08:23 17/08/2016

Ưu tiên đầu tư cho giáo dục vùng khó

Chỉ còn ít ngày nữa, hàng triệu học sinh trên cả nước bước vào năm học mới 2016 - 2017. Cùng với ngành giáo dục cả nước, ngành giáo dục và đào tạo các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đang gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Phạm Mạnh Hùng cho biết: Năm học vừa qua, một số địa phương miền núi, vùng cao đã tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân để đầu tư xây dựng, sửa chữa trường, lớp học, các công trình và các điều kiện khác phục vụ việc dạy và học. Qua đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, điều kiện sinh hoạt của các em học sinh và giáo viên được cải thiện đáng kể.

Ông Nguyễn Xuân An Việt, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngành đang thực hiện một số chương trình của Nhà nước đầu tư cho ba vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để kiên cố hóa trường lớp học. Bên cạnh đó còn có nguồn vốn ODA đầu tư cho cấp trung học cơ sở vùng Tây Nguyên, hay chương trình nông thôn mới.

Sửa chữa sân tại Trường Tiểu học Long Trị 2 (Hậu Giang), chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN

Ông Vũ Hồng Hải, hàm Vụ trưởng Vụ Dân tộc Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết: Thời gian qua, các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đúng mức cho đầu tư phát triển nguồn nhân lực ở các địa phương trong vùng. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và năng lực đào tạo cho các trường Đại học Tây Bắc, Đại học Thái Nguyên, Đại học Hùng Vương (Phú Thọ). Chú trọng đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ tại chỗ, đặc biệt có chính sách ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số cho các cấp, các ngành, cán bộ cơ sở ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Với tính chất đặc thù, mạng lưới trường học ở các tỉnh Tây Nguyên đã phát triển, phủ khắp các xã phường; các điểm trường lẻ được xây dựng tại các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đáp ứng khoảng cách hợp lý để học sinh đến trường. Theo ông Trần Việt Hùng, nguyên Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đáng chú ý, vùng Tây Nguyên đã có trên 50 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu tăng tỷ lệ huy động, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, nhất là việc học tập của học sinh ở các xã vùng dân cư thưa, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn. Không chỉ ở lĩnh vực mầm non và phổ thông mà giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề và đại học cũng từng bước được chú trọng.

Bộ GD&ĐT đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giáo dục đào tạo, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách. Cụ thể: Xây dựng và củng cố hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT đáp ứng quy mô phát triển giáo dục vùng khó khăn. Triển khai Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học theo Quyết định số 1625/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt các chính sách ưu tiên trong tuyển sinh; đề xuất các chương trình, dự án giáo dục cho vùng khó khăn, dân tộc, miền núi nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục. Lồng ghép kinh phí các chương trình mục tiêu, dự án, ngân sách để tăng hiệu quả đầu tư trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các dự án thuộc chương trình chính sách phát triển giáo dục đại học vốn vay ngân hàng thế giới. Rà soát, hoàn hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cho các địa bàn khó khăn, nhất là đối tượng chính sách…

“Đã đẩy mạnh việc xây mới trường học, tu sửa tường rào, sân chơi bê tông, vườn hoa cây cảnh, công trình vệ sinh nước sạch khép kín, phát triển hệ thống thư viện trong trường học. Chẳng hạn, các tỉnh vùng 4 đã huy động được tổng số tiền xã hội hóa là 21.167 triệu đồng; vận động nhân dân hỗ trợ làm nhà lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú học sinh, dựng lán trại, đóng góp lương thực, mua các vật dụng sinh hoạt, thuê người nấu ăn và trông nom các em đã thể hiện theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm”, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết thêm.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết, chuẩn bị cho năm học mới 2016 - 2017, Hậu Giang đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 31 điểm trường trên địa bàn. Công tác sửa chữa, nâng cấp này được chỉ đạo hoàn thành trước ngày tựu trường 15/8, những nơi cần sửa chữa nhiều phải đảm bảo hoàn thành trước ngày 5/9.

Ngay từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cùng các sở, ngành, địa phương tổ chức các đợt kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới tại hơn 50 điểm trường có khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Trần Công Chánh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh công tác sửa chữa, nâng cấp trường học, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/8, cần chú ý đến công trình nhà kho của các trường để có nơi chứa dụng cụ học tập và đồ dùng sinh hoạt, tất cả các trường phải có tường rào bao quanh để tạo môi trường yên tĩnh, an toàn cho học sinh học tập.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học nhưng hiện toàn tỉnh Lai Châu còn 1.259 phòng học tạm, 188 phòng học nhờ, phòng học mượn. Trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện phục vụ giảng dạy và học tập chưa đáp ứng được nhu cầu. Tỷ lệ lớp học ghép còn cao ở bậc tiểu học và mầm non. Ngành GD&ĐT Lai Châu đang tiếp tục củng cố, duy trì kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Quan tâm tới học sinh, giáo viên

Cùng với hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học ngày càng được tăng cường, đội ngũ giáo viên, giảng viên vùng Tây Nguyên từng bước được bổ sung đủ cả về số lượng và chất lượng cơ cấu hợp lý. Từ chỗ thiếu giáo viên gay gắt ở một số địa bàn, trong những năm qua, nhất là sau khi có Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, các tỉnh vùng Tây Nguyên đều xây dựng đề án thực hiện, dành các ưu tiên cho phát triển đội ngũ này.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phạm Mạnh Hùng, thời gian qua, ngành GD&ĐT đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) giai đoạn 2011 - 2015 và Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015; tham mưu và được Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng chính sách hỗ trợ học tập cho trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số ít người.

Hệ thống các trường PTDTNT, phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), dự bị đại học dân tộc tiếp tục được củng cố, phát triển quy mô, mạng lưới. Năm học 2015 - 2016, ở 50 tỉnh, thành phố có 314 trường PTDTNT với số lượng gần 91.200 học sinh, tăng 6 trường với 2.946 học sinh so với năm học 2014 - 2015. Chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT, PTDTBT, trường dự bị đại học cơ bản đáp ứng yêu cầu về tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số cho các vùng, miền, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, các trường PTDTNT đều tổ chức dạy 2 buổi/ngày theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Ngoài việc dạy học văn hóa còn tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường chuyên biệt như: Tổ chức nội trú, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề… nhằm mục tiêu phát triển toàn diện học sinh dân tộc thiểu số. Hệ thống trường PTDTBT có nhiều chuyển biến tích cực: Tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi ra lớp tăng, tỷ lệ bỏ học giảm, môi trường học tập ở trường PTDTBT đã giúp học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận nhanh với tiếng việt. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến rõ rệt; công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS có chất lượng và phát triển ổn định tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Kết quả giáo dục học sinh dân tộc thiểu số năm học 2015 - 2016: Hoàn thành chương trình đạt 97,24%, xếp loại năng lực đạt 98,3%, xếp loại phẩm chất đạt 99,6%.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, quản lý việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh và cán bộ công chức tiếp tục được chú trọng và đạt hiệu quả tốt. Một số địa phương làm tốt việc dạy tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Thái, Mông, Tày, Lào, Hoa…) cho cán bộ miền xuôi lên công tác tại vùng dân tộc như Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Gia Lai, Đồng Tháp… Chế độ, chính sách đối với người học, người dạy và các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi tiếp tục triển khai thực hiện đúng, đủ và kịp thời theo quy định. Các địa phương đã quan tâm tạo cơ hội tiếp cận giáo dục, thực hiện tốt công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, phối hợp với các đơn vị, các ngành hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật.

Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Giang: Đẩy mạnh phổ cập giáo dục 

Năm học này, Hà Giang tập trung đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi cử; từng bước nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục ở các địa phương, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn, từ năm học 2016 - 2017 thống nhất sử dụng sách giáo khoa hiện hành và vận dụng những ưu điểm của mô hình trường học mới. Dự kiến, tài liệu dạy học có kế thừa những ưu điểm của mô hình trường học mới sẽ được hoàn thiện trong tháng 8/2016; việc tập huấn hướng dẫn giáo viên theo tài liệu này sẽ được ngành giáo dục tỉnh Hà Giang triển khai ngay sau khi ban hành tài liệu. Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang tiếp tục tăng cường bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo các chuyên đề nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện chương trình sách giáo khoa mới từ năm học 2018 - 2019. Hà Giang cũng từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch giáo dục và đào tạo. Trong đó, tập trung xây dựng 30% số trường thuộc phạm vi quản lý có thư viện phong phú về đầu sách và hoạt động hiệu quả cao; chú trọng thực hiện kế hoạch chuyển học sinh tiểu học từ các điểm trường về học tại trường chính. Cùng với đổi mới hoạt động dạy và học, Hà Giang đẩy mạnh cải cách hành chính trong trường học, tăng cường hoạt động trường học kết nối; phấn đấu tăng số trường, cơ sở giáo dục sử dụng sách điện tử từ 64,5% năm 2015 lên 80% trong năm học này. Cùng với nhiều công trình thí nghiệm, trường trung học phổ thông được hoàn thành, năm học này cấp học mầm non tỉnh Hà Giang sẽ có gần 280 phòng học mới… 

Ông Nguyễn Phúc Phận, Giám đốc Sở GD - ĐT Kon Tum: Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 

Kon Tum là một tỉnh nghèo vùng Tây Nguyên với nhiều dân tộc cùng chung sống, công tác giáo dục và đào tạo còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, thách thức, ngành GD&ĐT của tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả, trong đó đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã có 102/102 xã có đủ phòng học với 782 phòng học lớp mẫu giáo 5 tuổi (đảm bảo tỉ lệ 1 phòng/lớp); 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; 398/782 lớp có bộ phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin cho trẻ trải nghiệm bé vui học Kidsmart (đạt tỉ lệ 50,8%); 123 trường mầm non có đủ công trình vệ sinh đảm bảo theo quy định cho trẻ sử dụng. Đến nay đội ngũ giáo viên cho lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt tỉ lệ 1,3 giáo viên/lớp. Việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày, trẻ 5 tuổi dân tộc thiểu số ra lớp và được chuẩn bị tiếng Việt… đều đạt tỉ lệ từ 99 - 100% tại 102 xã của tỉnh. Thời gian tới, ngành GD&ĐT Kon Tum tiếp tục củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp; duy trì và phát triển số trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp. Tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mẫu giáo 5 tuổi, giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở vùng thuận lợi xuống dưới mức 10%, ở vùng khó khăn xuống dưới 15%. Phấn đấu 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non, 100% trẻ 5 tuổi dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Tỉnh Kon Tum cũng tiếp tục đầu tư xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ phòng học kiên cố đạt chuẩn, không còn phòng học tạm. 


Ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD - ĐT Tiền Giang: Tập trung phát triển toàn diện 

Trong năm học mới, Tiền Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI, về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tỉnh có nhiều giải pháp đưa ngành giáo dục phát triển vững chắc, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước. Ngành GD&ĐT Tiền Giang quán triệt nhiệm vụ năm học mới trong toàn ngành gắn với đẩy mạnh thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cũng như thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong trường học, thầy cô và học sinh. Địa phương tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục, đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục theo qui định Chính phủ. Tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nâng chất lượng giáo dục toàn diện, khuyến khích hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học và rèn luyện kỹ năng theo hướng kết hợp giảng dạy trên lớp với thực tiễn cuộc sống. Chú trọng nâng chất lượng giảng dạy gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh các cấp học, bậc học và lồng ghép trong những phong trào thi đua cả năm học. Công tác thi đua hướng đến mục tiêu cụ thể, hiệu quả, trong đó chú trọng thi đua học tập và rèn luyện, thi đua dạy tốt và học tốt trong giáo viên và học sinh; xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò nhằm đạt yêu cầu giảm học sinh yếu kém và tăng học sinh khá, giỏi vào cuối năm học. Ngoài ra, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương thức dạy và học, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. 


V.T



Viết Tôn