03:22 28/03/2012

Ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long : Nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang là thách thức lớn đối với ĐBSCL. Dự báo, trong 60 năm tới, BĐKH sẽ làm môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội ĐBSCL thay đổi lớn. Nước biển sẽ dâng cao trên dưới 1m, làm ngập lụt phần lớn ĐBSCL, dẫn đến mất nhiều đất nông nghiệp...

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang là thách thức lớn đối với ĐBSCL. Dự báo, trong 60 năm tới, BĐKH sẽ làm môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội ĐBSCL thay đổi lớn. Nước biển sẽ dâng cao trên dưới 1m, làm ngập lụt phần lớn ĐBSCL, dẫn đến mất nhiều đất nông nghiệp, đời sống của người dân bị ảnh hưởng. Trong những năm qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp giúp cho khu vực ĐBSCL chủ động ứng phó với ảnh hưởng của BĐKH. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để chủ động hơn trong việc ứng phó, các địa phương bị ảnh hưởng cũng phải tích cực đưa ra các giải pháp hữu hiệu để áp dụng.

Nguy cơ trước mắt

ĐBSCL đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Số liệu của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết, với 40.000 km2 diện tích cùng với 17 triệu người, ĐBSCL đóng gần 30% GDP của cả nước. Đóng góp nổi bật nhất là xuất khẩu gạo (chiếm 60%), trái cây chiếm 70% cả nước và số lượng lớn các loại thủy, hải sản. Tuy nhiên, ĐBSCL lại được dự báo là một trong ba khu vực bị thiệt hại lớn nhất thế giới do BĐKH. Thực tế, BĐKH đã, đang gây ra những ảnh hưởng và đe dọa trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại khu vực này.

Nước biển đang xâm thực ngày một sâu vào đất liền tại khu vực phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng cao 1m thì 38% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập dưới mực nước biển, khoảng 8,5 triệu người sẽ mất nhà cửa và 70% diện tích trồng lúa sẽ bị nhiễm mặn. BĐKH cùng với các thách thức hiện tại và tương lai sẽ tạo thành những tác động gây ảnh hưởng tiêu cực đến con người, đa dạng sinh học và tài nguyên nước nơi đây. Nguy cơ này sẽ tạo thành một chuỗi tác động liên tục, như: Thiếu nước dẫn đến giảm năng suất nông nghiệp, làm thiếu hụt lương thực, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói.

Cũng theo dự báo, nếu nước biển dâng cao trên dưới 1m sẽ làm cho lưu lượng nước sông Mê Công giảm từ 2 – 24% trong mùa khô, tăng từ 7- 15% vào mùa lũ. Hạn hán sẽ xuất hiện nhiều hơn, nước lũ sẽ cao hơn và thời gian ngập lũ cũng kéo dài hơn hiện nay. Việc tiêu thoát nước mùa mưa lũ cũng khó khăn. Suy giảm tài nguyên nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nghề cá, giao thông, cấp nước sinh hoạt, tăng nguy cơ cháy rừng… Diện tích rừng ngập mặn và một số vùng đất ngập nước sẽ bị giảm. Cơ sở hạ tầng, nhất là ở ven biển bị uy hiếp nghiêm trọng. Nước biển dâng cao sẽ làm thay đổi môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển, các mô hình nuôi thủy sản có nguy cơ bị phá sản. Quá trình xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ sâu hơn, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và nước ngọt sẽ khan hiếm. Bờ biển, bờ sông sẽ bị xâm thực mạnh hơn. Nếu không có giống mới chịu mặn, nền nông nghiệp sẽ suy thoái, trước hết là cây lúa. Năng suất cây trồng, vật nuôi, sản lượng sản phẩm nông nghiệp sẽ giảm sút. Hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng lớn, gây xáo trộn tới đời sống người dân.

Theo thống kê của Viện quy hoạch ĐBSCL, hiện ĐBSCL có 243,6 km đê biển chưa đáp ứng yêu cầu thiết kế; 268 mặt đê chưa được cứng hoá, đa số tuyến đê chưa được khép kín. Hầu hết các cống bị hư hỏng, có nơi hỏng trầm trọng. Riêng từ Cà Mau đến Kiên Giang có 260 km mặt đê chưa được cứng hoá, 162 đê chưa có cống, 10km bờ biển không có rừng phòng hộ.

Trước mắt, hiện tượng khí hậu thời tiết, thiên tai đã gây ra những ảnh hưởng trực tiếp tới ĐBSCL như: Trong thời gian qua lũ thấp thì triều cường lại dâng cao khiến nhiều cụm dân cư, đô thị ngập sâu hơn trong nước. Cùng với đó là việc nước mặn xâm nhập ngày càng lấn sâu vào đất liền, độ mặn tăng cao và thời gian ngập mặn kéo dài. Cũng theo số liệu của Viện quy hoạch ĐBSCL, từ giữa đến cuối tháng 3/2012, nước mặn có độ mặn 0,1% xâm nhập sâu 70 km tại các tỉnh ĐBSCL. Điều này làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh ven biển.

Chủ động ứng phó

Trước những nguy cơ đã được cảnh báo, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành và các địa phương tích cực triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả, tập trung vào một số lĩnh vực lớn phục vụ phát triển kinh tế và ổn định đời sống xã hội.

Nông dân huyện Phước Long (Bạc Liêu) bơm nước chống hạn.
Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN


Về giống trồng trọt, Viện lúa ĐBSCL – đơn vị được giao tìm ra các giống lúa có khả năng chịu được khô hạn, úng ngập cho biết, họ đã tìm được một số giống lúa phù hợp với yêu cầu. Theo đó, các nhà khoa học của Viện lúa ĐBSCL đã xác định được 31 giống lúa có khả năng chống chịu khô hạn và 14 giống lúa mẹ có khả năng kháng mặn tốt. Qua kết quả đánh giá, các giống lúa thích nghi với BĐKH tiêu biểu như: OM8923, OM6162, OM4218, OM6377, OM5629, OM6677, OM5464, OM6976,… Các giống OM5464, OM 5166, OM 5629, OM 6677 có khả năng chịu được độ mặn 3 - 4 phần ngàn. Riêng giống lúa IR 64 Subon 1 đang được thí nghiệm cho thấy có khả năng thích ứng với độ mặn 5 - 6 phần ngàn ngập úng trong khoảng 21 ngày.

Một số dòng lúa chịu mặn mới như: OM7347, OM9915, OM9921 và OM9916 có tính chịu mặn khá tốt, gạo có mùi thơm đậm, cơm ngon, đang được khảo nghiệm và nhân rộng tại một số trung tâm giống các tỉnh như: Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre và Trà Vinh.

TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: “Ngoài thành công tạo ra giống lúa chịu khô hạn, mặn, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu thử nghiệm giống lúa chịu úng ngập, có khả năng chống đỡ lụt lội”.

Để ngăn mặn, các Bộ, ngành chuyên môn cũng như các tỉnh ven biển đang nghiên cứu và xây dựng đê quốc gia từ tỉnh Quảng Ngãi đến tận Hà Tiên (Kiên Giang) để ứng phó với sự BĐKH và nước biển dâng cao. Chương trình đê biển quốc gia là cần thiết nhưng các địa phương có tuyến đê đi qua đã nhanh chóng huy động nhân dân trồng lại rừng ven biển, rừng phòng hộ.

Tại cửa Trần Đề huyện Long Phú chạy dài xuống huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và cửa Nhà Mát thị xã Bạc Liêu chạy dài xuống Gành Hào, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu)… vách rừng trồng theo chương trình của tỉnh và chương trình nước ngoài tài trợ chưa đầy 10 năm nay đã tạo thành một thảm rừng phòng hộ rất đẹp và phát huy tác dụng rất lớn cho vùng đệm bảo vệ tuyến đê ven biển vững chắc hơn. Bên trong đê, nhân dân nuôi trồng và phát triển kinh tế ven biển rất trù phú…
Các khu rừng đước ngập mặn và rừng tràm ngập úng của ĐBSCL đang được các địa phương xây dựng vùng rừng đệm dày hơn, nhất là các khu rừng quốc gia, các khu sinh quyển ngập mặn Mũi Cà Mau, Phú Quốc - Kiên Giang, rừng tràm ngập úng U Minh hạ, U Minh thượng… để tạo vành đai rừng ven biển, rừng phòng hộ và rừng nguyên sinh ngăn sóng gió và ứng phó với BĐKH, xâm nhập vào sâu đất liền và nước biển dâng cao cũng như điều hòa khí hậu trong vùng.

Ngoài ra, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam lựa chọn để đề xuất với Ban Chỉ đạo Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện BĐKH – mực nước biển dâng. Trong phương án này, dọc bờ trái sông Tiền từ Hồng Ngự đến Cao Lãnh và dọc bờ phải sông Hậu, từ Châu Đốc đến Long Xuyên, dự kiến sẽ có các cống tại đầu các kênh trục. Tại các cửa của bảy sông lớn trổ ra biển Đông và tại các cửa sông Cái Lớn, sông Cái Bé trổ ra Vịnh Thái Lan, một hệ thống cống lớn cũng sẽ được xây dựng.

Trước mắt, các tỉnh ĐBSCL cần lập bản đồ địa hình chi tiết về các vùng ven biển, trũng; phân định các tiểu vùng theo phương án nước biển dâng và phân vùng thủy văn - thủy lực từng tiểu vùng nhằm phục vụ cho việc ứng phó trên từng tiểu vùng; dự báo các công trình hạ tầng bị đe dọa, qua đó hợp lý hóa hệ thống giao thông gắn với xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Các địa phương cũng nghiên cứu, nhân rộng các giống cây, con chịu mặn, thân cao; quy hoạch lại và nâng cao hệ thống đê biển, đê sông, trước hết tại các tuyến đê xung yếu như Gành Hào - Đầm Dơi (Cà Mau, Bạc Liêu), Phong Nẫm - Kế Sách (Sóc Trăng), Gò Công Đông (Tiền Giang), Giồng Bàng (Trà Vinh); kiên cố hóa hệ thống đê bao chống lũ, các cống, đập khác.

Nước sạch cũng là một vấn đề quan trọng được quan tâm trong viện ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn. Hiện nay, nhiều công trình nước sạch đã được tiến hành xây dựng tại các tỉnh. Cụ thể, tỉnh Hậu Giang đã đưa trạm bơm nước ngọt Tám Ngàn, xã Vị Bình (huyện Vị Thủy) vào hoạt động đảm bảo việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Vị Thanh và các địa bàn lân cận. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang còn đề xuất dự án xây dựng hồ sinh thái nước ngọt, diện tích khoảng 100ha ở huyện Vị Thủy để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân thành phố Vị Thanh, cũng như các địa bàn lân cận khi hạn mặn lớn xảy ra vào mùa khô hạn.

Để làm tốt công việc trên, ông Phạm Đính Đôn, Chi Cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ cho rằng, các tỉnh ĐBSCL cần nâng cao năng lực nhà nước về bảo vệ môi trường vì vấn đề vệ sinh môi trường, nước sạch ở khu vực ĐBSCL đang ngày càng trở nên bức xúc. Hằng năm, một lượng rất lớn nước, rác thải sinh hoạt thải ra môi trường mà hầu hết chưa được xử lý triệt để.

Ngoài ra, việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về tác động của BĐKH cũng là một công việc quan trọng không kém. Theo GS TSKH Nguyễn Ngọc Trân: “Một người không có nhận thức đúng về vấn đề BĐKH thì khó có thể có thái độ đúng và càng khó có hành vi đúng trong việc ứng phó với BĐKH. Vì vậy, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt đối với cộng đồng dễ bị tổn thương nên được quan tâm nhiều hơn. Đồng thời, nhận thức phải đi liền với hành động, chính quyền, đoàn thể địa phương cần chỉ ra cho người dân thực hiện từ những thói quen, những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày để thích ứng và ứng phó với BĐKH.

Thành Hiển