01:15 16/01/2017

Ưu tiên tạo đột phá cho nông nghiệp

Ngành nông nghiệp đang phải chuyển hướng từ sản xuất nhỏ lẻ sang nền sản xuất lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, sản phẩm gắn thị trường tiêu thụ.

Vậy, những lĩnh vực nào ngành sẽ ưu tiên đầu tư trong thời gian tới, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường xung quanh những vấn đề này.


Thực hiện Tái cơ cấu nông nghiệp, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được ngành rất coi trọng; trong đó, có doanh nghiệp FDI. Nghị định thu hút doanh nghiệp FDI vào nông nghiệp do Bộ xây dựng được triển khai đã lâu, xin Bộ trưởng cho biết vì sao đến nay Nghị định này vẫn chưa được ban hành?


Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và thậm chí xa hơn nữa, nguồn vốn ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư của ngành. Vì vậy, để thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành, việc thu hút nguồn vốn FDI vào nông nghiệp là một trong những giải pháp được Chính phủ và Bộ hết sức quan tâm.


Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo “Chiến lược tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp Việt Nam đến năm 2030” và dự thảo“Nghị định về Chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp”.

Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đang rất được coi trọng. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTAs); chủ trương và chính sách của Chính phủ Việt Nam là không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.


Vì vậy, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, đối với dự thảo “Chiến lược tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp Việt Nam đến năm 2030” cần hoàn thiện theo hướng tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp Việt Nam, bao gồm cả thu hút đầu tư trong và ngoài nước.


Đối với dự thảo “Nghị định về Chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp”, sau khi “Chiến lược tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp Việt Nam đến năm 2030” được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp của Nghị định 210/2013/NĐ-CP.


Ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chiến lược, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý I/2017.


Vậy đối với doanh nghiệp FDI, Bộ sẽ có định hướng ưu tiên vào lĩnh vực gì?


Bộ sẽ ưu tiên tập trung một số lĩnh vực tạo đột phá cho phát triển của ngành mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Cụ thể là ưu tiên đầu tư vào sản xuất và phát triển giống cây trồng, vật nuôi; các giống rau, hoa, ngô, lúa lai, các giống vật nuôi, cây lâm nghiệp, nghiên cứu và sản xuất bằng được giống tôm thẻ chân trắng...


Đồng thời, ưu tiên sản xuất nguyên vật liệu phụ trợ tạo giá trị gia tăng cao như: sản xuất thức ăn bổ sung phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi; công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi; sản xuất thiết bị chuồng trại chăn nuôi; thiết bị giết mổ tự động và thiết bị chế biến sữa; sản xuất thiết bị, dụng cụ để sản xuất thuốc thú y.


Đặc biệt, ưu tiên những công nghệ xử lý nhiệt, xử lý chiếu xạ phục vụ xuất khẩu nông sản. Công nghiệp phụ trợ ngành sản xuất máy nông nghiệp, chế biến gỗ. Bên cạnh đó, ưu tiên những đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ cảng cá; sản xuất trang thiết bị tiên tiến phục vụ nuôi trồng, khai thác và bảo quản, chế biến thủy hải sản.


Để sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, ngành chú trọng ưu tiên những công nghệ chế biến sâu các sản phẩm nông lâm thủy sản. Như sản phẩm chế biến từ lúa gạo, biến sâu các sản phẩm từ sắn, cà phê hòa tan, ca cao, những đồ uống công nghiệp từ chè, các sản phẩm của ngành chăn nuôi… Đầu tư cơ sở chế biến phi thực phẩm (hóa mỹ phẩm, dược phẩm…) từ nguyên liệu, phụ phẩm của thủy sản.


Ngành cũng sẽ ưu tiên vào sản xuất thuốc thú y, bảo vệ thực vật sinh học thay thế dần các loại thuốc được sản xuất từ các hóa chất công nghiệp. Sản xuất thuốc thú y sử dụng công nghệ mới không ảnh hưởng tới môi trường, không tồn dư, không kháng thuốc.


Vấn đề đất đai được cho là nút thắt khi thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp. Theo Bộ trưởng, vấn đề này cần được giải quyết thế nào?


Đúng là hiện nay vấn đề đất đai được cho là nút thắt trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Chúng ta đã giao đất lâu dài cho người dân, trong khi hộ nông dân lại có quy mô đất đai nhỏ và manh mún. Vì vậy, có một thực tế đặt ra là doanh nghiệp muốn làm nhưng không có đất, doanh nghiệp muốn làm lớn nhưng không có đất đủ rộng.


Để có thể giải quyết được nút thắt này, trước mắt cần tiếp tục thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất thông qua dồn điền đổi thửa để có được quy mô đất đai lớn hơn. Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng và nhân rộng cánh đồng lớn, tạo vùng nguyên liệu tập trung. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo liên kết với nông dân và hợp tác xã xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của thị trường.


Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 nhằm tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa và phát triển nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.


Bộ trưởng nhận định như thế nào về những cơ hội và thách thức đặt ra cho ngành nông nghiệp nói chung, cho xuất khẩu nông lâm thủy sản nói riêng trong năm 2017?


Những cơ hội, thách thức đặt ra cho ngành nông nghiệp nói chung và xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản nói riêng trong năm 2017 cần phải được xem xét tổng thể.


Năm 2017, thị trường tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản được mở rộng do Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do; đang đàm phán 5 Hiệp định mới với trên 50 quốc gia và nền kinh tế. Giá lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng.


Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ phát triển và những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường tiếp tục phát huy hiệu quả. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được triển khai quyết liệt, tạo đà cho tăng trưởng ngành trong những năm tiếp theo.


Tuy nhiên, tình hình quốc tế cũng được dự báo có những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu thụ hàng nông lâm thủy sản của nước ta trong năm 2017. Đó là tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo ở mức thấp.


Qua theo dõi, chúng ta thấy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) luôn điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 từ mức 3,7% xuống 3,6% và 3,4% do những rủi ro về chính trị và tài chính kéo dài, cuộc nội chiến tại Syria, thị trường tài chính bất ổn, tình trạng biến đổi khí hậu và những tác động của kịch bản nước Anh rời Liên minh châu Âu…


Bên cạnh đó, các quốc gia tăng cường hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp trong nước (Trung Quốc có gói hỗ trợ 450 tỷ USD cho nông nghiệp…), các quốc gia châu Á (Myanma, Campuchia, Thái Lan) có điều kiện sản xuất tương tự Việt Nam cũng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản nên nguồn cung sẽ tăng và cạnh tranh khốc liệt hơn.


Ngoài ra, yêu cầu sử dụng những sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn cũng ngày càng tăng, những rào cản về kỹ thuật của các quốc gia phát triển sẽ là thách thức cho hàng nông lâm thủy sản Việt Nam.


Đây là thách thức lớn đối với nền sản xuất nhỏ ở nước ta không chỉ trong năm 2017, mà còn kéo dài trong những năm tiếp theo.


Đó mới chỉ là những yếu tố quốc tế. Trong nước, ngành nông nghiệp đang chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, khắc nghiệt kèm theo thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn là thách thức luôn tiềm ẩn trong thực tiễn sản xuất…


Nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi thiên tai trong năm 2016, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống. Điều này đòi hỏi vừa có những ứng phó trước mắt kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài hạn chế thiệt hại tính mạng, sản xuất và tài sản của nhân dân.


Khi hội nhập, chúng ta cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với hàng nông lâm thủy sản của các nước ngay tại sân nhà. Cùng với đó là những hạn chế yếu kém nội tại của ngành như sản xuất quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh chưa cao, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều vấn đề… tiếp tục là những thách thức căn bản đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực vượt qua.


Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bích Hồng (Thực hiện)