02:02 07/02/2019

Ước vọng viên mãn trong tranh lợn cổ

Từ xa xưa, treo tranh ngày Tết đã là một thú chơi tao nhã, một phong tục đẹp của người dân Việt Nam. Những bức tranh dân gian với màu sắc tươi tắn được các gia đình treo trên tường nhà mang ước vọng về một năm mới nhiều may mắn, no đủ, hạnh phúc.

Chú thích ảnh
Nhiều năm qua, anh Đào Đình Trung, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội, luôn tâm huyết phục hồi dòng tranh Kim Hoàng. Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN

Chắt lọc và điển hình hóa

Nói đến tranh dân gian vẽ lợn, không thể không nhắc tới dòng tranh Đông Hồ. Đây là một trong số ít những dòng tranh dân gian nổi tiếng còn tồn tại đến ngày nay và hình tượng con lợn trong tranh Đông Hồ là một trong những con lợn được các nghệ nhân tạo hình đẹp nhất.

Hình tượng lợn trong tranh Đông Hồ vừa mang tính trang trí cao, vừa được chắt lọc và điển hình hóa.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân hiếm hoi còn lưu giữ tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cho biết: Trong kho tàng tranh dân gian Đông Hồ có 3 bức tranh vẽ hình tượng lợn. Trong đó, bức tranh mẹ con đàn lợn âm dương, đã từng được nhắc đến trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” nổi tiếng.

Chú thích ảnh
Tranh Đông Hồ "Đàn lợn âm dương" thể hiện ước muốn của người nông dân về cuộc sống sung túc, đông vui hòa thuận, hạnh phúc, con cháu đầy đàn. 

Bức tranh đàn lợn âm dương với hình ảnh con lợn mẹ béo tròn, cùng 5 con lợn con xung quanh, mỗi con một dáng vẻ khác nhau: con muốn trèo lên lưng, con muốn rúc vào bụng mẹ, các con khác đang hướng vào mầm lá khoai để ăn…

Tranh Đông Hồ còn có 2 loại tranh lợn là tranh lợn ăn lá ráy và tranh lợn ăn cám, thể hiện sự no đủ, hòa hợp. “Lợn là con vật hay ăn chóng lớn, nên các cụ xưa đưa hình ảnh những chú lợn béo khỏe thể hiện mong muốn về một cuộc sống no đủ, sung túc, con cháu đầy đàn”, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nhận xét.

Một dòng tranh Tết dân gian nữa cũng đưa hình tượng con lợn vào tranh, thể hiện khát vọng sống tươi vui, ấm no của người dân, là tranh đỏ Kim Hoàng (làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Con lợn trong tranh đỏ Kim Hoàng được vẽ trên nền giấy điều màu đỏ hoặc màu vàng, những đường nét tạo hình in màu đen, thêm những nét vẽ màu trắng. Sự tương phản giữa đỏ - đen - trắng tạo nên nét đẹp tự nhiên, mạnh mẽ nhưng không thiếu phần ngộ nghĩnh, dễ thương. Hình ảnh con lợn trong tranh Kim Hoàng ít chiều theo sự mô phỏng tự nhiên, làm cho hình tượng con lợn trong tranh Kim Hoàng có vẻ mang tính tượng trưng, có phần phóng túng hơn và được cách điệu nhiều hơn so với tranh Đông Hồ.

Nghệ nhân Đào Đình Trung, người vẽ tranh đỏ Kim Hoàng cho biết: Trước Tết Kỷ Hợi 2019 vài tháng, đã có rất nhiều người đặt mua tranh Kim Hoàng vẽ hình con lợn để treo Tết trong năm nay.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, người lưu giữ dòng tranh Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Biểu tượng mang ý nghĩa phồn thực

Nói về giá trị cũng như ý nghĩa của tranh dân gian vẽ hình con lợn thường được các gia đình mua treo nhà dịp Tết, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: Tranh Tết thường có 2 chức năng. Thứ nhất, là chức năng trang trí, dùng để treo ngày Tết cho đẹp nhà. Các bức tranh phải có màu sắc rực rỡ.

Tuy nhiên, chức năng thứ hai, là chức năng mang tính chất tín ngưỡng lại nổi trội hơn, đó là treo tranh Tết để cầu mong sự thịnh vượng, sự phát triển. Thông thường, trong 12 con giáp, năm nào thuộc con giáp nào, người ta thường nhấn mạnh vào những điểm tích cực của con giống đó, vừa như đón rước một năm mới, vừa cầu mong may mắn… Do đó, các bức tranh Tết từ nét vẽ, phối cảnh đều mang nặng sự mong muốn sung mãn, đầy đặn.

Chú thích ảnh
Tranh Đông Hồ "Lợn độc" (lợn ăn cám).  

Đặc biệt, với tranh vẽ về con lợn trong tranh dân gian Đông Hồ, các nghệ nhân tạo hình mọi đường nét căng tròn, các đường cong đều đặn, từ lợn con, đến lợn mẹ, cây rau, chậu cám… tất cả đều tươi tắn. Trên mình những con lợn còn có biểu tượng âm dương hòa hợp để phát triển.

Riêng với bức tranh “Đàn lợn âm dương”, các nghệ nhân vẽ tranh Đông Hồ đã rất chú trọng vào nét an nhàn, sự béo tốt, no đủ, sung túc… Hình ảnh mẹ con đàn lợn xúm xít, trên mình con lợn nào cũng có xoáy âm dương, vừa giúp hài hòa, cân bằng đường nét trong tranh, vừa mang ý nghĩa của thuyết âm dương hòa hợp để có thể phát triển. Năm con lợn con với 5 màu khác nhau, tạo hình 5 tư thế khác nhau còn thể hiện yếu tố ngũ hành và tín ngưỡng phồn thực, đại diện cho sự sinh sôi, nảy nở, gia đình đông đúc, sum vầy, hạnh phúc, ấm no.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, dù là dòng tranh dân gian Đông Hồ, tranh đỏ Kim Hoàng hay các dòng tranh dân gian vẽ lợn khác, dù tạo hình, nét vẽ, màu sắc trong các bức tranh được các nghệ nhân thể hiện khác nhau, trên nền vật liệu khác nhau… nhưng tất cả đều có một ý niệm chung, đều mang tính biểu tượng chung, đó là ước nguyện của con người về một cuộc sống ấm no, viên mãn…

Trải qua nhiều năm tháng với những biến động, song với nhiều gia đình, tục treo tranh ngày Tết đã trở thành một nhu cầu trong đời sống tinh thần với những ước mong, hy vọng về những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.

 

Lan Lộc