06:01 08/06/2012

Và hôm nay, trái bóng bắt đầu lăn...

Những giây phút chờ đợi sắp kết thúc, khi không lâu nữa, trái bóng EURO 2012 bắt đầu lăn trên sân vận động Warsaw, cho một trận khai mạc chưa từng có trong lịch sử của giải đấu này. Ba Lan gặp Hy Lạp, những đội bóng không phải là lớn.

Những giây phút chờ đợi sắp kết thúc, khi không lâu nữa, trái bóng EURO 2012 bắt đầu lăn trên sân vận động Warsaw, cho một trận khai mạc chưa từng có trong lịch sử của giải đấu này. Ba Lan gặp Hy Lạp, những đội bóng không phải là lớn.

 

Tây Ban Nha (phải) sẽ gặp khó khăn trên con đường bảo vệ ngôi vô địch. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Một đội bóng tên tuổi gắn liền với phần quá khứ vinh quang đã lùi rất xa đến giờ không còn ai nhớ đến nữa, và có muốn nhớ cũng khó (vì tên của họ có quá nhiều phụ âm?). Và một đội bóng đã từng đăng quang trong ngỡ ngàng của cả thế giới 8 năm về trước, nhưng nay chỉ còn được nhắc đến chủ yếu với những biến động chính trị và xã hội kinh khủng do khủng hoảng kinh tế.


EURO 2012 cũng diễn ra trong khung cảnh ấy, khi niềm vui mà trái bóng tròn đem đến có thể bị lấn át đi ít nhiều vì những lí do kinh tế và chính trị, không chỉ Ba Lan và Hy Lạp, mà còn nhiều nước khác nữa trên toàn cõi Lục địa già. Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã chao đảo từ nhiều năm gần đây, tình trạng thất nghiệp tăng vọt, những biến động chính trị với các cuộc thay đổi chính phủ và đảo chiều của các đảng phái diễn ra liên tục. Chưa bao giờ, EURO diễn ra trong khung cảnh này.


Thế nhưng, trái bóng vẫn phải lăn, và người ta hy vọng đây sẽ là một giải đấu thực sự hấp dẫn, dù có không ít điều khiến giới chuyên môn nghi ngại về một cuộc thi thố thiếu những ngôi sao lớn và những hoài nghi về khả năng tổ chức của hai nước đăng cai Ba Lan và Ucraina. Trên thực tế, những nghi ngại ấy là có cơ sở. Điểm mặt 16 đội dự giải, rất khó có thể đếm đủ 5 đầu ngón tay những ngôi sao thực sự lớn và có đẳng cấp thế giới, trong một giải lâu rồi mới hiếm hoi cầu thủ đẳng cấp đến thế. Hai nước đồng đăng cai từ Đông Âu cũng đã phải vượt qua một loạt trở ngại từ chính họ, để tiến hành việc tổ chức một cách tốt nhất có thể. Ba Lan không gặp nhiều vấn đề, nhưng Ucraina không những vấp phải các vấn đề tự thân (tệ quan liêu, tham nhũng và trì trệ) mà còn hứng chịu những áp lực lớn lao từ phía EU trong một cuộc chiến dai dẳng và dữ dội hai chiều, từ bên ngoài và từ chính các cuộc chống phá bên trong của phe cựu thủ tướng thất thế Yulia Tymoshenko. Ngay cả những tuyên bố hùng hồn của các quan chức Ucraina cũng không giúp người ta bớt đi những âu lo và cả những lời chỉ trích. Nhưng một khi trái bóng lăn và thành công đạt tới sau một tháng tiến hành giải, chắc chắn cái nhìn của phần đông dư luận sẽ khác rất nhiều.


Một câu hỏi mang tính chuyên môn: Ai sẽ thắng trong cuộc chiến này? Lịch sử trả lời, rằng EURO là một giải đấu rất dân chủ. 13 lần giải tổ chức đã có 9 đội vô địch, với Đức giàu thành tích nhất khi đã 3 lần đoạt Cúp trong 6 lần vào đến chung kết. Và nữa, một cái dớp đáng sợ: Không đội bóng nào bảo vệ thành công danh hiệu vô địch. Người Đức đã thất bại, người Pháp cũng thế, mà họ lại chính là những đội tuyển giành nhiều danh hiệu nhất. Thế nên, áp lực lên vai đương kim vô địch Tây Ban Nha là không ít.

 

Một số chuyên gia khẳng định rằng con đường mà đội bóng này đang đi là đầy gian nan. Pháp đã từng đi theo con đường đó. Họ vô địch World Cup 1998 và sau đó 2 năm, đoạt Cúp vàng EURO 2000, để rồi đi xuống không phanh ở các giải sau đó. Tây Ban Nha, nhà vô địch của EURO 1964, đã vô địch EURO 2008 và đoạt World Cup 2010, giờ đang hứng chịu "hội chứng Barcelona" khi xương sống của đội, những người Barca vừa trải qua một mùa bóng thất bát, với những trụ cột của họ ở tuyến tiền vệ là Xavi, Iniesta, Busquets và Fabregas không còn giữ được phong độ như trước nữa. Từ cái dớp đã kể trên, từ bài học của Pháp, từ lịch sử EURO, Tây Ban Nha vẫn là cái tên khiến tất cả ngưỡng mộ, là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch. Nhưng họ có vô địch được hay không thì còn phải chờ.


Nếu như "Phía Tây không có gì lạ" (như tiêu đề của nhà văn Đức Remarque) thì hy vọng năm nay, khi bóng đá châu Âu đổi hướng về mặt địa lí, phía Đông sẽ có những điều mới mẻ. Như việc một đội bóng nào đó lên ngôi thay Tây Ban Nha làm nhà vua mới của bóng đá châu Âu, hay kể cả việc hai nước cựu Đông Âu (theo góc nhìn địa chính trị) tổ chức thành công một giải đấu tầm cỡ thế giới.


Anh Ngọc (từ Kiép)