Một thiết bị không người lái trên biển (USV) Magura V5 do Ukraine phát triển đã lập kỳ tích khi bắn hạ một tiêm kích Su-30 của Nga gần cảng Novorossiysk.
Một chiến đấu cơ Su-30 của Nga. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo giới chức Ukraine, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một thiết bị không người lái trên mặt nước tiêu diệt một máy bay chiến đấu đang hoạt động.
Theo trang Bulgarianmilitary.com, hoạt động được thực hiện bởi đơn vị đặc nhiệm “Group 13” thuộc cơ quan tình báo quân đội Ukraine (GUR), phối hợp cùng lực lượng an ninh và quân đội nước này. Thiết bị Magura V5 đã khai hỏa một tên lửa đối không R-73, loại vũ khí thường chỉ được sử dụng bởi máy bay chiến đấu và bắn rơi chiếc Su-30SM trị giá khoảng 50 triệu USD.
Magura V5 là thiết bị USV do Ukraine phát triển, dài khoảng 5,5m, có thể đạt tốc độ tối đa 78km/h, với tầm hoạt động lên tới 800km. Thiết bị có thể mang theo thuốc nổ hoặc vũ khí tấn công, như trong trường hợp này là tên lửa. Trang bị camera, định vị GPS và hệ thống điều hướng tự động, Magura V5 có thể hoạt động độc lập hoặc được điều khiển từ xa.
Thiết kế nhỏ gọn và tiết diện radar thấp giúp Magura V5 dễ dàng lẩn tránh hệ thống phòng không truyền thống, một lợi thế lớn trong khu vực Biển Đen, nơi Nga duy trì sự hiện diện quân sự dày đặc. Quá trình phát triển thiết bị này cũng được hỗ trợ bởi công nghệ từ các đồng minh phương Tây, trong đó có Vương quốc Anh.
Kể từ khi ra mắt, Magura V5 đã tham gia nhiều vụ đánh chìm hoặc làm hư hại tàu chiến Nga, bao gồm cả tàu tuần dương Moskva năm 2022, biểu tượng của Hạm đội Biển Đen Nga.
Tên lửa R-73, còn được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi là AA-11 Archer, là loại vũ khí đối không tầm ngắn được Liên Xô phát triển từ năm 1984. Với hệ thống dẫn đường hồng ngoại, tên lửa này có khả năng khóa mục tiêu theo tín hiệu nhiệt phát ra từ động cơ máy bay. R-73 nặng khoảng 105kg, có tầm bắn 30km và có thể đánh trúng mục tiêu ở góc lệch tới 60 độ, rất hiệu quả khi đối đầu với những máy bay cơ động cao.
Trong chiến dịch ngày 2/5, các kỹ sư Ukraine đã cải tiến R-73 để có thể phóng từ mặt nước thay vì từ tiêm kích MiG-29 hoặc Su-27 như thiết kế ban đầu. Quá trình này có thể bao gồm lắp đặt giá phóng dã chiến và hệ thống ngắm bắn đơn giản tương thích với các thiết bị điện tử trên Magura V5.
Sự sáng tạo này là minh chứng rõ nét cho khả năng tận dụng công nghệ sẵn có của Ukraine nhằm khắc chế ưu thế trên không của Nga. Dù là vũ khí cũ, R-73 vẫn cho thấy hiệu quả cao với chi phí thấp – một lựa chọn đáng giá trong bối cảnh Ukraine hạn chế về ngân sách so với các loại tên lửa hiện đại như AIM-9 Sidewinder của Mỹ.
Tiêm kích Su-30 – niềm tự hào bị đánh bại
Chiếc Su-30SM bị tiêu diệt là phiên bản hiện đại hóa từ dòng Su-27 nổi tiếng, do Tập đoàn Sukhoi phát triển. Đây là chiến đấu cơ đa năng hai động cơ, chuyên thực hiện các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất và chống hạm. Với chiều dài 22m, sải cánh 14,7m và vận tốc tối đa Mach 2 (gấp đôi tốc độ âm thanh), Su-30SM là một trong những chiến đấu cơ tinh vi và đắt giá nhất của Nga.
Máy bay được trang bị radar mảng pha Bars-R với tầm phát hiện mục tiêu lên tới 190km và có thể mang nhiều loại vũ khí như tên lửa không đối không, bom dẫn đường và tên lửa chống hạm. Tuy nhiên, điểm yếu của nó là hoạt động ở độ cao lớn, khiến máy bay dễ trở thành mục tiêu cho các hệ thống tấn công tầm thấp như Magura V5 – vốn có thể tránh radar bằng cách áp sát mặt biển.
Theo cơ quan tình báo Ukraine (GUR), vào rạng sáng ngày 2/5, Magura V5 đã lặng lẽ tiếp cận chiếc Su-30 khi nó đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra hoặc tấn công gần cảng Novorossiysk. Thiết bị đã sử dụng hệ thống định vị để khóa vào tín hiệu nhiệt của máy bay trước khi phóng tên lửa R-73. Đoạn video do Ukraine công bố cho thấy khoảnh khắc tên lửa lao tới tiêm kích và khiến nó phát nổ giữa không trung trước khi rơi xuống biển.
Dưới đây là video tiêm kích SU-30 của Nga trúng tên lửa (Nguồn: bulgarianmilitary.com):
Các nguồn tin từ Nga, trong đó có kênh Telegram Fighterbomber, xác nhận sự cố và cho biết hai phi công đã kịp nhảy dù và được một tàu vận tải Nga cứu sống khi đang trôi nổi trên vùng biển có nhiệt độ chỉ khoảng 13°C. Một kênh khác, Military Maps Z, cũng cho biết các phi công đã được sơ tán an toàn, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào.
Đây không phải lần đầu tiên Magura V5 được dùng để tấn công máy bay. Vào tháng 12/2024, cùng một loại thiết bị đã bắn rơi hai trực thăng Mi-8 và làm hư hại chiếc thứ ba gần Crimea. Chiến dịch cũng do Group 13 thực hiện, đánh dấu lần đầu tiên một thiết bị không người lái mặt nước hạ gục máy bay có người lái.
Sự kiện lần này – nhắm vào một chiến đấu cơ tiên tiến như Su-30 – là bước tiến vượt bậc, nâng Magura V5 từ vai trò chống hạm thành nền tảng phòng không di động. Với chi phí ước tính khoảng 250.000 USD mỗi chiếc, Magura V5 đã tiêu diệt phương tiện gấp 200 lần giá trị của nó – một minh chứng sống động cho hiệu quả của chiến tranh bất đối xứng.
Thay đổi cán cân chiến trường Biển Đen
Từ đầu cuộc xung đột năm 2022, Ukraine đã phát triển nhiều chiến thuật sáng tạo để đối phó với ưu thế về quân số và công nghệ của Nga. Biển Đen trở thành phòng thí nghiệm cho các giải pháp đó, với khoảng 26 tàu chiến Nga bị đánh chìm hoặc hư hại – theo ước tính của tạp chí National Interest. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng eo biển Bosphorus và Dardanelles với tàu chiến nước ngoài cũng khiến Nga không thể tăng cường Hạm đội Biển Đen, khiến họ dễ bị tổn thương hơn.
Các đòn tấn công liên tiếp buộc hải quân Nga phải lui vào cảng để tránh bị tập kích, trao cho Ukraine ưu thế chiến lược dù không sở hữu lực lượng hải quân truyền thống.
Cuộc tấn công này không chỉ là chiến thắng kỹ thuật của Ukraine, mà còn là lời cảnh báo tới các cường quốc quân sự về sự trỗi dậy của thiết bị không người lái giá rẻ nhưng hiệu quả. Với việc Mỹ, Israel và nhiều quốc gia đang đổ hàng tỷ USD vào phát triển thiết bị không người lái, mô hình của Ukraine có thể trở thành hình mẫu cho chiến tranh thế kỷ 21 – nơi những nền tảng nhỏ, cơ động và rẻ tiền có thể làm thay đổi cục diện chiến trường.