06:23 13/06/2018

UNHCR: Không nên chỉ trích Italy về vấn đề người di cư

Ngày 13/6, người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi cho rằng không nên chỉ trích riêng Italy trong sự việc căng thẳng gần đây khiến hàng trăm người di cư bị mắc kẹt nhiều ngày tại Địa Trung Hải, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu cần nỗ lực hơn trong việc chia sẻ trách nhiệm.

Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi (phải) đến thăm trại tị nạn lớn nhất thế giới tại Dadaab ở Đông Bắc Kenya. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, tàu Aquarius của tổ chức phi chính phủ Pháp SOS Mediterranee đã cứu 629 người, trong đó có 11 trẻ em và 7 phụ nữ mang thai, di cư trái phép tại vùng biển Trung Địa Trung Hải. Tuy nhiên, cả Malta và Italy đều từ chối mở cảng cho tàu cứu hộ này, khiến tàu Aquarius phải neo đậu ở vùng biển giữa Malta và đảo Sicily của Italy. Sau khi bị Italy và Malta từ chối cập cảng, Tây Ban Nha đã tuyên bố tiếp nhận con tàu này.

Phát biểu với báo giới tại Geneva, Thụy Sĩ, ông Grandi cho rằng việc đóng cửa các cảng biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác cứu hộ như trong trường hợp tàu Aquarius không phải là một giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng các bên cũng cần lắng nghe nguyên nhân khiến Italy phải đóng cửa các cảng biển.

Theo quan chức này của LHQ, Italy đã phải tiếp nhận lượng lớn người di cư đi qua Địa Trung Hải từ Libya đến châu Âu trong những năm gần đây. Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini đã cam kết chặn dòng người di cư đến Italy với con số ước tính đã lên tới 700.000 người kể từ năm 2013. Căn cứ quy định của EU, người di cư phải xin cấp quy chế tị nạn tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân tới.

Tuy nhiên, quy định này đã tạo áp lực đối với Italy và Hy Lạp bởi đây là những điểm cửa ngõ mà hàng trăm nghìn người di cư tìm đến đầu tiên sau khi trốn chạy khỏi nội chiến và nghèo đói tại Trung Đông, Bắc Phi và nhiều khu vực khác. Do đó, ông Grandi cho rằng Italy có quyền từ chối việc tiếp nhận toàn bộ những người di cư đến nước này.

Năm 2015, EU đã thông qua hệ thống hạn ngạch phân bổ người di cư tạm thời nhằm thể hiện sự đoàn kết với Hy Lạp và Italy vào thời điểm khủng hoảng người di cư. Theo kế hoạch này, 160.000 người tị nạn sẽ được phẩn bổ ra các nước thành viên khác trong khối, song hiện mới chỉ có 30.000 người được chuyển đến nơi khác.

Ông Grandi nhận định chương trình này là sự thất bại đối với Hy Lạp và Italy, và tình hình này sẽ không được giải quyết nếu như EU không tìm cách chia sẻ gánh nặng. Người đứng đầu Cơ quan tị nạn LHQ khẳng định điều quan trọng là cần phải làm rõ nước nào chịu trách nhiệm cho phép người di cư vào bờ trong trường hợp cần triển khai cứu hộ quy mô lớn, nếu không những trường hợp tương tự như vụ tàu Aquarius sẽ còn tái diễn.

TTXVN/Báo Tin tức