03:11 05/03/2011

Ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực Tây Nguyên

Ngày 4/3, tại TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức tổng kết công tác phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng Tây Nguyên giai đoạn 2006 – 2010...

Ngày 4/3, tại TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức tổng kết công tác phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng Tây Nguyên giai đoạn 2006 – 2010 và kế hoạch phát triển giai đoạn 2011 – 2015. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự chỉ đạo hội nghị.

Mặc dù là một trong những khu vực khó khăn nhất của cả nước, nhưng được sự quan tâm đầu tư cả về nhân lực và vật lực, giáo dục, đào tạo và dạy nghề Tây Nguyên giai đoạn 2006 – 2010 đã có sự phát triển mạnh và bền vững. Về giáo dục mầm non, trong giai đoạn này mạng lưới trường, lớp học được đầu tư xây mới, mở rộng và nâng cấp khá toàn diện.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Nguyễn Tiên Tri - CTV


Hiện toàn vùng có 1.124 trường mầm non; tỷ lệ huy động mẫu giáo đạt 71%, trong đó trẻ 5 tuổi được huy động đến trường đạt trên 95%. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non được khắc phục, toàn vùng hiện có 14.246 giáo viên mầm non, tăng 27,4% so với năm 2005, trong đó số đạt chuẩn đào tạo trở lên là 93,9%.

Ở các bậc học phổ thông, hiện toàn vùng có 1.503 trường tiểu học (tăng 17% so với 2005), tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 94,2%; có 2023 trường trung học cơ sở (THCS) (tăng 15% so với 2005), tỷ lệ huy động học sinh THCS trong độ tuổi đạt gần 85%; có 234 trường trung học phổ thông (THPT) (tăng 39% so với năm 2005) với tỷ lệ huy động học sinh THPT trong độ tuổi đạt gần 50%.

Hầu hết các trường học đều được kết nối Internet và ứng dụng các phần mềm tiện ích phục vụ công tác dạy và học. Với đặc thù là khu vực có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao, xuất phát điểm về kinh tế, dân trí thấp nhưng đến nay, tỷ lệ huy động học sinh DTTS ra lớp đã gần tương đương với học sinh người Kinh.

Chất lượng giáo dục ở các cấp học được nâng cao rõ rệt. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh với 54 trường, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu tăng tỷ lệ huy động và nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS.

Hiện toàn khu vực có 26 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), gồm 17 trường TCCN, 7 trường cao đẳng và 2 trường đại học. Các trường đại học, cao đẳng, tuy phân bố không đều nhưng đến nay khu vực Tây Nguyên đã hình thành được mạng lưới các trường đại học, cao đẳng. Từ đó giải quyết được “cơn khát” nguồn nhân lực trí thức tại chỗ cho các địa phương trong vùng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao những kết quả mà ngành giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên cần huy động nguồn nhân lực, vật lực một cách sáng tạo để khắc phục những điểm yếu kém về giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Cần tăng cường đầu tư cho giáo dục chất lượng cao, để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong hiện tại và tương lai. Các tỉnh nên tìm tòi, phát hiện các nhân tố điển hình, từ đó xây dựng các mô hình đào tạo tốt để nhân rộng một cách hiệu quả nhất.

Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề của vùng đến năm 2015 là tiếp tục mở rộng quy mô đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, góp phần ổn định chính trị, quốc phòng – an ninh để phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Đồng thời, đầu tư mạnh hơn nữa cho giáo dục ở các vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; củng cố và mở rộng các cơ sở giáo dục thường xuyên, nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

V.Dũng - TTXVN