07:09 04/07/2012

Ưu tiên thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển

Tăng trưởng kinh tế cả nước có tín hiệu khả quan nhưng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2012 cần có những giải pháp tích cực để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Tăng trưởng kinh tế cả nước có tín hiệu khả quan nhưng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2012 cần có những giải pháp tích cực để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Đây là thông điệp nổi bật được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu bật tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, diễn ra chiều 3/7.

 

Điều hành lạm phát mục tiêu năm nay ở mức 7 - 8%


Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong phiên họp tháng 6, Chính phủ đã nhìn lại những mục tiêu đã đề ra và đến nay vẫn nhất quán tập trung ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng GDP hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội.


Từ đầu năm 2011, Chính phủ đã tìm ra tận gốc của lạm phát để điều hành, không để tình trạng điều hành giật cục, kích cầu rồi lại để lạm phát quay trở lại. Và 6 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng kinh tế cả nước có tín hiệu khả quan.


Bên cạnh đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2012. Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đây là cơ sở để điều hành lạm phát mục tiêu năm nay ở mức 7 - 8% và tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại của năm.


Mặc dù lạm phát đã có xu hướng giảm nhưng Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, không thể xảy ra việc chỉ số CPI thấy thấp quá lại bơm tiền ra và gây lạm phát. Trong điều hành kinh tế ngắn hạn cũng như lâu dài, Chính phủ sẽ đặc biệt ưu tiên chất lượng tăng trưởng, thay vì tăng trưởng theo chiều rộng như trước đây, chuyển hướng sang tăng trưởng theo chiều sâu. Tăng trưởng nhưng phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế: là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.


Chính phủ tin tưởng sẽ kiềm chế lạm phát thành công ở một con số và GDP tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay. Trên cơ sở này, sẽ đưa lạm phát tiếp tục giảm ở mức hợp lý trong năm 2013, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 6%.

 

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và tiêu thụ hàng tồn kho


Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng đã khẳng định, Chính phủ đặt trọng tâm nhiệm vụ điều hành nền kinh tế 6 tháng cuối năm là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) về tiếp cận vốn, tiêu thụ hàng tồn kho... Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có biện pháp quyết liệt xử lý nợ xấu; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu 7-8%; nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các DN dễ tiếp cận.


Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ thừa nhận lãi suất huy động mấy tháng gần đây đã giảm nhiều, nhưng DN vẫn chưa tiếp cận được vốn nhiều. NHNN đang chỉ đạo hệ thống NH (bằng cả luật pháp, chứ không phải mệnh lệnh hành chính) đặc biệt là ưu tiên vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. “Việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, chứ không có chuyện đợi NHNN thành lập công ty mua bán nợ xong mới tiến hành. Quá trình xử lý nợ xấu đang được triển khai theo hướng các ngân hàng thương mại trực tiếp làm việc với các DN dưới sự hỗ trợ hợp lý của chính quyền các cấp, để sớm khơi thông dòng vốn cho DN phát triển sản xuất kinh doanh...”, Bộ trưởng Đam nói.


Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia… nhằm kích thích nhu cầu trong nước. Trong tháng 6 vừa qua, lượng vốn đầu tư từ ngân sách đã được giải ngân mạnh theo đúng tư tưởng đổi mới đầu tư công. Tốc độ giải ngân vốn từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh, nên sẽ góp phần kích cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm cho DN.


“Đặc biệt, Chính phủ có chủ trương với những dự án hiệu quả cao, có thể hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2013, Chính phủ cho phép ứng vốn trước để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Điều này cũng sẽ góp phần kích thích sức cầu của thị trường, qua đó thiết thực tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho DN…”, ông Đam nhấn mạnh.

 

Thực hiện lộ trình giá thị trường với các mặt hàng thiết yếu


Giải thích về điều hành giá điện tăng 5% từ ngày 1/7, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, trong lúc kiểm soát lạm phát như thế này song chúng ta phải cố gắng đưa một số mặt hàng theo kinh tế thị trường. Giá điện của Việt Nam thấp hơn các nước khu vực, dẫn tới lo ngại DN sẽ ỷ lại không đầu tư vào các công nghệ hiện đại, tiết kiệm điện. Bởi về lâu dài nền kinh tế phát triển theo hướng tiết kiệm năng lượng, kinh tế tri thức, kinh tế xanh.


Đặc biệt, hiện nay nhiều ngành tiêu tốn nhiều điện vì vậy điều chỉnh giá điện hợp lý thì giá thành sản xuất, kinh doanh sẽ công bằng hơn. Vấn đề là phải thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ: điều chỉnh phải công khai minh bạch giá thành, lỗ lãi, đúng các quy định của pháp luật. Dựa trên các nguyên tắc đó, giá điện đã được điều chỉnh.


Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, nếu giá điện tăng 5%, thì các lĩnh vực hóa chất, luyện kim chỉ tăng 0,5% giá thành. Nhưng nếu DN điều chỉnh thời gian sử dụng điện, áp dụng biện pháp chi phí quản lý tốt thì tác động rất nhỏ tới giá thành sản phẩm.


Về giá xăng thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Minh cho biết, tất cả các lần điều chỉnh giá xăng đều có đăng ký của DN. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã cân nhắc điều chỉnh giá như vậy tác động như thế nào đến bình ổn giá, ổn định kinh tế vĩ mô, đến lạm phát…


Thu Hường – Minh Phương