02:19 28/02/2019

Ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải đảm bảo thu ngân sách

Chiều 28/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành về thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam; chính sách ưu đãi thuế, tài chính đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải trình bày cho thấy, cả nước hiện có 21.400 doanh nghiệp FDI (chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp). Quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI từ năm 2011- 2017 duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận.

Riêng năm 2017, doanh thu tăng 28% so với năm 2016, cao hơn tốc độ tăng tài sản (22%) và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu (14%) cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI rất thuận lợi.

Đánh giá về vai trò của doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế, Bộ Tài chính nhận định khối này đã đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất nhập khẩu (chiếm trên 70%), thu ngân sách nhà nước (chiếm 15%).

Tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài còn có điểm hạn chế là cơ cấu ngành/vùng chưa phù hợp, mới tập trung vào ngành sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng không cao, ở các vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi mà chưa vào các vùng khó khăn. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ và lỗ mất vốn qua các năm tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ là trên 50%, dẫn đến tình trạng chuyển giá ngày càng phức tạp.

Đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng chậm hơn so với tăng trưởng của năng lực hoạt động. Đơn cử, tốc độ tăng về số nộp ngân sách của khối FDI năm 2017 so với năm 2016 là 7% và vẫn thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế là 19,2% và lợi nhuận sau thuế là 22%. Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân là doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư lớn về các ngành, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Hiện nay, ưu đãi về tài chính của Việt Nam tập trung vào 3 lĩnh vực: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và ưu đãi về tài chính đất đai. Bên cạnh các tác dụng theo bản chất chính sách thuế, Bộ Tài chính cũng cho rằng vẫn còn tồn tại, hạn chế. Mức ưu đãi cao, diện ưu đãi rộng đã làm suy giảm nguồn thu ngân sách. Ví dụ như các ưu đãi thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số phải nộp trong 9 năm tiếp theo và một số trường hợp được áp dụng mức thuế 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án (trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 20%).

Mặc dù áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế, nhưng khu vực FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn các thành phần doanh nghiệp khác: Tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp FDI được miễn, giảm trên tổng số thuế được miễn giảm là 76%. Tỷ lệ về thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm của doanh nghiệp FDI trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%, trong khi tỷ lệ này của doanh nghiệp nhà nước là 4,8%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 14%.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam không ổn định nên doanh nghiệp không dự tính được hiệu quả kinh doanh trong dài hạn, làm khó cho việc thu hút FDI; một số ngành thực hiện ưu đãi thuế chưa đạt được mục tiêu phát triển nội địa hóa và công nghệ cao...

Đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho thấy, từ trước tới nay, ưu đãi theo chiều rộng, không trọng tâm, trọng điểm. Ưu đãi về tài chính vẫn là nội dung tạo tính hấp dẫn nhất định với nhà đầu tư, nhưng cần tiếp cận theo phương thức mới. Ưu đãi thuế chỉ là một phần, cần tập trung nhiều vào các biện pháp bổ trợ khác nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có vấn đề giải quyết thủ tục đơn giản, nhanh gọn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Đặt câu hỏi “tại sao 52% doanh nghiệp FDI báo lỗ mà vẫn mở rộng hoạt động và tốc độ mở rộng cao hơn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, Bộ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Hiện vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI là 1,5 triệu tỷ đồng và tổng tài sản 5 triệu tỷ đồng là con số rất lớn thì người ta bỏ vốn thực không, tổng tài sản thực không? Samsung họ nói đã đầu tư 15 tỷ USD thì ta tính thế nào cho đúng 15 tỷ USD, trong khi đó họ cứ khấu hao tài sản thôi”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu.

Ông cũng chỉ ra hiện nay ở miền Trung có khu kinh tế được đầu tư hạ tầng đồng bộ sân bay, cảng biển, đường cao tốc giúp vùng này không còn khó khăn nữa, nhưng doanh nghiệp đầu tư vào vẫn được hưởng khung chính sách cũ, ưu đãi hơn cả đầu tư ở Hà Nội. Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế hiện nay quá phức tạp, vừa ưu đãi ngành nghề, vừa ưu đãi theo lĩnh vực hoạt động, dự án đầu tư, khu công nghiệp, sản phẩm, quy mô dự án, số lượng lao động nữ... Những nội dung này phải đánh giá lại nghiêm túc hơn. 

Dẫn số liệu đáng chú ý về tình trạng doanh nghiệp FDI vốn mỏng “tay không bắt giặc”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, qua kiểm soát 140 doanh nghiệp có vốn vay gấp trên 4 lần vốn chủ sở hữu thì 100% số doanh nghiệp này đều là FDI, cá biệt có doanh nghiệp tỷ lệ này gấp hàng trăm lần như Samsung Display, Capitalland Tower... Trong khi đó, xem xét các hạng mục khác của cán cân thanh toán, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết cổ tức chi cho các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam rất lớn, khoảng 10 tỷ USD. Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với Tổng cục Thống kê để làm rõ hơn các số liệu liên quan.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, có tình trạng doanh nghiệp mở rộng dự án, doanh thu cao, quy mô đầu tư lớn, nhưng số nộp ngân sách không tăng tương ứng. Bên cạnh đó, những vướng mắc, bất cập trong quản lý thuế, khu vực FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn các thành phần doanh nghiệp khác

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cần có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư, khuyến khích họ tăng vốn chủ, giảm vốn vay, khắc phục tình trạng vốn mỏng, cũng như cơ chế kiểm soát tài sản hình thành sau đầu tư để khắc phục tình trạng chuyển giá. Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia chia sẻ thông tin FDI từ đăng ký, đầu tư mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, chi phí; hệ thống chuyên biệt trong Thanh tra thuế để xử lý tình trạng chuyển giá hiệu quả hơn. 

Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, mục tiêu tới đây là tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhưng có định hướng và chọn lọc. Vì vậy, việc thiết kế các chính sách ưu đãi phải làm sao đảm bảo ưu đãi cho nhà đầu tư nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách; thu hút đầu tư theo ngành, lĩnh vực, khuyến khích được chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, khắc phục những bất cập hiện nay. 

Dẫn ý kiến từ đợt khảo sát việc thu hút và sử dụng vốn FDI tại Bình Dương mới đây, Phó Thủ tướng nhìn nhận, nên ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng, giá trị nội địa hóa lớn, hơn là tập trung vào vấn đề liên quan vốn. 

Chu Thanh Vân (TTXVN)