2. Ảnh: Reuters

Trong khi các thử nghiệm giai đoạn đầu và giữa không nhằm đánh giá tính hiệu quả của CoronaVac, nhóm nghiên cứu cho biết vaccine này có thể đem đến sự bảo vệ cần thiết, dựa trên kinh nghiệm của họ với các loại vaccine khác cũng như kết quả từ các nghiên cứu tiền lâm sàng với khỉ.

Tuyên bố trên của Sinovac được đăng trên tạp chí y khoa The Lancet Infectious Diseases. Dựa trên kết quả theo dõi ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đối với hơn 700 tình nguyện viên, Tiến sĩ Zhu Fengcai – một trong những nhà nghiên cứu chính – cho hay CoronaVac có thể tạo ra phản ứng kháng thể nhanh trong vòng 4 tuần sau khi tiêm chủng hai liều cách nhau 14 ngày. Tuy nhiên, lượng kháng thể sản sinh được sau tiêm ở mức độ thấp hơn so với lượng kháng thể có trong cơ thể của người khỏi bệnh. 

“Chúng tôi tin loại vaccine này phù hợp để sử dụng khẩn cấp trong thời đại dịch”, ông Zhu nhấn mạnh. Thông tin này được công bố sau khi các hãng dược phẩm lớn của Mỹ là Pfizer và Moderma hay của Nga đều báo cáo hiệu quả phòng chống COVID-19 đạt tỷ lệ cao trên 90%. 

Nhóm nghiên cứu cho biết giải đoạn thử nghiệm quy mô rộng hay còn gọi là giai đoạn 3 đặc biệt quan trọng để xác định phản ứng miễn dịch do CoronaVac tạo ra có đủ để bảo vệ người dùng khỏi nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Sinovac đang chạy thử nghiệm giai đoạn 3 tại Indonesia, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tiến sĩ Naor Bar-Zeev tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) – người không tham nghiên cứu vaccine CoronaVac – cho rằng các kết quả nên được công bố cẩn trọng cho đến khi giai đoạn 3 hoàn tất.  

Lựa chọn hấp dẫn

Chú thích ảnh
Một loại vaccine ngừa COVID-19 do Sinovac phát triển. Ảnh: AFP

CoronaVac là một trong số ba loại vaccine thử nghiệm được Chính phủ Trung Quốc tiêm chủng cho hàng trăm ngàn người theo một chương trình sử dụng khẩn cấp. Hai loại vaccine khác trong chương trình này đều do các viện nghiên cứu liên quan đến hãng Sinopharm điều chế. Chúng đều cho kết quả an toàn đồng thời tạo được phản ứng miễn dịch ở thử nghiệm giai đoạn đầu và giữa. 

Tiến sĩ Gang Zeng, thành viên nhóm nghiên cứu CoronaVac, nhận định vaccine này có thể là lựa chọn hấp dẫn vì nó có thể cất trữ trong tủ lạnh thông thường với nhiệt độ từ 2 – 8 độ C và hạn sử dụng lên đến 3 năm. Do đó, CoronaVac có lợi thế trong công tác phân phối vaccine đến những vùng xa xôi hoặc có cơ sở hạ tầng hạn chế. 

Ngược lại, vaccine do Pfizer và Moderna phát triển sử dụng công nghệ mới gọi là “RNA thông tin” để kích hoạt hệ miễn dịch chống lại virus và yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh. Vaccine của Pfizer cần bảo quản ở -70 độ C. Nếu trữ bằng tủ lạnh bình thường, thuốc chỉ sử dụng được trong 5 ngày. Trong khi đó vaccine phòng COVID-19 của Moderna có thể trữ trong tủ lạnh thường được 30 ngày và 6 tháng khi cất trữ ở -20 độ C. 

Giới chức Brazil và Indonesia đang cân nhắc tiêm phòng CoronaVac cho người dân trong thời gian gần. “Độ an toàn tuyệt vời của CoronaVac so với các vaccine đang được phát triển khác đã khiến người dân tin tưởng hơn”, Tiến sĩ Ricardo Palacios, phụ trách chương trình thử nghiệm vaccine tại Brazil nhận xét. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến đầu tháng 10 vừa qua, giới chuyên gia đã nghiên cứu phát triển 193 vaccine ngừa COVID-19, trong đó 42 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng. Pfizer và BioNTech là những hãng dược đầu tiên công bố số liệu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên diện rộng thành công. Theo kế hoạch cung ứng, hai công ty trên hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vaccine trên toàn thế giới trong năm 2020 và tối đa 1,3 tỷ liều trong năm 2021.

Hoàng Trang/Báo Tin tức