03:22 24/03/2015

Ứng phó linh hoạt trước biến động tỷ giá

Thời gian qua, tỷ giá VND/USD liên tục tăng khiến cả doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu gặp khó.

Thời gian qua, tỷ giá VND/USD liên tục tăng khiến cả doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu gặp khó.

Tỷ giá USD tiến sát mức trần

Ngày 24/3, giá USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) lại tăng mạnh và có nguy cơ chạm trần mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định là 21.673 đồng/USD. Cụ thể: Tỷ giá tại Ngân hàng Vietcombank mua vào- bán ra ở mức 21.515- 21.575 VND/USD, tăng 25 đồng so với hôm 23/3. Tăng 35 đồng mua vào và 50 đồng bán ra, tỷ giá Agribank giao dịch ở mức 21.480- 21.570 VND/USD. 

Diễn biến trên cho thấy, giá đồng bạc xanh đang tiến sát mức trần 21.673 đồng từ biên độ +/-1% theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Ngoài ra, với mức giá trên, tỷ giá của các NHTM cũng đang gần hơn với khung giá can thiệp của Sở Giao dịch NHNN 21.350 - 21.600 đồng (thấp hơn 21.350 đồng sẽ mua vào và cao hơn 21.600 đồng sẽ bán ra). Trong những đợt biến động mạnh về tỷ giá trước đây, NHNN thường phát đi thông điệp nhằm định hướng thị trường. Tuy nhiên, kể từ khi có đợt biến động mạnh của tỷ giá đến nay đã gần 2 tuần, NHNN vẫn chưa chính thức “lên tiếng” về vấn đề này.

Ngược với diễn biến trong ngân hàng, USD ngoài thị trường tự do có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Theo đó, mỗi USD được các điểm thu đổi tại Phố Hà Trung (Hà Nội) mua bán ở mức 21.620-21.650 đồng, giảm 30 đồng so với cuối ngày 23/3 và chỉ cao hơn trong ngân hàng tầm 70 đồng. Ở TP Hồ Chí Minh, giá mua bán cao hơn 20 đồng, quanh 21.640- 21.670 đồng.

USD tăng giá trong những tháng đầu năm, nhất là đã qua thời điểm NHNN điều chỉnh tăng biên độ thêm 1% (ngày 7/1) đang khiến các doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng.

Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, một số doanh nghiệp nhập khẩu máy tính, điện tử và điện thoại di động cho biết, họ đã ký nhiều hợ đồng với cam kết trả bằng USD. Trong bối cảnh giá USD “leo thang” như hiện nay thì chi phí đội lên không nhỏ. Ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty Nội thất Sông Hồng cho biết, tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp phải chi trả thêm cho đơn hàng gỗ nguyên liệu nhập khẩu đã đặt trước. Trong khi đó, xăng và điện cũng vừa mới tăng, khiến doanh nghiệp thêm khó khăn.

“Dự trữ ngoại hối hiện tương đối dồi dào, Ngân hàng không ngừng mua ngoại tệ và cung ứng đầy đủ cho nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp. Bởi thế sự tăng giá của đồng USD gần đây có nguyên nhân đến từ tâm lý khi đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế. Năm nay, Chính phủ và NHNN đã khẳng định không tăng tỷ giá quá 2%, nên doanh nghiệp có thể dựa vào đó tính toán các thương vụ, hợp đồng mua bán của mình”.

TS Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia


Lãnh đạo Công ty cổ phần Vinacam (chuyên xuất nhập khẩu phân bón hóa học và kinh doanh nông sản) cho biết: Với mức tăng của tỷ giá trong mấy ngày qua, chi phí đội lên đối với mỗi tấn hàng là khoảng 1,5 triệu đồng. Với mỗi đơn hàng hàng chục, hàng trăm tấn thì chi phí đội lên mà doanh nghiệp phải chịu không hề nhỏ.

Biến động tỷ giá không chỉ tác động tới doanh nghiệp nhập khẩu mà còn tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nhưng lại nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. do sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, mỗi tháng doanh nghiệp Tôn Đông Á trả cho đối tác bình quân 10 triệu USD. Sắp đến hạn thanh toán, tỉ giá lại tăng cao khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ tăng chi phí thêm gần 400 triệu đồng.

Cần có phương án dự phòng


Trước vấn đề này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.Hồ Chí Minh Agtek cho rằng: Nếu vấn đề tỷ giá trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới, ngoài việc chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ với nhà đặt hàng nhằm giữ được đơn hàng, doanh nghiệp càng phải tính toán và siết chặt chi phí sản xuất để có giá thành ở mức tốt nhất mới mong cạnh tranh nổi với các quốc gia có cùng năng lực xuất khẩu như Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần linh hoạt điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu nếu không muốn bị lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào đó.

Trả lời phóng viên báo Tin Tức chiều 24/3, chuyên gia ngân hàng- TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Tỷ giá đang được NHNN neo cứng như hiện nay đã gây bất lợi cho xuất khẩu, giảm khả năng cạnh tranh hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. “Nếu NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá thì có lợi cho xuất khẩu nhưng bất lợi cho nhập khẩu. Hiện tại, NHNN chưa nên điều chỉnh tăng tỷ giá vì Việt Nam vẫn đang nhập siêu lớn. Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, lạm phát nguy cơ tăng, người dân phải trả giá hàng hóa cao hơn trước. Trong khi kinh tế Việt Nam chưa thực sự ổn định bền vững. Nếu điều chỉnh tỷ giá thì giá trị đồng VND sẽ giảm, các nhà đầu tư sẽ ngần ngại vào Việt Nam”, TS Hiếu nói.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, với nguồn lực USD hiện nay tương đối lớn cùng với sự lên giá đồng USD, khả năng tài khoản vốn tăng lên. Do đó, NHNN có thể giữ được biên độ tỷ giá như cam kết nhưng đây là nhiệm vụ khó khăn của cơ quan điều hành. NHNN nên có phương án để linh hoạt trong cam kết.


Minh Phương - CTV