04:17 15/04/2025

Ước mơ an cư trở thành hiện thực

Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung toàn lực, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị nhằm hiện thực hóa mục tiêu: Đến cuối năm 2025, mọi hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đều có chỗ ở an toàn, ổn định.

Chú thích ảnh
Cán bộ Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk thăm hỏi, gia đình anh Y Dani Hđơk (buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) trong căn nhà mới khang trang. 

Đây không chỉ là nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà còn là trách nhiệm chính trị, là biểu hiện sinh động của tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình phát triển bền vững.

Người dân nghèo có chỗ ở an toàn

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nhu cầu về nhà ở an toàn, kiên cố của người dân vẫn rất cấp thiết. Thời gian qua, được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, ước mơ về ngôi nhà mới khang trang thay thế những ngôi nhà tạm, dột nát đã trở thành hiện thức, giúp người dân nghèo, khó khăn có nơi an cư, ổn định.

Những ngày này, gia đình chị H’Duyên Bkrông (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) rất phấn khởi khi căn nhà mới từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được khởi công xây dựng. Chồng mất sớm, bản thân chị mắc bệnh hiểm nghèo. Nhiều năm qua, mẹ con chị phải sống trong căn nhà cũ, dột nát, việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Những tưởng cuộc sống khó khăn mãi đeo bàn, thì nay, niềm vui về ngôi nhà an cư đã dần trở thành hiện thực.

"Chương trình này thật sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tôi không biết đến bao giờ mới có được mái nhà vững chãi. Tôi mong sẽ có thêm nhiều người nghèo được hưởng chính sách này", chị H’Duyên Bkrông xúc động nói.

Tại huyện Krông Bông, một trong những địa phương khó khăn của tỉnh Đắk Lắk, chương trình xóa nhà tạm, dột nát cũng mang nhiều niềm vui cho người dân nghèo. Gia đình chị H’Thương B’yă (tại buôn Cư Mil, xã Ea Trul), thuộc diện hộ nghèo. Chồng làm thuê, vợ làm rẫy, cuộc sống hằng ngày rất khó khăn. Tháng 3/2025, gia đình chị được hỗ trợ 80 triệu đồng để khởi công xây dựng căn nhà mới. Căn nhà kiên cố sắp hoàn thành không chỉ là tài sản, mà còn là điểm tựa cho hành trình vươn lên thoát nghèo. “Có căn nhà che nắng, che mưa, chúng tôi yên tâm làm ăn, hy vọng sớm thoát nghèo”, chị H’Thương B’yă nói.

Ông Ma Vôn Y Blap Êban, Buôn trưởng buôn Cư Mil cho biết, buôn có 168 hộ thì có đến 74 hộ nghèo. Bà con đều phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây nhà và mong ngôi nhà mới sớm hoàn thành để yên tâm đi làm xa, phát triển kinh tế.

Tại xã Ea Trul có 46 hộ dân được hỗ trợ xây nhà mới, 9 hộ được hỗ trợ sửa chữa. Mỗi căn xây mới trị giá 80 triệu đồng, sửa chữa là 30 triệu đồng. Việc rà soát, xác minh nhu cầu người dân, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công được địa phương triển khai khẩn trương, bài bản.

Ông Đỗ Trọng Giáp, Chủ tịch UBND xã Ea Trul cho biết, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và lực lượng Công an tỉnh diễn ra thuận lợi nhờ sự đồng thuận của nhân dân. Quá trình bình xét được diễn ra công khai, người dân đều nhất trí, đồng lòng. UBND xã đến từng nhà xác định nguồn gốc; phối hợp Ban Tự quản vận động người dân, gia đình có nguồn gốc đất để bàn giao sớm nhất cho đơn vị thi công.

Huy động tổng lực, đồng bộ các giải pháp

Chú thích ảnh
Quá trình bình xét hộ được xây nhà diễn ra công khai, người dân đều nhất trí, đồng lòng. 

Theo thống kê, đến cuối năm 2024, tỉnh Đắk Lắk còn 34.434 hộ nghèo, 27.651 hộ cận nghèo; trong đó, 24.282 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua rà soát, trong năm 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ xây mới, sửa chữa 7.312 căn nhà cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo… gặp khó khăn về nhà ở. Trong đó, 5.405 căn được hỗ trợ theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và triển khai 4 đề án, trong đó, đáng chú ý là Đề án do Công an tỉnh Đắk Lắk chủ trì thực hiện xây mới 4.285 căn nhà, mỗi căn trị giá 80 triệu đồng. Đây được đánh giá là chương trình hỗ trợ nhà ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Đắk Lắk. Đến ngày 13/4/2025, toàn tỉnh đã khởi công 2.276 căn nhà, trong đó có 83 căn đã hoàn thành, bàn giao cho người dân.

Theo Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, việc triển khai Đề án có ý nghĩa to lớn, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác an dân, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dân nghèo, khó khăn ở các huyện, thị xã, thành phố. Đề án tiếp tục củng cố thêm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, cũng như lực lượng Công an nhân dân và cũng là mệnh lệnh, nhiệm vụ chính trị quan trọng của lực lượng Công an trong năm 2025.

Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2025), đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Công an tỉnh quyết tâm hoàn thành xây dựng 4.285 căn nhà và bàn giao cho người dân sử dụng trước ngày 15/8/2025, Thiếu tướng Lê Vinh Quy nhấn mạnh.

Để bảo đảm tiến độ và chất lượng phong trào, Ban Chỉ đạo Xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp tỉnh và cấp huyện được thành lập ngay từ đầu năm 2025. Công tác bình xét, lựa chọn hộ thụ hưởng được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Với tinh thần “nơi nào khó, có chính quyền hỗ trợ”, nhiều xã đã trực tiếp đến từng hộ dân, xác minh nguồn gốc đất, vận động người thân hỗ trợ công xây dựng, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, chủ trương xóa nhà tạm, dột nát mang tính nhân văn sâu sắc. Huyện đã tổ chức khởi công đồng loạt tại 13 xã, bố trí gần 3 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để sửa chữa 96 căn nhà. Ngoài ra, huyện ủy chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tăng cường vận động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Pháp cho biết, quá trình triển khai không tránh khỏi những khó khăn. Các thủ tục liên quan hồ sơ đất đai, huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương trên tâm thế, tinh thần sẵn sàng tích cực hỗ trợ để thực hiện chương trình đúng tiến độ, chất lượng đề ra.

Tại huyện Krông Pắc, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, tiến độ rà soát ban đầu gặp khó khăn do thời gian gấp, một số hộ có khó khăn về đất ở, đất nông nghiệp, chưa phù hợp quy hoạch, đất thuộc công ty, nông thường... Chính quyền huyện đang cố gắng phân loại có giải pháp để giải quyết các trường hợp, đảm bảo đủ điều kiện xây mới, sửa chữa cho người dân.

Bà Nông Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, đơn vị đang xây dựng kế hoạch thực hiện vận động, tích cực triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh để huy động nguồn lực hỗ trợ người dân. Bên cạnh việc hỗ trợ tài chính, các địa phương cần quan tâm xử lý dứt điểm những khó khăn về đất ở, để người dân sớm được hưởng lợi từ chính sách.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh là đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các gói vay ưu đãi để "tiếp sức" cho các hộ dân. Hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo tại Đắk Lắk đã được vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở kiên cố. Trong năm 2025, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh dự kiến hỗ trợ khoảng 1.000 hộ nghèo, với tổng số vốn vay 40 tỷ đồng. Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp người dân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, giảm bớt gánh nặng tài chính và tạo điều kiện thuận lợi để cải thiện nhà ở, ổn định đời sống.

Đến thời điểm hiện tại, một số huyện như Krông Bông, Krông Pắc, Cư M’gar… đã cơ bản hoàn tất việc rà soát, bố trí mặt bằng và nhân lực. Đắk Lắk đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ chương trình xóa nhà tạm, dột nát trước ngày 31/12/2025, đúng thời hạn mà Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa là chỉ tiêu phát triển bền vững. Các sở, ngành, chính quyền và lực lượng công an cần tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, để nhân dân thực sự an cư, lạc nghiệp.

Với quyết tâm chính trị cao, sự chung sức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, chương trình xóa nhà tạm, dột nát tại Đắk Lắk không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong nhân dân. Đây là câu chuyện về những mái nhà vững chãi, minh chứng rõ ràng cho tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.

Bài và ảnh: Nguyên Dung (TTXVN)