03:19 20/03/2015

'Vắc xin Tiêm chủng mở rộng là giải pháp căn cơ'

Vì sao vắc xin dịch vụ khan hiếm gần 2 năm ròng? Đâu là giải pháp hữu hiệu có thể chấm dứt tình trạng này trong thời gian tới?

Vì sao vắc xin dịch vụ khan hiếm gần 2 năm ròng? Đâu là giải pháp hữu hiệu có thể chấm dứt tình trạng này trong thời gian tới?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh những vấn đề này.

PGS.TS Trần Đắc Phu.


Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ là do người dân mất niềm tin vào công tác tiêm chủng mở rộng sau những sự cố đáng tiếc xảy ra, ông nhận định gì về vấn đề này?

Theo tôi, quan điểm cho rằng người dân mất niềm tin vào tiêm chủng mở rộng (TCMR) là không chính xác. Ước tính, chỉ khoảng 8% tổng số trẻ em tiêm chủng vắc xin dịch vụ (chủ yếu là vắc xin 5 trong 1 và vắc xin 6 trong 1). Trong khi đó, hàng năm cả nước có khoảng 1,5 triệu trẻ em được tiêm vắc xin Quinvaxem (tương tự vắc xin dịch vụ 5 trong 1) trong Chương trình TCMR.

Thực tế, việc một số các bậc cha mẹ chuyển sang tiêm vắc xin dịch vụ cho con nhỏ chỉ giới hạn ở một vài thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Thời gian qua, một số bà mẹ có tâm lý chờ đợi vắc xin dịch vụ do tâm lý e ngại về phản ứng sau tiêm, cho rằng miễn phí là không tốt, trào lưu trong cộng đồng… nhưng đó chỉ là cách nghĩ chưa thật đúng về TCMR của một bộ phận nhỏ người dân.

Do tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ đã kéo dài gần 2 năm nên dư luận đang nghi ngại “Phải chăng do Bộ Y chậm “vào cuộc” hoặc đang thiếu những chính sách mang tầm chiến lược nên mới bị lệ thuộc nguồn cung cấp”, điều đó có đúng không, thưa ông?

Bộ Y tế luôn quan tâm đến công tác tiêm chủng nói chung và việc đảm bảo vắc xin dịch vụ nói riêng. Năm 2014, ngay từ khi nguồn cung vắc xin dịch vụ không được suôn sẻ, Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều văn bản như: Ưu tiên kiểm định đối với các lô vắc xin sản xuất và nhập khẩu phục vụ phòng chống bệnh dịch, yêu cầu các công ty sản xuất và nhập khẩu vắc xin tích cực tìm nguồn cung thay thế và chủ động liên hệ với các đơn vị tiêm chủng để cung ứng kịp thời. Thời điểm hiện nay vẫn có khoảng 20 loại vắc xin dịch vụ được cung ứng, trong đó chỉ thiếu loại vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1.

Tuy nhiên, cần thấy rõ rằng, các vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 (vắc xin dịch vụ) là do người dân tự trả tiền theo nhu cầu. Khác với vắc xin trong TCMR được dự trù hàng năm theo số lượng trẻ em và các chiến dịch tiêm chủng, vắc xin dịch vụ được nhập khẩu và phân phối theo cơ chế thị trường. Nghĩa là, nhu cầu thị trường quyết định số lượng và chủng loại vắc xin nhập khẩu.

Hơn nữa, vắc xin là một loại sinh phẩm, quy trình bảo quản nghiêm ngặt, không tái chế lại được. Vì vậy, chỉ khi các cơ sở tiêm vắc xin dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp công ty cung ứng mới đặt hàng của các nhà sản xuất nước ngoài. Và dĩ nhiên, lúc đó, các nhà sản xuất mới bắt tay vào sản xuất.

Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, năm 2014, chỉ có 3 loại vắc xin bị thiếu cục bộ là 5 trong 1, 6 trong 1 và vắc xin thủy đậu. Đối với vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các đơn vị tiêm chủng phải sử dụng vắc xin tương ứng đang sẵn có trong TCMR. Riêng vắc xin thủy đậu, Cục Quản lý Dược đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu tích cực tìm nguồn cung thay thế và kể từ giữa năm 2014 đến nay, nguồn cung luôn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.



Riêng về hai loại vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 thì đều đã có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Vì vậy, căn cứ vào nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp đều có thể nhập khẩu vắc xin với số lượng không giới hạn và không phải xin phép Bộ Y tế.

Vấn đề là vừa qua, theo thông báo của nhà sản xuất nước ngoài, nguồn cung hai loại vắc xin trên gặp khó khăn do thay đổi công nghệ, chuyển địa điểm sản xuất, một số lô vắc xin bị hỏng nên 6 tháng sau mới cung cấp được lô vắc xin khác... Hơn nữa, thị phần tại Việt Nam không lớn vì Việt Nam hiện nay đang sử dụng vắc xin 5 trong 1 miễn phí là Quinvaxem từ TCMR nên không được nhà sản xuất ưu tiên.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, vẫn còn có bậc phụ huynh kiên quyết chờ bằng được vắc xin dịch vụ để tiêm cho con trẻ. Vậy, tới đây, Bộ Y tế có giải pháp nào để tình hình vắc xin dịch vụ bớt căng thẳng hơn không, thưa ông?

Như tôi đã nói, việc lưu hành vắc xin dịch vụ cần phải tuân theo cơ chế cung - cầu, phụ thuộc nhiều vào khả năng cung cấp của nhà sản xuất. Đơn cử, năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 600.000 liều vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1. Nhưng năm 2015, theo thông báo thì nhà sản xuất chỉ có khả năng cung cấp khoảng 30.000 liều vắc xin 6 trong 1 và 250.000 - 300.000 liều vắc xin 5 trong 1.

Bởi vậy, tiêm chủng cho con trẻ bằng vắc xin từ TCMR chính là giải pháp căn cơ nhất. Các bậc cha mẹ nên chủ động đưa trẻ tiêm chủng vắc xin của TCMR để tránh lây nhiễm bệnh nếu không được tiêm chủng đúng lịch. Nếu tiêm chủng chậm thì trẻ sẽ không có được miễn dịch và có nguy cơ bị mắc bệnh sớm.Thực tế, trong đợt dịch sởi vừa qua có rất nhiều trẻ nhỏ mới 9 - 10 tháng tuổi đã bị mắc bệnh và một số trẻ bị mắc ho gà cũng ở tuổi rất nhỏ, mới chỉ 2 -3 tháng tuổi.

Theo tôi, các bậc cha mẹ cũng không nên băn khoăn, cho rằng chất lượng vắc xin dịch vụ tốt hơn vắc xin Quinvaxem miễn phí phòng các bệnh tương ứng dùng trong TCMR. Qua nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, cũng như thực tế tại Việt Nam, vắc xin dịch vụ và vắc xin Quinvaxem đều có tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm giống nhau.

Vắc xin Quinvaxem tuy có tỷ lệ phản ứng nhẹ (sốt, đau tại chỗ tiêm) cao hơn nhưng lại tạo miễn dịch cho trẻ tốt hơn. Điều đó cho thấy, đó chỉ là những lo lắng của các bậc làm cha làm mẹ chứ chất lượng các loại vắc xin đều rất đảm bảo.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời cho các cơ sở thực hiện và tổ chức các đoàn đi giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác tiêm chủng nói chung và công tác tiêm chủng tại các điểm tiêm dịch vụ nói riêng. Mới đây, Bộ Y tế đã thành lập 11 đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra, giám sát các địa phương về công tác TCMR, tiêm chủng dịch vụ và chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi - rubella. Sau đó, sẽ tiến hành rút kinh nghiệm và để chỉ đạo việc thực hiện công tác tiêm chủng ngày một tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!


Phương Liên (thực hiện)