11:17 25/11/2021

UNESCO phát huy thành tựu để kiến thiết tương lai

Phiên họp lần thứ 41 Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Paris (Pháp) đã khép lại sau hai tuần làm việc bận rộn và hiệu quả. Đại Hội đồng UNESCO thứ 41 được đánh giá có ý nghĩa lịch sử vì lần đầu tiên có sự tham dự của 27 nguyên thủ cấp cao, cũng là kỳ họp có quy mô lớn nhất được tổ chức trực tiếp kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp công bố danh sách các nước trúng Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025.

Tại phiên họp, các thành viên đã đánh giá cao hợp tác trong khuôn khổ UNESCO. Bất chấp đại dịch, tổ chức này vẫn duy trì đà hợp tác, thể hiện khả năng thích ứng và phát huy hiệu quả vai trò đi đầu trong hợp tác đa phương về giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin truyền thông, triển khai nhiều sáng kiến kịp thời hỗ trợ các quốc gia ứng phó tác động của COVID-19. Nhiều quyết định quan trọng đã được thông qua trong khuôn khổ UNESCO 41 như Chiến lược trung hạn giai đoạn 2020 – 2029; Chương trình và ngân sách giai đoạn 2022 – 2025 quyết định định hướng hợp tác tương lai của tổ chức đến năm 2030; Nghị quyết kỷ niệm các danh nhân giai đoạn 2022 - 2023.

Tại UNESCO 41, nhiều sáng kiến toàn cầu do tổ chức này khởi xướng đã được thông qua, góp phần khẳng định vai trò của UNESCO trong hợp tác đa phương trên những lĩnh vực thuộc thẩm quyền. Đặc biệt, Đại Hội đồng đã thông qua Báo cáo về Tương lai của giáo dục toàn cầu đến năm 2050 và các khuyến nghị về khoa học mở và đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, tạo khuôn khổ pháp lý cho thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kiến thức, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0… 

Hội nghị đã bầu các vị trí chủ chốt như Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2021 - 2025, ban điều hành của Đại Hội đồng nhiệm kỳ 2021 – 2023, bổ sung thành viên Hội đồng chấp hành và 14 ủy ban, cơ quan chuyên môn. Bà Audrey Azoulay đã tái đắc cử Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ thứ hai với 155/169 phiếu ủng hộ.

Chiến lược trung hạn của UNESCO 2022 – 2029 tiếp tục hướng tới mục tiêu bao trùm là đóng góp vào hòa bình, giảm nghèo, phát triển bền vững và đối thoại liên văn hóa thông qua các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin và truyền thông; châu Phi và bình đẳng giới tiếp tục là hai ưu tiên toàn cầu, các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) và thanh niên là đối tượng ưu tiên. Trong tuyên thệ nhậm chức Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ thứ hai, bà Audrey Azoulay đã nhắc đến bốn mục tiêu chiến lược của UNESCO đến 2030. Thứ nhất là bảo đảm giáo dục công bằng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả để giảm bất bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và sáng tạo trong kỷ nguyên số, trong đó ưu tiên đổi mới sáng tạo công nghệ trong giáo dục, hỗ trợ phát triển chính sách và chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo cho giáo dục, thúc đẩy hệ thống giáo dục tự cường, đối phó với những thách thức mà đại dịch COVID-19 đặt ra, tham gia định hình tương lai giáo dục. Thứ hai là hợp tác hướng tới xã hội bền vững và bảo vệ môi trường thông qua thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và di sản thiên nhiên. Thứ ba là xây dựng xã hội hòa bình, công bằng cho tất cả, thông qua thúc đẩy tự do biểu đạt, đa dạng văn hóa, giáo dục tinh thần công dân toàn cầu và bảo vệ di sản. Cuối cùng là thúc đẩy môi trường công nghệ phục vụ nhân loại thông qua phát triển và chia sẻ kiến thức, kỹ năng, các chuẩn mực đạo đức.

Hội đồng UNESCO lần thứ 41 cũng đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng sau 45 năm Việt Nam tham gia UNESCO (1976 – 2021) khi Việt Nam là một trong 27 nước trúng cử thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu rất cao (xấp xỉ 92%, xếp thứ 6/27 quốc gia trúng cử). Đây là lần thứ năm, Việt Nam được bầu vào hội đồng uy tín nhất của tổ chức này, góp phần khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Theo ông Mai Phan Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, thuộc Bộ Ngoại giao, đồng thời là Trưởng Phái đoàn Việt Nam tham dự Đại Hội đồng UNESCO lần thứ 41, đây là kết quả của đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Ông Mai Phan Dũng cho rằng việc trở thành thành viên Hội đồng chấp hành là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện “trách nhiệm kép” trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, phát huy các ý tưởng, sáng kiến của UNESCO phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước một cách bền vững, đồng bộ và toàn diện. Đồng thời, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp thực chất vào các vấn đề quốc tế mà UNESCO đang quan tâm thúc đẩy.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, UNESCO và các nước thành viên đã thông qua nghị quyết cùng tôn vinh các Danh nhân Việt Nam, cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương vào năm 2022. Đại sứ, Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân đánh giá sự kiện này khẳng định quốc tế đánh giá cao những giá trị về văn hóa, giáo dục của Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển tự do, bình đẳng và đặc biệt là bình đẳng trong giáo dục cho tất cả mọi người mà UNESCO đang thúc đẩy.

Bà Lê Thị Hồng Vân, Chủ tịch Nhóm châu Á – Thái Bình Dương tại UNESCO, nhấn mạnh Việt Nam đã tích cực tham gia tất cả các phiên họp, thể hiện đóng góp xây dựng, có trách nhiệm, được các thành viên đánh giá cao. Việt Nam đã trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO, thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ ở tầm toàn cầu, đồng thời tranh thủ tri thức và các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế-xã hội, trực tiếp góp phần phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, phát triển giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. 

Với tinh thần năng động, tích cực, trách nhiệm, Việt Nam là một trong những nước triển khai hiệu quả nhất chương trình hợp tác của UNESCO. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới trụ sở UNESCO ở Paris trước thềm Đại Hội đồng, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác để nâng tầm quan hệ đối tác Việt Nam - UNESCO thực chất, hiệu quả hơn, phù hợp mong muốn và tiềm năng; ký Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025 định hướng lớn cho hợp tác trong 5 năm tới.

Sau 75 năm hình thành và phát triển, UNESCO đã trải qua một hành trình đầy ý nghĩa, khẳng định vai trò và vị thế của một tổ chức trong cấu trúc quản trị toàn cầu, đại diện cho lương tri và trí tuệ của nhân loại, đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.

Tin, ảnh: Nguyễn Thu Hà (Phóng viên TTXVN tại Pháp)