09:08 10/09/2019

Ứng dụng công nghệ xâm nhập vào đời sống, đáp ứng xu hướng tiêu dùng

Chỉ cần kết nối internet và điện thoại thông minh, người dùng chỉ mất vài giây hay vài phút là có ngay mọi thứ. Theo đó, “ăn” công nghệ, “ngủ” công nghệ , “chơi” công nghệ hay “làm” công nghệ đang trở thành xu hướng tất yếu hiện nay, không thể thiếu của mọi người.

Khi công nghệ xâm nhập vào đời sống

Theo các chuyên gia công nghệ, khi nhu cầu cuộc sống của mọi người ngày càng phụ thuộc vào internet và smartphone, nhiều ứng dụng công nghệ sẽ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống số.

Chú thích ảnh
Ứng dụng Thế giới thợ không chỉ giải quyết nhu cầu sửa chữa nhà cửa hay đời sống hàng ngày mà còn giải quyết vấn đề lao động đang thất nghiệp hoặc làm việc không đúng chuyên môn hiện nay.

Điển hình như RedDoors, chuỗi đặt phòng khách sạn 2 – 3 sao, đang ngày phát triển và tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với hơn 600 khách sạn tại 4 quốc gia: Indonesia, Philippines, Singapore và Việt Nam. Theo Matt Tran, đại diện quản lý bán hàng RedDoors tại Việt Nam, tuy đơn vị mới có mặt tại Việt Nam từ tháng 10/2018, nhưng đến nay đã hợp tác được với hơn 100 khách sạn tại khu vực TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vùng Tàu và sắp tới là Đà Lạt; ngoài ra còn có hơn 70 khách sạn khác tự xây và quản lý.

So với ứng dụng Booking hay Agoda là phải thông qua đơn vị đặt phòng trung gian, mô hình hoạt động của chuỗi đặt phòng khách sạn RedDoors là tự quản lý khách sạn tự xây hoặc thuê lại các khách sạn tư nhân đang có, từ đó xây dựng theo chuẩn riêng của mình, khắc phục những nhược điểm mà nhiều khách sạn tư nhân dù có tiêu chuẩn 2 -3 sao vẫn thiếu. Chính vì được xây dựng theo quy chuẩn chung một cách đồng bộ và tiện nghi với mức giá công khai, cạnh tranh, không tăng giá đột biến trong các lễ, tết nên lượng khách đến với ứng dụng ngày càng tăng.

Để giải quyết vấn đề sửa chữa nhà cửa lặt vặt, ứng dụng Thế giới thợ ra mắt ngày 9/9 do người Việt sáng lập đã đáp ứng nhu cầu tìm thợ một cách nhanh nhất nhưng cũng phải lành nghề, hiểu việc và uy tín nhất. Đây là lần đầu tiên ứng dụng thợ ra đời có thể tạo việc làm tốt nhất cho nhiều lao động trong lĩnh vực khác nhau, như thợ điện, thợ nước, thợ điện lạnh, thợ xây và phụ hồ, giúp việc, kể cả thợ trang điểm… 

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Thế giới thợ, chia sẻ: “Trong cuộc sống bộn bề hiện nay, nhu cầu lắp đặt, sửa chữa, nâng cấp cho nơi ở, nơi làm việc hay làm đẹp tại nhà... không phải là chuyện dễ dàng. Thứ nhất là tìm thợ biết việc, thứ hai là thợ đáng tin tưởng và thứ 3 là về chi phí. Chính vì lẽ đó, ứng dụng Thế giới thợ ra đời nhằm giải quyết những bức bối trong cuộc sống hàng ngày, vì lẽ đó, ngày càng nhiều người tham gia ứng dụng này. Hiện ứng dụng đang có 20.000 thợ tham gia, chủ yếu là sửa điện, nước, xây dựng, trang điểm, giúp việc... Tham vọng đến cuối năm 2019, ứng dụng sẽ giải quyết 300.000 lao động tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận”.

Hay Logivan, chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện, ứng dụng này hiện đã có mạng lưới lên đến hơn 30.000 đối tác vận tải và hàng trăm đơn hàng đăng tải mỗi ngày. Bà Phạm Khánh Linh, CEO của Logivan, giải thích: “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong Logivan là giúp cho các xe tải chở hàng kết nối với nhau hiệu quả hơn, giá phải chăng”. Hiện tại, Logivan đang thu thập được rất nhiều dữ liệu về chuỗi cung ứng, ví dụ như xe đi từ đâu tới đâu, đi bao nhiêu chuyến mỗi tháng, cũng như khách hàng, chủ hàng nào trả tiền muộn...”.

Về phía chủ xe, công ty đang thu thập dữ liệu xem xe đi lại có sẵn hay không, kỹ năng lái xe như thế nào…, thậm chí còn thu thập dữ liệu trong tương lai là tuổi thọ xe, loại lốp gì, cần loại GPS gì... Đây là những dữ liệu hữu ích giúp doanh nghiệp dự báo chính xác nhu cầu của chủ xe cũng như khách hàng.

“Quyền năng” công nghệ quyết định tương lai

Theo ông David Lang, cố vấn cao cấp của YellowBlocks, công nghệ chính là sức mạnh giúp doanh nghiệp có sự “chuyển mình” đi lên và đủ sức cạnh tranh với các đối thủ khác cùng phân khúc khi hội nhập. Đáng chú ý, sự liên kết hệ sinh thái tiêu dùng trong công nghệ số càng làm cho mối quan hệ của doanh nghiệp và người tiêu dùng thêm khắng khít, không chỉ thế, hành vi tiêu dùng cũng ngày càng thay đổi theo lợi ích của cuộc sống số hiện đại. Trong tương lai, A.I, Blockchain, Cloud và Data (viết tắt là ABCD) sẽ là quyền năng quyết định con đường chuyển đổi nền kinh tế số của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề làm sao doanh nghiệp có thể nắm bắt được nó.

Chú thích ảnh
Ứng dụng giáo dục học E-Robot Coding cũng thu hút nhiều người tìm hiểu. Đây là chương trình học cho trẻ từ 3 -12 tuổi, giúp làm quen với lập trình, tích hợp việc dạy ngôn ngữ nhằm phát triển tư duy sáng tạo, trí thông minh và kỹ năng giải quyết vấn đề. 

“Quyền năng ABCD” nói đơn giản là những dữ liệu doanh nghiệp có được, phải được lưu trữ như thế nào để có thể truy xuất mọi nơi và đủ thông minh cũng như độ tin tưởng để đưa ra bức tranh chân thực nhất về những khách hàng tương lai của họ, hoặc đem lại công suất xử lý đủ để tạo ra sự khác biệt trên thị trường. Các doanh nghiệp lớn trên thế giới đã làm rất tốt điều này, từ nhà mạng đến ngân hàng, thậm chí là cả việc chăm sóc sức khỏe. Hiện những vị bác sĩ trên thế giới đang bị các thiết bị kỹ thuật số lấn át vai trò khi chúng có thể sử dụng dữ liệu lập được bản đồ theo dõi sức khỏe trọn đời cho chủ nhân của chúng. Ước tính có 98 triệu thiết bị chăm sóc sức khỏe đeo tay sẽ được tiêu thụ vào năm 2021.

Ông David Lang nhận định, nếu doanh nghiệp Việt biết tận dụng công nghệ thì dù là những doanh nghiệp nhỏ nhưng có khả năng đe dọa những doanh nghiệp khổng lồ. Đó cũng chính là lý do trong vài năm trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp Việt khởi nghiệp ứng dụng công nghệ ra đời, điều này cũng thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành Quỹ ESP Capital, cho biết ước tính trong năm nay, sẽ có 800 triệu USD đổ vào các công ty khởi nghiệp. Trong đó, mảng bán lẻ và thanh toán chiếm đến 60% các khoản đầu tư. Những doanh nghiệp này đang tạo áp lực mạnh mẽ lên các công ty đối thủ theo mô hình truyền thống, như câu chuyện của Grab và Vinasun hay nhóm khách sạn truyền thống đang đối mặt với sự xâm lấn của các công ty ứng dụng công nghệ trong việc quản lý khách sạn như OYO, RedDoorz...

Hay những ứng dụng tài chính cũng đang đe dọa những ngân hàng truyền thống hiện nay. Đáng chú ý là ứng dụng Finhay, giúp người dùng tích lũy một phần thu nhập dù chỉ là 50.000 đồng vào sản phẩm tài chính để đạt được các mục tiêu trong tương lai. Hiện 18 trong tổng số 25 quỹ tại Việt Nam đã có mặt trên hệ thống Finhay.

Thực tế, thị trường công nghệ tài chính ở Việt Nam hiện vô cùng sôi động khi bắt nhịp được trào lưu 4.0 và sự thay đổi công nghệ toàn cầu. Tuy vậy, theo ông Keir Veskivali, sáng lập Smartly Pte, việc ứng dụng A.I trong ngành tài chính hiện nay gần như bằng không hoặc tất cả mới chỉ bắt đầu. Nguyên nhân là dữ liệu của thị trường tài chính Việt Nam chưa đủ nhiều để ứng dụng AI. Nguồn vốn và dữ liệu là hai thách thức lớn nhất cho các startup ứng dụng công nghệ A.I. “Chỉ 1% các startup trên thế giới đang sử dụng công nghệ A.I”, ông Keir Veskivali nhấn mạnh.

Khó khăn của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khi ứng dụng “quyền năng của ABCD” cũng là khó khăn của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số. Một nghiên cứu của Tổ chức Data 61 (Úc) khẳng định, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỉ USD trong 20 năm nếu chuyển đổi số thành công. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở vị trí thứ yếu trong phân chia chiếc bánh doanh thu kinh tế số. Hơn thế nữa, doanh nghiệp Việt chủ yếu ở vị trí mới nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số mà thôi.

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức