Nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 (tên Quốc tế là WIPHA), tỉnh Hưng Yên đang khẩn trương thực hiện các công việc ứng phó với cơn bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của bão đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngư dân neo đậu tàu thuyền để tránh, trú bão tại cảng cá Tân Sơn (xã Thái Thụy, tỉnh Hưng Yên). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Xã Thái Thụy (gồm Thị trấn Diêm Điền, xã Thụy Hải, Thụy Trình, Thụy Bình, Thụy Liên, huyện Thái Thụy, Thái Bình cũ) có tuyến đê dài 14,3 km với 11 cống dưới đê, 2 khu neo đậu cho tàu thuyền công suất từ 60 đến 300 CV. Đây là một trong những địa phương trọng điểm của tỉnh trong công tác phòng, chống bão.
Ghi nhận chiều 20/7 địa phương này đang tích cực các phương án ứng phó với cơn bão số 3. Bí thư Đảng ủy xã Thái Thụy Nguyễn Quang Anh cho biết, trên địa bàn xã có 170 phương tiện với 778 lao động làm ăn trên biển. Xã có hơn 300 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Hiện đã có 140 phương tiện vào nơi neo đậu an toàn. Qua rà soát, xã có 30 hộ dân với 72 người dân sinh sống ngoài đê chính và 95 hộ, 184 người dân sống trong đê chính tại những nhà yếu cần sơ tán, di dời khi có tình huống thiên tai. Để chủ động ứng phó với bão, xã tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú án toàn, đồng thời huy động lực lượng sẵn sàng ứng cứu gồm 3 trung đội dân quân tự vệ, 21 tổ an ninh trật tự cơ sở, gần 30 cán bộ, chiến sỹ công an cùng các lực lượng xung kích tại các thôn, tổ dân phố.
Ngư dân Tạ Duy Hiếu (xã Thái Thụy) chia sẻ, anh được cán bộ biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền thông báo về diễn biến, đường đi của cơn bão. Do đó, ngay từ sáng 20/7, anh cùng các thuyền viên sớm neo đậu 2 con tàu vào Cảng cá Tân Sơn an toàn và thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, không ra khơi từ 18 giờ chiều 20/7.
Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Tân Sơn (xã Thái Thụy, Hưng Yên) để tránh trú bão. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Cũng như anh Hiếu, ngư dân Nguyễn Hùng Sơn cũng đang khẩn trương chằng chống, gia cố lại dây thừng neo thuyền an toàn tại cảng cá Tân Sơn. Với kinh nghiệm nhiều năm đi biển, anh Sơn cho biết, được dự báo là cơn bão mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Hưng Yên nên sớm chủ động chằng chống tài sản, bảo vệ con tàu và đến nơi trú ẩn an toàn trước khi bão đổ bộ.
Kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại các xã ven biển vào chiều 20/7, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá cao tinh thần sẵn sàng chủ động của các sở, ban, ngành và các địa phương trong bối cảnh bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào hoạt động với nhiều công việc cần phải làm ngay. Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước diễn biến cơn bão số 3 ngay cả trước, trong và sau cơn bão theo phương châm "4 tại chỗ" với mục tiêu bảo đảm an toàn và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của cơn bão đến tính mạng, tài sản của người dân và doanh nghiệp. Các ngành, địa phương tạm dừng những việc không cần thiết, tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho phòng, chống bão số 3; tạm dừng thi công các dự án, công trình bảo đảm an toàn tuyệt đối cho dự án đang triển khai. Tỉnh sẽ xem xét xử lý nghiêm nhất là vai trò người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu lơ là trong phòng, chống bão.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên yêu cầu khẩn trương rà soát, cập nhật thống kê phương tiện, tàu thuyền trên sông, trên biển; các cơ sở kinh doanh lưu trú; giữ liên lạc thường xuyên với chủ phương tiện tàu thuyền và có biện pháp bảo vệ tài sản, lồng bè trên sông, trên biển…. Các địa phương hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa, cắt tỉa cây cối; chủ động sơ tán người dân tại các nhà yếu đến nơi an toàn; tuyệt đối không để người dân ở vùng nguy hiểm khi bão đổ bộ; không để người dân thiếu thốn lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa làm việc với một số cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác phòng, chống số 3. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên chỉ đạo các công ty thủy lợi huy động tối đa phương tiện, nhân lực tiêu kiệt nước trong hệ thống, sẵn sàng tiêu úng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, tính đến 15 giờ ngày 20/7 trên địa bàn có tổng số 1.132 tàu, thuyền với 3.241 lao động; trong đó, 55 phương tiện với 168 lao động đang hoạt động ven biển Hưng Yên; 1 phương tiện với 4 lao động đang hoạt động trên vùng biển Cà Mau; 1.048 phương tiện, 2.876 lao động đang neo đậu tại các bến trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra có 4 phương tiện tỉnh ngoài với 25 lao động đang neo đậu tại các bến tỉnh Hưng Yên. Tất cả các phương tiện đều đã liên lạc được và trong vùng an toàn.
Ông Nguyễn Đức Kiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên thông tin, toàn tỉnh có khoảng 1.179 chòi canh với 1.254 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.128 đầm với 1.617 lao động nuôi trồng thuỷ, hải sản ven biển ở các xã ven biển. Về trồng trọt, đến nay nông dân địa phương đã gieo cấy được trên 94.000 ha/97.500 ha, đạt 97% kế hoạch; trồng trên 8.450 ha rau màu Hè - Thu các loại; khoảng 5.800 ha diện tích nhãn đang trong giai đoạn phát triển quả.
Để đảm bảo tiêu úng, các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã chủ động mở các cống dưới dê, vận hành công trình thủy lợi hạ thấp mực nước trong hệ thống đề phòng mưa lớn gây ngập lụt, úng cho lúa và hoa màu, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa kiểm tra công tác phòng, chống số 3 tại cảng cá Tân Sơn (xã Thái Thụy, tỉnh Hưng Yên). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Qua rà soát, tỉnh Hưng Yên có 63 trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê; các trọng điểm đã có phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra. Tỉnh cũng đã thực hiện lệnh cấm biển từ 18 giờ ngày 20/7.
Ghi nhận chiều 20/7, tại địa bàn một số nông dân trong tỉnh cũng tranh thủ từng giờ ra đồng thu hoạch nông sản với phương châm "xanh nhà hơn già đồng" nhằm hạn chế thiệt hại do bão.