Chủ động và tích cực trong phòng chống bão số 3 (bão WIPHA), người dân và các địa phương tại Hải Phòng đang tích cực các biện pháp ứng phó, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng thị sát công tác phòng, chống bão số 3. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN
Các hộ nuôi cá lồng ở xã An Phú, Hải Phòng đang tăng cường biện pháp gia cố, chằng chéo lồng bè, kiểm tra phao nổi, khung sắt và sẵn sàng phương án di dời lồng nuôi đến vị trí ít ảnh hưởng bởi gió lớn và dòng chảy mạnh để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Chiều 20/7, anh Đàm Lộ, 1 trong 6 hộ thôn An Đông, xã An Phú khẩn trương đôn đốc nhân công gia cố lồng bè trên sông Kinh Thầy, cho biết, cơn bão hồi tháng 9/2024, mặc dù hệ thống lồng cá không trôi nhưng lượng cá chết ngạt tương đối nhiều nên những ngày qua khi nghe dự báo về cơn bão số 3 có cường độ mạnh nên các hộ dân đã sớm tập trung ứng phó.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn có tổng 30 lồng cá. Hiện nay các lồng đang nuôi nhiều loại như: cá lăng, cá ngạnh, cá chép giòn. Các loại cá đang trong giai đoạn phát triển và dự kiến khoảng 3 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Theo ông Tuấn, chi phí đầu tư hệ thống lồng bè này rất lớn, tốn khoảng 40 - 50 triệu đồng. Tổng giá trị tương đương mỗi lồng cá hiện nay khoảng 500 triệu đồng.
"Mấy ngày nay tôi liên tục theo dõi dự báo thời tiết. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung nhân lực chằng chống, gia cố hệ thống phao nổi và lồng bè. Phủ lưới mặt nước để phòng khi mưa bão trường hợp cá quẫy vọt ra ngoài sông thất thoát. Gia đình đã lắp đặt hệ thống camera giám sát lồng cá. Trong những ngày qua, chúng tôi luôn túc trực tại lồng bè nhưng những ngày bão sẽ không để người trông coi nên chỉ theo dõi tình hình qua camera để nếu có tình huống đột xuất sẽ tìm phương án và báo cáo các cấp, các ngành xử lý", ông Tuấn chia sẻ.
Lãnh đạo xã An Phú kiểm tra việc gia cố, chằng chéo lồng bè và sẵn sàng phương án di dời lồng nuôi đến vị trí ít ảnh hưởng bởi gió lớn, dòng chảy mạnh của các hộ dân nuôi cá lồng trên địa bàn. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Xã An Phú là một trong những địa phương có nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông. Đây cũng là địa phương có hơn 10 km đê. Cùng với kiểm tra thực tế tại các hộ nuôi cá lồng và các lồng bè, đoàn công tác gồm Bí thư, Chủ tịch UBND xã và các phòng chuyên môn đã kiểm tra tình hình tuyến đê hữu sông Kinh Thầy và đê hữu sông Lai Vu đoạn qua xã An Phú, đặc biệt là các điểm xung yếu, trạm bơm, cống qua đê.
Để phòng chống ngập úng, trạm bơm Ngọc Trì đang vận hành 6 máy bơm để gạn tháo nước. Trạm bơm Ngọc Trì được đầu tư tu bổ cải tạo từ tháng 11/2024 với kinh phí 38 tỷ đồng đến nay cơ bản đã hoàn thiện với tổng công suất là 88.000 m3/h với 22 máy bơm sẵn sàng vận hành tiêu úng trong trường hợp mưa lớn. Cống Ngọc Trì, trọng điểm xuống cấp từ nhiều năm trước cũng đã được đầu tư cải tạo và hoàn thành cuối năm 2024.
Đánh giá cao sự chủ động và tích cực của người dân trong phòng chống bão số 3, lãnh đạo xã An Phú cũng lưu ý người dân tuyệt đối không ở lại trên lồng bè khi thời tiết chuyển biến xấu; đề nghị các lực lượng trực vận hành trạm bơm và lực lượng ứng trực đê chủ động để sẵn sàng khi bão đổ bộ.
Ứng phó với bão số 3, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hải Phòng đã có công văn đề nghị UBND các xã, phường, đặc khu và các cơ quan có liên quan tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân; chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, kết cấu công trình thủy lợi, đê điều...; quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đối với từng lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp…
Lãnh đạo xã An Phú kiểm tra việc bơm tháo nước gạn ở trạm bơm Ngọc Trì, đê hữu sông Lai Vu. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố, Hải Phòng có 21.695,2 ha nuôi thủy sản với khoảng 9.900 ô lồng nuôi trồng thủy sản và 7 giàn bè nuôi nhuyễn thể trên biển (Cát Bà). Nuôi lồng bè trên biển là trên 1.700 ô lồng (Cát Bà), nuôi lồng bè trên sông trên 8.150 ô lồng.
Đến 15 giờ ngày 20/7, lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 1.657 phương tiện với 4.668 lao động, 157 lồng bè với 289 lao động, 3 chòi canh với 6 lao động đang hoạt động và neo đậu biết diễn biến bão để chủ động phòng tránh.
Hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố có 75 trọng điểm đê, kè, cống xung yếu. Các trọng điểm trên đã được các xã, phường, đặc khu khẩn trương xây dựng và phê duyệt phương án bảo vệ trọng điểm theo phương châm "4 tại chỗ".
Các Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố đã tháo, hạ thấp nước đệm, chuẩn bị máy móc, thiết bị, lực lượng thường trực để vận hành theo yêu cầu.
Đến ngày 20/7/2025, toàn thành phố đã gieo cấy 60.000 ha lúa mùa, đạt khoảng 74% kế hoạch; đã trồng 12.050 ha rau màu, đạt 78% kế hoạch; có 28.730 ha diện tích cây ăn quả như nhãn, chuối, ổi, bưởi, thanh long…