03:08 13/03/2014

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về Ukraine

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 12/3 đã thông qua một dự luật mở đường cho việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với những người Nga liên quan tới hành động can thiệp của Moskva tại Ukraine, cung cấp viện trợ cho chính phủ mới tại Kiev .

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 12/3 đã thông qua một dự luật mở đường cho việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với những người Nga liên quan tới hành động can thiệp của Moskva tại Ukraine, cung cấp viện trợ cho chính phủ mới tại Kiev và thực thi những cải cách của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Dự luật trên sẽ cho phép áp đặt trừng phạt những công dân Nga và Ukraine bị phán xét dính dáng tới bạo lực hoặc vi phạm nhân quyền trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát tại Ukraine hồi cuối năm ngoái, cũng như trừng phạt bất kỳ đối tượng nào can dự vào việc làm xói mòn an ninh và ổn định của Ukraine. Các biện pháp trừng phạt sẽ bao gồm phong tỏa tài sản tại Mỹ, cấm nhập cảnh và từ chối thị thực.

Tàu hải quân Ukraine neo đậu tại cảng thuộc Sevastopol, thủ phủ Crimea ngày 11/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Bên cạnh đó, theo dự luật trên, chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ chính phủ mới của Ukraine điều tra những hành động tham nhũng và thu hồi các tài sản cho chính quyền Kiev. Văn kiện này cũng bao hàm khoản vay đảm bảo 1 tỷ USD dành cho Kiev, cùng với nhiều triệu USD tiền viện trợ.

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trên với tỷ lệ 14 phiếu thuận và 3 phiếu chống. Bước tiếp theo, dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu trước toàn thể Thượng viện. Và nếu được phê chuẩn, văn kiện này cần phải được Hạ viện thông qua để trở thành luật.

* G-7 kêu gọi Nga ngăn chặn trưng cầu ý dân tại Crimea (Crưm)

Ngày 12/3, Nhà Trắng ra tuyên bố chung của Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) hối thúc Nga ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về quy chế đối với bán đảo Crimea của Ukraine.

Tuyên bố chung do Văn phòng Báo chí Nhà Trắng công bố nhấn mạnh 7 nước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Đức, Nhật Bản, Canada cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu kêu gọi Liên bang Nga ngừng sự ủng hộ đối với các nỗ lực thay đổi quy chế của Crimea trái với luật pháp của Ukraine và vi phạm lụât pháp quốc tế.

Tuyên bố chung khẳng định mọi cuộc trưng cầu dân ý về Crimea đều sẽ không có hiệu lực về mặt pháp lý, do vậy sẽ không được thừa nhận. Tuyên bố chung cho rằng việc sáp nhập Crimea vào Nga sẽ là sự vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như các hiệp định mà Nga đã ký kết về Ukraine.

Tuyên bố chung đe dọa nếu Nga có hành động này thì nhóm G7 “sẽ có thêm các hành động đơn phương hoặc tập thể”, kêu gọi Nga ngăn chặn tình trạng leo thang tại Crimea và tiến hành đàm phán trực tiếp với Ukraine để tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này.

Tuyên bố chung cảnh báo Nga về khả năng nhóm G7 này sẽ hoãn việc chuẩn bị cho các hoạt động liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh G-8 (gồm G-7 và Nga) tại Sochi vào tháng 6 tới nếu Moskva không chấm dứt các hành động tại Ukraine để tạo ra một môi trường thuận lợi cho một hội nghị thượng đỉnh có ý nghĩa.


TN(theo Reuters)