03:09 08/03/2012

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Ba trọng tâm chiến lược

“Xây dựng thể chế - huy động các nguồn lực tài chính và nâng cao nhận thức cộng đồng để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)” là những trọng tâm mà Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ưu tiên.

“Xây dựng thể chế - huy động các nguồn lực tài chính và nâng cao nhận thức cộng đồng để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)” là những trọng tâm mà Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ưu tiên. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nêu quan điểm của Bộ, cũng là định hướng nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia ứng phó với BĐKH trước câu hỏi mà các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nêu trong sự kiện Bộ TN&MT công bố Chiến lược quốc gia về ứng phó với BĐKH và kịch bản nước biển dâng tại Việt Nam, tổ chức ngày 7/3, tại Hà Nội.

Kịch bản nước biển dâng tại Việt Nam

Theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, ngày 5/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về ứng phó với BĐKH. Theo đó, 6 quan điểm trong chiến lược khẳng định: Chính phủ và người dân Việt Nam nhận thức đúng đắn về nguy cơ BĐKH đối với Việt Nam. Chiến lược ứng phó với BĐKH là nền tảng cho các chiến lược phát triển kinh tế xã hội khác. Có nghĩa rằng, các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của các ngành, lĩnh vực phải được lồng ghép trong Chiến lược ứng phó với BĐKH.

Quang cảnh lễ công bố. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN


“Ứng phó với BĐKH, Việt Nam coi phát huy nội lực là chính, bên cạnh đó, tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế. Và ứng phó với BĐKH của Việt Nam phải gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế cácbon thấp, tận dụng các cơ hội để đổi mới tư duy phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức mạnh quốc gia”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Vẫn theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, từ các mục tiêu cụ thể, Chiến lược xác định 3 nhóm nhiệm vụ: Nhóm thứ nhất tập trung triển khai các công việc có tính cấp bách để phòng ngừa và giảm nhẹ BĐKH như chương trình nâng cấp và cải tạo hệ thống đê biển, đê sông phù hợp với điều kiện BĐKH và nước biển dâng, chương trình đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng về quản lý tài nguyên nước và thích ứng với BĐKH; Chương trình ứng phó với BĐKH cho các đô thị lớn của Việt Nam; chương trình phát triển kinh tế xã hội các đảo dân sinh, ứng phó hiệu quả với BĐKH và nước biển dâng… Nhóm nhiệm vụ thứ hai là hoàn thiện cơ chế chính sách, tập dụng các cơ hội, hướng đến mô hình tăng trưởng sạch, thân thiện môi trường. Nhóm nhiệm vụ thứ ba là chuyển giao, áp dụng KHCN…

Cơ hội tiếp cận vốn hỗ trợ

Ủng hộ chiến lược hành động của Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH, bà Victoria KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định, cam kết của WB là sẽ tham gia tích cực và tăng cường hỗ trợ cho chương trình ứng phó với BĐKH của Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ việc tăng cường nhận thức cộng đồng, nâng cao năng lực bộ máy ứng phó với BĐKH.

Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Setsuko Yamazaki đánh giá cao định hướng mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Đó là dựa trên năng suất cao và bảo vệ môi trường. Bà cho rằng, Việt Nam cần theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh, chú trọng nhiều vào chất lượng tăng trưởng. Và tăng trưởng xanh chỉ đạt được khi Chính phủ phối hợp được với khối tư nhân thông qua các chính sách điều tiết thị trường, thu hút các đối tượng đầu tư từ các đối tác nước ngoài đến doanh nghiệp tư nhân.

Khuyến nghị với Việt Nam, bà Setsuko Yamazaki cho rằng, Việt Nam cần tích cực tham gia vào thiết chế và vận hành các chiến lược xanh. Cụ thể là các bộ, ngành của Việt Nam cần xây dựng các chiến lược hành động cụ thể để tiếp cận các quỹ hỗ trợ, quỹ phát triển toàn cầu và cùng với đó là phải sử dụng một cách hiệu quả. “UNDP sẽ là đối tác trong chương trình, cùng Chính phủ Việt Nam giải quyết hiệu quả vấn đề BĐKH ở Việt Nam”.

Ông Motoroni Tsuno, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, các đối tác, các nhà tài trợ cho Việt Nam rất coi trọng và muốn được tham gia thường xuyên trong các đối thoại chính sách. Điều này là do các nhà tài trợ muốn vốn được sử dụng hiệu quả.

Đồng quan điểm với JICA, đại diện WB cho biết, vốn để hỗ trợ cho Việt Nam ứng phó với BĐKH không thiếu. Hiện trên thế giới đang có khoảng 9 quỹ mà Việt Nam có thể tiếp cận như quỹ thích ứng với BĐKH, quỹ môi trường toàn cầu, quỹ phục hồi, giảm thiểu thiên tai, quỹ ứng phó với rủi ro, quỹ công nghệ sạch, quỹ năng lượng mặt trời, quỹ cácbon…

“Chính phủ, các bộ, ngành cần phải minh bạch và cập nhật thông tin về lĩnh vực này thường xuyên với mức độ hàng tuần, hàng tháng. Từ việc BĐKH đang tác động như thế nào, vốn hỗ trợ ra sao, sử dụng như thế nào đến việc phân bổ vốn cho ai, mục đích gì…”, đại diện WB nói.

Xuân Hương