03:09 19/03/2015

USD thay cho lính thủy đánh bộ

Dân chủ - mặt hàng xuất khẩu chết người của Mỹ luôn được cung cấp cùng với vũ khí là một lượng đáng kể USD. Ngày nay đồng USD không chỉ trở thành công cụ kinh tế mà còn là công cụ chính trị-quân sự.

Ngân hàng trung ương các nước khác phát hành đồng tiền của mình dưới sự thao túng của đồng USD. Còn nếu có quốc gia nào đó xem xét việc phát hành tiền theo cách khác, nước đó trước tiên sẽ bị xem là "phi dân chủ" và sau đó Mỹ phái đến bờ biển của họ các chiến hạm và lính thủy đánh bộ để khôi phục dân chủ. Chúng đi cùng với đồng USD. Ví dụ, tháng 12/2014 Lầu Năm Góc tuyên bố sẵn sàng điều lính thủy đánh bộ tới 18 nước...

Tháng 9/2014 trong cuộc họp về an ninh quốc gia tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã công bố chiến lược chống lại lực lượng Hồi giáo. Cùng với việc tăng cường không kích các chiến binh và cung cấp vũ khí cho "bộ phận ôn hòa" trong phe đối lập Syria, ông Obama muốn đề xuất với Quốc hội Mỹ dành khoản tiền 500 triệu USD để huấn luyện các nhóm vũ trang chiến đấu chống lại lực lượng của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.

Dân chủ - mặt hàng xuất khẩu chết người của Mỹ luôn được cung cấp cùng với vũ khí là một lượng đáng kể USD. Chiến thuật này cũng được Tổng thống Obama áp dụng trong các sự kiện ở Ukraine để hậu thuẫn Tổng thống Poroshenko. Mỹ đã chi 5 tỷ USD trong 20 năm để Ukraine ngả về phía mình. Tháng 12/2014, Tổng thống Obama ký Luật ủng hộ tự do tại Ukraine, theo đó dành 350 triệu USD trong 3 năm tới cho quân đội Ukraine. Lô vũ khí và thiết bị đầu tiên đã được cung cấp vào tháng 12/2014.

Ngày 11/3, Mỹ đã cấp khoản viện trợ bổ sung gồm các thiết bị, khí tài phi sát thương trị giá 75 triệu USD cho Ukraine bao gồm kính hồng ngoại, thiết bị bay không người lái Raven (trong ảnh), xe bọc thép Humvee... Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày nay đồng USD Mỹ không chỉ trở thành công cụ kinh tế mà còn là công cụ chính trị - quân sự trong tay Chính phủ Mỹ. Với việc bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, tốt nghiệp đại học Yale, có quan hệ mật thiết với tập đoàn Goldman Sachs, Tổng thống Obama đã hoàn toàn trao quyền kiểm soát quân đội cho đế chế USD và Lầu Năm Góc trên thực tế đã trở thành một chi nhánh của FED. Paul Craig Roberts cho rằng theo học thuyết quân sự của Mỹ, nước này tấn công Nga trước tiên, và bất luận Nga còn những phương tiện gì, các vũ khí này không thể vươn tới Mỹ nhờ lá chắn phòng thủ tên lửa dọc theo biên giới Nga.

D
ấu vết Afghanistan

Thêm một ví dụ nữa. Chiến thắng để bước vào Nhà Trắng của ông Obama được thực hiện theo khẩu hiệu rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan. Mỹ đã ném một lượng tiền lớn vào quốc gia này, mà trong khuôn khổ chiến dịch "Tự do bền vững" số tiền chỉ để huấn luyện lực lượng an ninh Afghanstan đã tới 60 tỷ USD. Số phận của lực lượng này mới đây được Tổng thanh tra đặc biệt về chương trình tái thiết Afghanistan, John Sopko, hé lộ. Theo ông Sopko, phần lớn số tiền này bị quan chức Afghanistan và NATO biển thủ.

Ví dụ rõ ràng nhất là vụ Lầu Năm Góc mua cho Kabul các máy bay vận tải G-222 của Italy. "Món quà" này không đạt chất lượng, nên một thời gian sau đó phải bán làm sắt vụn, bất chấp thực tế giá trị phi vụ lên tới gần 800 triệu USD. Câu hỏi đặt ra là điều gì ngăn phương Tây thúc đẩy kinh tế Afghanstan, để việc canh tác cây thuốc phiện không còn là nguồn thu nhập duy nhất của nước này? Câu trả lời là: đế chế USD muốn Afghanistan ở trạng thái thường xuyên bất ổn và kém phát triển.

Máy bay vận tải G-222 của Italy.


Còn cách nào có thể giải thích khi trong vòng 13 năm hiện diện của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF), chỉ 2 doanh nghiệp công nghiệp được thành lập ở Afghanistan - một nhà máy nhỏ sản xuất bút chì và nhà máy "Coca-Cola" ở Kabul? So với thập niên 1980, khi Liên Xô xây dựng tại Afghanistan hàng chục nhà máy, nhà máy điện, thang máy, hàng trăm km đường, hầm, kênh tưới tiêu.

Vấn đề thật đơn giản: nhiệm vụ chính mà Mỹ và các đồng minh của mình đặt ra là nắm quyền kiểm soát hoàn toàn giới lãnh đạo nước này và họ đã làm được điều đó. Tổng thống mới của Afghanistan, Ashraf Ghani, là công dân Mỹ, thực hiện tất cả các mệnh lệnh của Mỹ. Afghanistan đã ký thỏa thuận về sự hiện diện của lực lượng quân sự nước ngoài tại nước này tới năm 2020. "Chiến dịch Tự do bền vững" được thay thế bằng sứ mệnh "Hỗ trợ Kiên quyết". Về mặt chính thức mục đích của nó vô hại - huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan. Trên thực tế, đây là sự kế tục của chiến dịch quân sự. Cần lưu ý Ukraine và Gruzia đã tuyên bố sẵn sàng tham gia sứ mệnh này.

Theo "New York Times" và nhiều báo khác, ông Obama đã thông qua một chỉ đạo bí mật để duy trì các binh sĩ Mỹ ở Afghanistan. Trong trường hợp này, Mỹ và các đồng minh NATO vẫn duy trì 9 căn cứ quân sự còn binh sĩ nước ngoài sẽ không bị hệ thống tư pháp Afghanistan truy tố.

(Còn tiếp)


TTK