08:17 25/08/2017

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm việc tại Thừa Thiên - Huế

Ngày 25/8, đoàn khảo sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội do Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, đoàn khảo sát đánh giá cao kết quả triển khai, thực hiện các chính sách, pháp luật về quốc phòng của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian qua. Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những đánh giá cụ thể về những nguyên nhân hạn chế, bất cập cũng như đề xuất nhiều vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật quốc phòng. Đoàn khảo sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã ghi nhận các kiến nghị và đề xuất của tỉnh Thừa Thiên - Huế để tổng hợp và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo Luật Quốc phòng của Quốc hội xem xét, kịp thời sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phối hợp tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt việc phổ biến các quy định của Hiến pháp và  pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, quân sự. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết lãnh đạo công tác quốc phòng hàng năm. HĐND và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án phát triển kinh tế gắn với quốc phòng vùng kinh tế mới của một số địa phương, quy định một số chính sách đối với dân quân tự vệ và chính sách đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy cấp xã...

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư ngân sách cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; tập trung giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng theo quy định của Nhà nước; đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng và các công trình quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế, xây dựng khu căn cứ hậu phương trong tỉnh.  Tỉnh đã chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương về công tác phòng thủ dân sự, diễn tập khu vực phòng thủ và công tác phòng chống lụt bão, thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ… Nhờ đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quốc phòng, khả năng, tiềm lực phòng thủ của tỉnh đã được nâng cao lên một bước căn bản.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kết hợp tốt giữa việc xây dựng kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, giữa tăng cường quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội và kết hợp chặt chẽ với hoạt động an ninh, đối ngoại. Nhất là, tỉnh đã duy trì thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng được hệ thống làng xã chiến đấu gắn liền với xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, củng cố đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Tuy nhiên, qua thực tiễn việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quốc phòng trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đó là: Hệ thống quản lý Nhà nước về quốc phòng từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ. Đặc biệt, một số điều và quy định trong Luật quốc phòng còn bất cập, cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp 2013 và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước trong giai đoạn mới.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quốc phòng nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và đảm bảo tính thực thi trong quá trình triển khai, thực hiện. Luật cần có quy định cụ thể về cấp nguồn ngân sách nhằm đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động quốc phòng tại địa phương, trong đó ưu tiên đối với các địa phương trọng điểm.

Tin, ảnh: Quốc Việt (TTXVN)