02:00 13/02/2021

Ứng dụng công nghệ khơi thông cho ‘Xuân vận’

Nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại các nhà ga, sân bay và sự vất vả của người dân di chuyển mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong một vài năm trở lại đây, Chính phủ Trung Quốc đã ứng dụng một loạt công nghệ tiên tiến, từ mua vé trực tuyến cho đến nhận diện gương mặt, robot tự động để rút ngắn thời gian người dân phải mắc kẹt tại các sân ga. 

Chú thích ảnh
Hành khách chờ tàu tại ga Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 12/1/2017 trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Tân Hoa Xã

Xuân vận nay đã khác xưa

Cụm từ “xuân vận” lần đầu tiên được sử dụng trong những năm 1980 nhằm để chỉ hành trình về quê nghỉ Tết Nguyên đán của người dân Trung Quốc. Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, vào thời điểm đó, ước tính khoảng 100 triệu lượt di chuyển đã được thực hiện trong cuộc di dân lớn nhất thế giới trước dịp Tết Nguyên đán. Tính đến nay, con số đã tăng đến 2,98 tỷ chuyến đi. 

Do phải tranh nhau một tấm vé tàu cho đến ngồi hàng giờ đồng hồ chờ trong những nhà ga chật cứng người, việc di chuyển trong “xuân vận” trở thành cơn ác mộng của nhiều người. Trước khi internet xuất hiện và phát triển, người ta phải xếp hàng qua đêm hoặc thậm chí vài đêm trước khi mở bán vé để mua vé tàu về nhà. Nhiều người cảm thấy mệt mỏi vì đường sắt là lựa chọn duy nhất. Nhà ga luôn trong tình trạng lộn xộn và đông đúc vì quy trình xử lý vé thủ công và các chuyến tàu chậm trễ do thiếu cơ sở hạ tầng. 

Giờ đây, công nghệ đã thay đổi “xuân vận”. Khi Trung Quốc tăng cường năng lực kết nối, hành khách có thể theo dõi tình trạng vé và đặt vé tàu trước bằng điện thoại di động. Bên cạnh đó, có nhiều lựa chọn đi lại hơn do cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện. Các thủ tục tại nhà ga và sân bay được thực hiện một cách có tổ chức và hiệu quả hơn nhờ sự trợ giúp của công nghệ. 

Để giảm bớt gánh nặng cho mạng lưới giao thông quốc gia và đảm bảo an ninh cho hành khách, một loạt các ứng dụng công nghệ cao như nhận dạng khuôn mặt đã được triển khai tại các nút giao thông quan trọng. Về phần người dùng, thanh toán di động và ứng dụng đặt vé trên trang web cũng dần trở nên phổ biến để tránh phải đứng nhiều giờ xếp hàng mua vé ở các nhà ga. Các ứng dụng gọi xe sử dụng định vị cũng thu hút những hành khách trong trường hợp đi chung một tuyến đường. 

Theo hãng truyền thông nhà nước China News Services, tại ga tàu Đông Hàng Châu, hành khách mất thẻ căn cước (ID) có thể được cấp bản sao tạm thời trong vòng 30 giây với sự hỗ trợ của công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Công nghệ ứng dụng trong “máy in tự phục vụ ID tạm thời” sẽ khớp khuôn mặt của hành khách với số ID của họ và in giấy tờ tùy thân mới, thay vì việc hành khách phải xếp hàng tại các quầy có nhân viên để lấy ID tạm thời hoặc đến đồn cảnh sát để lấy bản sao như trước đây. 

Bên cạnh đó, robot an ninh tích hợp công nghệ mạng di động thế hệ thứ năm (5G) sẽ giúp nhân viên tại nhà ga phát hiện những người có hành vi đáng ngờ. Robot sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích hành vi của những người trong nhà ga, sân bay. Không chỉ vậy, robot tự động tuần tra tại sân bay có thể quan sát việc đeo khẩu trang tại sân bay và đo nhiệt độ cơ thể hành khách trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt. 

Chú thích ảnh
AnBot, robot an ninh thông minh đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu công việc tại sân bay Thâm Quyến. Ảnh: IC

Công nghệ tiện lợi

Mỗi khi Tết đến, David Giang (24 tuổi) – giám đốc điều hành một công ty khởi nghiệp về giáo dục – sẽ từ Thâm Quyến về quê nhà Lang Fang (tỉnh Hà Bắc) cách đó gần 2.000 km. Không có chuyến bay thẳng từ Thâm Quyến về Lang Fang cũng như không thể ngồi yên trên xe khách 22 tiếng đồng hồ trở về nhà, phương tiện duy nhất mà Jiang có thể lựa chọn là tàu hỏa. 

Jiang bày tỏ: “Tôi sẽ kiệt sức nếu phải giam mình trong một không gian nhỏ hẹp và không thể nhúc nhích trong hơn 10 giờ đồng hồ. Để đảm bảo mua được vé tàu, tôi sử dụng ứng dụng Gaotie Guanjia. Ứng dụng này sẽ tự động theo dõi và đặt vé khi trang web đặt vé tết chính thức của Đường sắt Trung Quốc 12306.cn mở”. 

Phí dịch vụ cho ứng dụng này chỉ là 30 nhân dân tệ (110.000 đồng). Jiang đã mua được 2 vé tàu từ Thâm Quyến đến Hà Bắc vào ngày trước thời khắc giao thừa của Tết Nguyên đán 2018 nhờ ứng dụng, mặc dù trang web chính thức của Đường sắt Trung Quốc hiển thị không còn vé. 

Để giúp khách hàng nhận vé dễ dàng hơn, Đường sắt Trung Quốc cũng áp dụng thêm phương thức thanh toán linh hoạt bằng các ví điện tử như WeChat Pay hay Alipay. Tại các thành phố lớn như Thâm Quyến và Quảng Châu, hành hách không cần in vé tàu. Họ có thể vào ga trực tiếp bằng cách quét thẻ căn cước. 

Tại đảo Hải Nam - tỉnh phía Nam Trung Quốc, quy trình đón khách sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Hành khách chỉ mất 3 giây để vào nhà ga lên tàu, rút ngắn hơn rất nhiều so với quy trình thủ công trước đây. 

Chú thích ảnh
Công nghệ nhận diện khuôn mặt hành khách tại sân bay có thể giúp hành khách chỉ mất 3 giây để lên máy bay. Ảnh: Baidu

Tại sân bay Bắc Kinh, phần mềm nhận diện khuôn mặt do Baidu cung cấp đang được thử nghiệm để làm công cụ để xác minh hành khách lên máy bay. Wang Huie, một nhà phân tích của công ty tư vấn Analysys có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Dữ liệu của hành khách đã được cập nhật vào hệ thống vận tải. Hành khách đến nhà ga sân bay sẽ cảm thấy thuận tiện hơn khi chỉ quét mã QR hoặc thẻ ID, hay thậm chí được hệ thống quét mặt nhận diện chỉ trong vài giây là được lên máy bay”. 

Đối với những chuyến đi có khoảng cách ngắn hơn hay những người không thể mua vé tàu hoặc vé máy bay, dịch vụ đi chung cho những hành khách có cùng điểm đến nở rộ. Trong hai năm trở lại đây, Didi Chuxing - ứng dụng đặt xe phổ biến tại Trung Quốc – đã triển khai dịch vụ đi chung xe có tên Hitch. Trong Tết Nguyến đán năm 2018, dịch vụ Hitch của Didi đã thực hiện 33 triệu lượt đi đường dài, gấp 8 lần so với con số 4,2 triệu người trong năm 2017.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức