09:21 12/09/2012

Úp mặt vào sông

Nam ngước nhìn dòng sông có bờ kè cong cong chạy dài về cửa biển, nơi ấy còn có thêm cây cầu vượt qua hai dòng sông cong cong như vành mi thiếu nữ. Nam cúi mặt nhớ về dòng sông bên này, bên cổ tháp và bên vành nón lá. Ngày mai đôi bờ sẽ đẹp, nhưng giờ úp mặt vào sông mà nhớ…

Buổi sáng cuối tuần, Nam còn ngái ngủ trên giường đã nghe Nguyên gọi trong máy:


- Mày về đến nhà chưa? Chiều tao ghé để đưa ra sông, thú lắm nhé khỉ!


Nam phì cười lắc đầu và gật. Khi về đến ngõ đã nghe ba nói, hổm rày thằng Nguyên đến bốn, năm lần chờ con. Ừ, nó đợi là phải. Hôm Nam gặp Nguyên trong trung tâm ung bướu, dưới cái nắng oi ả góc sân, mắt nó sưng húp, đỏ cạch như nắng Sài Gòn vào đỉnh điểm.


Nó trông thấy Nam vội nhao đến ôm lắc lia lịa, mếu máo: “Mày giúp tao đi khỉ, má tao ngồi trong kia, có gì chắc tao chết quá!”. Nam gạt tay nó: “Thôi mày, ướt áo tao rồi, chịu khó vào góc cây hỉ mũi cho sạch… y chang ngày xưa”. Má nó có khối u sau lưng, vụt lớn trong vài tháng và tay bác sĩ nào ngoài ấy nghi K, cũng xem như chết chắc, rồi cả tuần tiếp theo nó réo tên Nam bất kể ngày đêm đến khi vào được trong này.


Minh họa: Trần Thắng


“Mở to con mắt đổ ghèn ra mà nhìn, đừng khóc tồ tồ trong bệnh viện nữa nghe mậy!”. Nhìn kết quả sinh thiết không có K mà bướu lành tính dạng bã đậu, Nguyên cười hềnh hệch, hàm răng cải mả nhô hẳn ra ngoài, Nam trách: “Lạy mày, đừng kêu tao là khỉ nữa”, Nguyên vẫn cười: “Thì ngày xưa nhà mày nuôi khỉ cả bầy dưới chân tháp Nhạn, tên mày cũng là cu khỉ mà, tao quen rồi”.


Nam nhìn nó lắc đầu, quay lưng chửi đổng: “Bố khỉ ông ấy!”. Mà quả thiệt, nhà Nam từng nuôi một gia đình cha, con, mẹ khỉ phía sau vườn. Nhưng đâu ảnh hưởng gì đến cái tên cúng cơm của Nam. Có chăng, thằng Nguyên ngày ngày hay mò sang chọc chí choét.


Sau ngày phẫu thuật bóc tách khối u cho má Nguyên, Nam đưa nó dạo quanh thành phố. Sau xe, nó trầm trồ khen mọi thứ đều đẹp, chỉ tội đông người, chỉ tội lắm bụi, tắc đường với những gương mặt bịt khẩu trang như ninga lầm lì rồi tấm tắc khen ly cà phê Ý thơm lựng ở tận tầng thứ 40 và suýt bật ngửa với giá tận lầu 40 ấy, nó bảo, mày về tao đưa ra bờ sông cũ, cà phê ở đó rẻ, uống chục ly chẳng sao...


Lâu rồi, Nam ít khi có dịp về lại nên quên dần sông. Ngày trước, nhà Nam bên chân tháp cổ, có con sông Chùa đi qua dưới những rặng tre rủ bóng. Đẹp và hiền như trong thơ ca nhưng mùa lũ nước réo ồ ồ chảy phăng phăng, ngập lai láng, trôi nhà cửa cũng là một tai họa như trong các truyện ngắn.


Có đận, mưa dài ngày, sét vỡ trời nước úng đất rồi dâng tràn kéo theo cả vạt núi lở đổ ập xuống những ngôi nhà ven chân tháp. Nhà Nam suýt nữa bị vùi lấp dưới đống đá khi nước ngập nửa căn nhà vào lúc gà gáy sáng. Ba Nam thả bầy khỉ vô núi, dẫn gia đình dời đi nơi khác và Nam cũng chia tay nhóm bạn cũ. Vậy mà thằng Nguyên vẫn còn nhớ khỉ.


- Tháng sau tao về có giỗ nội - Nam nói cho Nguyên biết.


- Hứa nghe, khỉ - Lại tiếng khỉ trong gió sông Sài Gòn.


*
* *


Đứng bên Nguyên, Nam không nhận ra xóm Chùa nữa. Những con đường ngoằn ngoèo quanh co đầy cát sỏi; những đoạn dốc ngắn dài sau lưng núi đi dần lên ngôi chùa dưới chân tháp cùng cây gạo kề bên dòng sông lắm cây cối, nhiều rặng tre và cả bến sông có cây vông cổ thụ bung tán.


Bây giờ tất cả hầu như biến mất, như bị một nhát dao cùn đi qua hay rõ hơn là cơn bão ập đến.Trước mắt Nam, một con đường chưa hình thành còn vung vãi đất đá, ngổn ngang những đoạn ta luy đặt làm bờ kè cùng những chiếc xe chở vật liệu cuốn bụi mù mịt.


Theo Nguyên kể, con đường chạy dọc bờ sông đến cửa biển. Dòng sông đang thu hẹp qua tầm mắt, bên kia là xóm Nhủi, tên đặt của dân xúc hàu hến đã liền kề với cây cầu mới dù đang dở dang nhưng sẽ cong như vành mi thiếu nữ kéo vút qua hai con sông cái dài, cái rộng. Nguyên nói vẻ tự hào:


- Sau này sẽ hoành tráng nghe mày, khỉ!


- Ừ, sẽ đẹp, rất đẹp là đằng khác, con mày sẽ đón gió lộng tứ mùa để nhe hàm răng cải mả mà cười, không còn khóc nhè như mày!


- Làm gì có, nhà tao rơi vào diện giải tỏa. Thằng Bảo, thằng Khoa, con Cúc… đi trước rồi vì nhà nó nhô sát ra sông.


Nam ngơ ngác vì dự định rủ Nguyên đi thăm chúng nó. “Đi hết rồi…”, sẽ không còn bà Tư bán chè bông cỏ có những hạt bột đủ màu, muỗng đỗ xanh quết mịn, những hạt é nở bung và mùi dầu chuối ngào ngạt nơi ngã tư vào nhà Lý, sẽ không có ông Tám bán kẹo kéo ba đời gia truyền có bàn quay số kêu ro ro mỗi chiều dựng xe bên hàng che tàu trước nhà Bảo, tay rung lia lịa cái chuông đồng sứt mẻ để gọi chúng nó. Sẽ không còn chị Tám bắp nướng quệt mắm cái mà mỗi lần ăn đều phải hít hà. Nam bật cười vì hình ảnh ấy đã mất từ lâu, lúc mà Nam chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại những ngày nghỉ học, Nam đạp xe về xóm cũ để rủ chúng nó sang sông.


- Lý ở đâu vậy, Nguyên?


- Mày hỏi lạ, nó lấy chồng trên chợ An Đông lâu rồi, cả mấy thằng như tao cũng có vợ, sinh con, chỉ còn mày là khỉ thôi!


Nguyên cười hề hề kéo Nam quay lại chỗ để xe. Nó cho xe chạy dọc bờ kè. Sau lưng Nam là ngọn tháp sừng sững trong nắng gió, phía trước là gió lồng lộng cùng bánh xe nghiến rào rào trên đá sỏi. Những khu vườn liền kề mặt sông, những ngôi nhà ẩn trong tàng cây xanh lá giờ lộ ra cái mất, cái còn nham nhở trong héo úa gãy đổ. Nguyên quay đầu ra sau oang oang cùng gió: “Dọc tuyến đường này là khu biệt thự, hoành tráng…”, Nam góp lời: “Mày cũng hoành tráng một cái”. “Tiền đâu, thằng khỉ khọn”, nó cười, nhưng Nam thấy nhói trong lòng.


Vậy là sẽ đi hết, lần lượt đi hết. Sau Nam một quãng dài, là nó, là Lý, là Bảo, là Cúc, là cả một ngôi làng cũ bên dòng sông. Nam nhớ, những dòng sông trong lòng thành phố Nam từng đi qua. Có con sông Càty, sông Cái, sông Trà… dọc theo vùng đất miền Trung chao chao gió cát này đều đẹp rực rỡ bởi những biệt thự sang trọng, các nhà hàng, khách sạn lộng lẫy của hiện tại. Còn trong quá khứ dọc hai bờ sông kia, những con người đang trở về đâu, tìm được việc gì trong khu tái định cư có rẻo đất nhỏ mà mơ về một khoảng sông.


Nguyên rề xe chạy chậm vào chiếc quán cất tạm đang thưa khách, đoạn cong dòng sông bên nay bờ nhìn sang bên kia rất gần khiến Nam ngờ ngợ cùng cú đập vai đến chao người từ tay Nguyên:


- Nhớ chỗ này không? Khỉ!


- Sao quen quá hở mày?


- Khỉ thiệt tình, đang đứng ngay bến sông mà quen với chả lạ.


- Thế còn doi cát giữa dòng đâu rồi? - Nam bật hỏi.


- Mất tiêu sau đợt lũ lớn, vả lại dân hút cát công trình lấy sạch cái “Vành nón lá” ngày xưa đứng trên tháp Nhạn nhìn xuống để… khỉ gãi ngứa rồi bất chợt thoảng thốt đặt tên.


Vành nón lá là doi cát cong cong nằm giữa hai bến. Doi cát nhỏ ấy chuyên trồng bắp, thả dây mướp và rong bò mùa cạn. Và cũng bí mật một câu chuyện đến giờ không đứa nào biết, trừ Nam và Lý, người trong cuộc.


Năm cuối trung học, sau mùa thi gần đêm Trung thu. Nam đạp xe đến nhà Lý. Không hiểu nguyên cớ gì lại bất ngờ bạo gan rủ Lý ngồi yên sau chở đi vòng vòng, rồi giấu xe, lén tháo dây buộc sõng để rong sang doi cát.


Cả hai chui vào giữa vành nón lá chỗ đụn rơm ẩn trong đám bắp trổ cờ. Trăng vằng vặc sáng, bàng bạc hơi sương bao phủ dòng sông, văng vẳng nhịp trống lân từ xóm đưa sang. Cả hai ngồi sát cạnh, dựa vào cọc rơm ngai ngái, nồng nồng mùi ẩm mục và chắc chắn rằng, nhịp trống lân dội đến ngang với nhịp tim Nam trong lồng ngực khi nhẹ nắm tay Lý.


Lý vẫn để yên rồi ngập ngừng thu tay về để hỏi: “Bao giờ Nam đi?”. “Tuần sau lên đường”. “Lý thích ngành Y nhưng học dở quá”, Nam cười, trêu nhỏ: “Lo gì, khi bệnh có bác sĩ nè…”. Cái hôn đầu tiên lên đôi mắt rợp mi cong của Lý và sự cảm nhận bàn tay Lý bíu vội lên ngực Nam và cả hai lại im lặng nghe từng cơn sóng nhỏ dội lên bờ cát. Đến giờ Nam vẫn nhớ nhưng đến giờ vành nón lá kia đã trôi về biển rộng có con sông dài.


Chiều buông vệt nắng trải dọc theo dòng sông đục ngầu bụi cát. Từ bên này nhìn sang bên kia gần đến nỗi với tay là tới. Và Nam có cảm giác nếu xây một bờ kè đối diện thì sông hẹp như dòng kênh trôi qua thành phố.


Bất giác, Nam nhìn Nguyên, nó đang dùng cùi tay chùi bọt bia dính trên hai mép như những lần cả bọn vượt sông sang soi để hái trộm dưa hấu đầu mùa, nó từng trợn mắt nín thở để vục đầu trong nửa trái dưa chín đỏ để nước văng tung tóe rồi dùng cùi tay lau mép.


Nam cười mỉm quay nhìn bên kia sông, những tổ chim dồng dộc đầu vàng treo lơ lửng tận đọt tre với con dốc cao cao gập ghềnh đá tảng có những khu vườn ngăn cách từng giậu dâm bụt đỏ, bông trang trắng không còn. Bên ấy, đã có những ngôi nhà cao tầng, và sau lưng Nam, phía của ngôi tháp cổ, cũng có những ngôi nhà cao tầng nên làm gì còn vạt cát ven sông để mà thả diều và những đêm trăng sáng, cả bọn tụ tập chơi trò u mọi.


Lúc ấy, Lý luôn nắm vạt áo Nam giữ chặt, cười nắc nẻ cùng đôi mắt bừng sáng nhưng rồi không thể giữ mãi. Nghe bảo, mỗi năm vào rằm tháng bảy, ngôi chùa ở sát vệ sông nơi xóm này luôn thả hoa đăng.


Không biết, lũ bạn có đưa vợ con trở lại nơi cũ và Lý có về hay không, còn nhớ giàn thiên lý trước sân nhà thoảng mùi thơm dịu ngọt cùng mùa mưa ngâu mỗi năm thường trôi qua nhanh trên rẻo đất nhỏ này, có nhẹ tay đặt ngọn hoa đăng để nó dần trôi về vành nón lá một thời.


- Sao đần mặt ra vậy, nhìn bộ dạng mày tao ớn quá, khỉ?


- Không, tao đang định đi thăm Lý.


- Ôi trời! Chồng nó ghen tới tận ngọn tháp kìa. Mà khi nào khỉ vào Sở thú Sài Gòn?


- Mai, ngày mai lên tàu.


- Vậy là hổng được rồi, bọn chúng ở đủ mọi nơi, đang vào vụ mùa mà. Thôi, để đợt sau khỉ lấy vợ rồi dẫn bầy đàn về ra mắt cho tiện.


Nam phì cười gật đầu lúc đám công nhân bụi bặm xong giờ làm việc đang lũ lượt kéo nhau vào quán.


Hôm sau, Nam đi. Lúc tàu kéo hồi còi dài vượt qua cây cầu sắt dưới chân núi Nhạn, Nam ngước nhìn dòng sông có bờ kè cong cong chạy dài về cửa biển, nơi ấy còn có thêm cây cầu vượt qua hai dòng sông cong cong như vành mi thiếu nữ. Nam cúi mặt nhớ về dòng sông bên này, bên cổ tháp và bên vành nón lá. Ngày mai đôi bờ sẽ đẹp, nhưng giờ úp mặt vào sông mà nhớ…



Huỳnh Thạch Thảo