11:15 16/11/2012

Uruguay chuẩn bị 'hợp pháp hóa' cần sa

Ngày 15/11, Uruguay đã tiến gần hơn một bước tới việc biến chính phủ nước này trở thành “đại lý” số một về cần sa (marijuana) khi các nghị sĩ quốc gia Nam Mỹ này đã chính thức đề xuất lên quốc hội dự luật về quản lý sản xuất, buôn bán và tiêu thụ cần sa.

Ngày 15/11, Uruguay đã tiến gần hơn một bước tới việc biến chính phủ nước này trở thành “đại lý” số một về cần sa (marijuana) khi các nghị sĩ quốc gia Nam Mỹ này đã chính thức đề xuất lên quốc hội dự luật về quản lý sản xuất, buôn bán và tiêu thụ cần sa.


Uruguay tiến gần hơn tới việc trở thành “đại lý” số một về cần sa. Ảnh Internet.


Dự luật này được cho là còn cởi mở hơn so với đề xuất ban đầu được đưa ra cách đây vài tháng khi Tổng thống Jose Mujica khẳng định chỉ chính phủ nước này mới được quyền bán cần sa. Theo đó, dự luật sẽ cho ra đời Viện Cannabis quốc gia nắm quyền cấp phép cho các cá nhân và công ty sản xuất và buôn bán cần sa cho mục đích tiêu khiển, sản xuất dược phẩm hay các mục đích công nghiệp khác. Dự luật này sẽ thúc đẩy việc phát triển các câu lạc bộ trồng cần sa để cung cấp cho các thành viên có đăng ký. Và điều đáng chú ý nhất, nó sẽ cho phép bất kỳ cá nhân nào được trồng một số lượng nhất định cần sa trong nhà riêng, sở hữu cần sa vì mục đích tiêu dùng cá nhân.


Colette Youngers, chuyên gia về chính sách ma túy thuộc Văn phòng Washington đặc trách Mỹ Latinh, nhận định: “Việc thúc đẩy dự luật này là nhằm tạo ra những thị trường do nhà nước kiểm soát. Nó sẽ đưa ra một khuôn khổ pháp lý. Điểm khác biệt chính là dự luật kết hợp điểm mới về trồng cây cần sa cho mục đích cá nhân, cũng như cho phép các câu lạc bộ cần sa được hoạt động, vốn không có trong đề xuất ban đầu”.


Cần sa được biết đến lần đầu tiên vào năm 2700 trước công nguyên ở Trung Quốc, trong một cuốn sách viết về các loại thuốc. Sau Trung Quốc, người Hy Lạp và Ai Cập cổ đại cũng dùng nó để trị một số căn bệnh trước khi trở nên phổ biến trên khắp châu Âu. Hợp chất trong cần sa có thể làm giảm những triệu chứng viêm sưng hay cảm giác đau đớn, buồn nôn và kích thích sự thèm ăn.


Không giống như nhiều loại chất kích thích khác, việc sử dụng cần sa quá liều không gây tử vong, theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ. Mặc dù cần sa có thể gây nghiện nhưng khả năng này còn thấp hơn so với một số thuốc vẫn thường được kê theo toa. Nhưng với nhiều rủi ro nghiêm trọng có thể gặp phải, những lợi ích đó không đủ sức thuyết phục các nhà chức trách bãi bỏ tính bất hợp pháp của cần sa trên toàn thế giới.


Cần sa chủ yếu để giảm đau cho người bệnh nhưng cũng chỉ được dùng cực kỳ hạn chế bởi các tác dụng phụ của loài cây này. Nó có chứa thành phần chất hóa học tác động lên hệ thần kinh là THC (hoặc tetrahydrocannabinol), một trong hơn 60 loại hoạt chất cần sa (gọi chung là cannabinoid). THC liên kết với các cảm thụ thể Cannabinoid Receptor tập trung phần lớn ở não, cản trở khả năng tập trung, tư duy, trí nhớ, khả năng nhận thức về thời gian cũng như có thể ức chế hệ miễn dịch, gây tổn hại cho sức khỏe.


Ngoài ra, THC khi bị đưa quá nhiều vào cơ thể sẽ khiến người hút gặp phải tình trạng tim đập nhanh, lo sợ, hồi hộp, trầm cảm, hoang tưởng, suy nghĩ tiêu cực,… Chất này còn ảnh hưởng trực tiếp đến đường sinh sản, cụ thể là làm giảm sự rụng trứng ở nữ, suy yếu tinh trùng ở nam. Chính vì những tác dụng xấu đó, cần sa bị cấm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác, nó lại được phát triển phục vụ cho ngành dược phẩm. (Theo Livescience)


Mục tiêu chính của chính phủ Uruguay trong dự luật nói trên là nhằm loại bỏ những băng nhóm phân phối cần sa khét tiếng khỏi thị trường sản phẩm này, cũng như cho phép những người hút được mua cỏ cần sa một cách hợp pháp mà không “nuôi sống” ngành công nghiệp bất hợp pháp vốn chuyên cung cấp những loại ma túy mạnh hơn như cocain và các chất dẫn xuất của nó. “Chưa một quốc gia nào trên thế giới thực hiện điều này (hợp pháp hóa cần sa), vậy nên, họ (chính phủ Uruguay) cần một đạo luật để tạo ra khuôn khổ pháp lý”, chuyên gia Youngers cho biết.


Dự luật cần sa gây tranh cãi của chính phủ Uruguay cũng nhận được sự ủng hộ của một số chuyên gia khác. Cố vấn chính sách ma túy của Bộ phát triển Xã hội Uruguay, Agustin Lapetina giải thích: “Mục tiêu chính (của dự luật) là tách biệt hai thị trường, đó là cần sa của những kẻ buôn bán ma túy mạo hiểm, nhằm giảm thiểu khả năng người sử dụng cần sa tiếp xúc thị trường chợ đen và rồi lại sử dụng các loại ma túy khác. Nhà nước (Uruguay) sẽ không trở thành nhà sản xuất chính, mà thay vào đó, chỉ cấp phép cho những ai sản xuất, phân phối và mua bán cần sa. Và với nguồn thu từ cấp phép, cơ quan chức năng sẽ bổ sung nó vào các nguồn ngân sách cho y tế công và các chiến dịch phòng ngừa”.



T.L