03:10 03/03/2011

Ưu tiên phát triển giáo dục Tây Nguyên

Sau 3 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 25/QĐTTg ngày 5/2/2008 về "Ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010"...

Sau 3 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 25/QĐTTg ngày 5/2/2008 về "Ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010", kinh tế - xã hội nói chung, giáo dục, đào tạo, dạy nghề Tây Nguyên nói riêng đã có những bước phát triển quan trọng, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và hội nhập với sự phát triển chung của cả nước.


Bức tranh giáo dục ở vùng đất được coi là "Mái nhà Đông Dương" này đã sáng hơn nhưng vẫn cần lắm những giải pháp đủ mạnh để có thể bứt phá...

Những thay đổi bước đầu

Xác định để có thể phát triển bền vững giáo dục đào tạo ở vùng đất Tây Nguyên với rất nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương thực hiện các giải pháp đồng bộ: Từ hỗ trợ nhà trường, người học đến trang bị các điều kiện nền tảng cho giáo dục là: Xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên cho Tây Nguyên;...

Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học Trần Duy Tạo cho biết: Giai đoạn 2008-2010, Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và Nhà ở giáo viên đã hỗ trợ xây mới hơn 3.500 phòng học, 1.936 phòng giáo viên cho khu vực Tây Nguyên, tạo ra bước đột phá mới về cơ sở vật chất trường, lớp học, tạo ra một cảnh quan môi trường sư phạm khang trang, sạch đẹp, thu hút học sinh đến trường và học tập có chất lượng.

Kết quả này cho thấy nỗ lực rất lớn và sự chỉ đạo quyết liệt của ngành giáo dục trong 3 năm qua bởi ở khu vực này việc xây dựng trường lớp chỉ có thể tiến hành vào mùa khô, việc vận chuyển nguyên vật liệu cũng rất gian khó... Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2005 - 2009 cũng đã chi 267 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị dạy học và thiết bị đào tạo cho Tây Nguyên, đảm bảo để các em được học trong môi trường khang trang như các bạn vùng đô thị.

Giờ học văn của học sinh Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (Đắk Lắk). Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Các tỉnh Tây Nguyên là một trong những vùng khó khăn nhất so với các vùng khác trong cả nước, Nhà nước đã đầu tư chủ yếu cho thực hiện Đề án bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, tỷ lệ hỗ trợ từ Trung ương 80% (riêng tỉnh Đắk Nông là 95%). Tổng số vốn đã huy động giai đoạn 2008 - 2010 để thực hiện Đề án tăng gấp 2 lần so với nguồn vốn thực hiện đầu tư giai đoạn 2002 - 2006.

Nhờ những nỗ lực bền bỉ trong 3 năm qua của ngành giáo dục và các địa phương, việc huy động học sinh dân tộc đến trường, tỷ lệ học sinh dân tộc học phổ thông trên dân số người dân tộc đã xấp xỉ đạt bằng tỷ lệ chung của học sinh trên dân số của cả khu vực. Từ chỗ thiếu giáo viên gay gắt ở một số địa bàn, năm 2010, Tây Nguyên có 14.246 giáo viên mầm non, tăng 27,4% so với năm 2005, trong đó số đạt chuẩn đào tạo trở lên là 93,9%.

Tiểu học có 34.930 giáo viên, tăng 6,1% so với năm 2005; trong đó có 99,13% giáo viên đạt và vượt chuẩn. THCS có 28.172 giáo viên, tăng 19,5% so với năm 2005, trong đó số đạt và vượt chuẩn là 99,1%; THPT có 12.716 giáo viên, tăng 56% so với năm 2005, trong đó số đạt và vượt chuẩn đào tạo là 98,5%.

Quan tâm tới điều kiện học tập của học sinh Tây Nguyên không chỉ dừng lại ở việc đầu tư trước mắt mà có lần, đoàn giám sát của Bộ do đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu, qua tìm hiểu thực tế, thấy học sinh Tây Nguyên thấp còi hơn, ngồi bàn học mà hai chân đung đưa không chạm đất,... nên đã quyết định xây dựng và ban hành ngay Quy chuẩn bàn ghế cho học sinh từng khối lớp và theo chiều cao. Điều này cho thấy sự quan tâm đã không chỉ dừng lại ở quyết tâm mà thực tế là đã từng bước lo cho sự phát triển lâu dài của thế hệ trẻ.

Sẽ có giải pháp mạnh phù hợp với Tây Nguyên

Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng Tây Nguyên vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức cần các giải pháp mạnh và mang tính đặc thù. Hiện nhiều xã chưa có trường mầm non mà chỉ có lớp mẫu giáo trong trường tiểu học; nhà lớp học ở thôn buôn, phòng học, đồ chơi cho trẻ em còn rất thiếu.

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường bán trú phát triển chưa tương xứng. Chất lượng dạy và học có chuyển biến nhưng chậm và không đồng đều; học sinh bỏ học còn nhiều; thành quả phổ cập giáo dục có nguy cơ không được duy trì bền vững. Đa số các tỉnh chưa hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi là thuộc Tây Nguyên... Vì thế, giai đoạn tới phải dành cho giáo dục Tây Nguyên những giải pháp mạnh, phù hợp.

Theo đó đối với giáo dục Tây Nguyên, đầu tư cơ sở vật chất mạng lưới trường học sẽ là nhiệm vụ trọng tâm nhưng phải đi đôi với đảm bảo chất lượng. Giải pháp đưa ra là phải tăng cường đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên ở khu vực này đủ và mạnh; đẩy mạnh trang bị tiếng Việt cho học sinh dân tộc trước khi vào lớp 1 và chuẩn bị xem xét để tiến tới dạy tiếng dân tộc trong nhà trường;...

Đặc biệt, các bộ, ngành và các trường đại học trọng điểm phải cùng bắt tay để tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của toàn khu vực Tây Nguyên.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng đầu tư phát triển để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, trong đó ưu tiên xây dựng nhà lớp học mầm non ở các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng trường mầm non ở các xã chưa có trường mầm non độc lập.

Hình thành và phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú, bộ phận học sinh bán trú trong trường phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện giao thông đi lại khó khăn. Nâng cấp và mở rộng quy mô các trường PTDTNT, mở trường PTDTNT liên cấp THCS và THPT ở những huyện nghèo để tăng tỷ lệ học sinh dân tộc học THPT.

Đặc biệt, việc cần làm ngay là nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù để phát triển dạy nghề vùng Tây Nguyên, thu hút và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, như: Cử tuyển vào đại học, cao đẳng sư phạm kỹ thuật để trở về làm giáo viên dạy nghề; chính sách thu hút giáo viên dạy nghề; Xây dựng chính sách phát triển bền vững chương trình học bổng cho sinh viên sư phạm người dân tộc thiểu số và học sinh trường PTDTNT nhằm mở rộng cơ hội cho đối tượng người DTTS được đào tạo thành giáo viên THPT và giáo viên TCCN và dạy nghề̀;...

Hoàng Hoa