04:02 15/04/2014

Ủy ban điều tra NSA của Đức chỉ là "hổ không răng"?

Chưa đầy một tháng sau khi được thành lập và chỉ vài ngày sau phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Ủy ban Điều tra hoạt động do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tại Quốc hội Đức, ông Clemens Binninger, đã quyết định từ chức.

Chưa đầy một tháng sau khi được thành lập và chỉ vài ngày sau phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Ủy ban Điều tra hoạt động do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tại Quốc hội Đức, ông Clemens Binninger, đã quyết định từ chức. Dư luận đang đặt câu hỏi về động cơ và lý do từ chức của chính trị gia đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) này.

 

Ủy ban Điều tra NSA tại Quốc hội Đức sẽ khó làm việc nếu thiếu nhân chứng Edward Snowden.

Ông Binninger tuyên bố lý do từ chức là do sự bất đồng giữa 8 thành viên của Ủy ban điều tra, liên quan việc liệu có nên mời cựu nhà thầu Mỹ Edward Snowden tới Đức để phỏng vấn hay không. Các đảng cầm quyền đòi có thêm thời gian cho quyết định này, trong khi hai đảng đối lập là đảng Xanh và đảng Cánh tả cương quyết đòi mời Snowden tới Đức, đồng thời yêu cầu cho cựu điệp viên của Mỹ này tị nạn.


Theo ông Binninger, chính sự bất đồng này khiến ông không thể tạo ra sự hợp tác phù hợp giữa các đảng như ông đã tuyên bố khi ủy ban được thành lập. Ông cũng cho biết chính phủ Đức "không hề có ảnh hưởng" gì tới quyết định từ chức của ông. Trong khi đó, ông Christian Ströbele, chính trị gia đảng Xanh từng gặp Snowden ở Moskva tháng 10/2013, cho rằng chính phủ Đức muốn ngăn cản việc mời Snowden tới Đức cho tới sau chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Angela Merkel vào đầu tháng 5 tới. Lý do chính là Đức không muốn gây bất hòa trong quan hệ với quốc gia đồng minh Mỹ.


Trong khi đó, ông Hans - Georg Wieck, cựu Giám đốc Cục Tình báo liên bang Đức (BND), cho rằng có thể tiến hành phỏng vấn Snowden qua video hoặc qua thư từ Moskva trong trường hợp không thể mời người này tới Đức, do "Berlin không thể đảm bảo an toàn cho cựu điệp viên Mỹ ở Đức nếu xét về mối quan hệ rất quan trọng giữa Đức và Mỹ". Hiện tân Chủ tịch ủy ban trên là chính trị gia CDU Patrick Sensburg, người không bác bỏ việc mời Snowden tới Đức, song cũng cho rằng còn nhiều vướng mắc cần giải quyết trước khi đi tới quyết định đó.


Ủy ban Điều tra cũng đã quyết định chưa xem xét việc có hay không mời Snowden tới Đức làm nhân chứng cho tới sau chuyến thăm Mỹ của bà Merkel. Ủy ban sẽ thảo luận về vấn đề này trong phiên họp tiếp theo vào ngày 8/5, sau khi bà Merkel đã kết thúc chuyến thăm Mỹ. Ông Ströbele đã lập tức chỉ trích quyết định này, cho rằng các chính trị gia cầm quyền, vốn chiếm tới 6/8 ghế trong ủy ban, đang "chơi trò chính phủ liên bang" và đó là tín hiệu mà Đức muốn gửi tới Mỹ, rằng ủy ban điều tra của Đức chỉ là "con hổ không răng".


Mối quan hệ giữa Đức và Mỹ đã bị ảnh hưởng sau thông tin tiết lộ rằng công dân Đức cũng như Thủ tướng Merkel đã bị NSA do thám. Theo nhà báo điều tra Glenn Greenwald, nếu thiếu Snowden, Đức sẽ không thể làm sáng tỏ đầy đủ vụ bê bối nghe lén của NSA.


Mạnh Hùng