01:14 25/01/2015

Ukraine trên đường sụp đổ? - Kỳ cuối: Nhân tố quyết định

Chính phủ hậu Maidan của Ukraine đang phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng, trong đó có việc tái thiết toàn bộ nền kinh tế và tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột quân sự ở phía đông của nước này.

Bế tắc hiện nay trong quan hệ với Nga, cuộc xung đột tại Donbass và cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn đang biến nền kinh tế vốn rất ảm đạm của Ukraine càng thêm u ám.

Khí đốt là “chìa khóa”
 
Tương lai kinh tế của Ukraine trong vài tháng tới chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực khí đốt. Ngày 16/6/2014, Gazprom, tập đoàn khí đốt hàng đầu của Nga, đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine. Quyết định này là kết quả của những bất đồng về nợ và giá khí đốt với Kiev. Kể từ đó, khi đốt đã không chảy vào Ukraine, mặc dù cả hai bên đã quay trở lại bàn đàm phán. Kiev quyết tâm thảo luận lại thỏa thuận khí đốt được cho là không có lợi cho họ, chủ yếu nhằm giảm giá khí đốt và từ chối điều khoản "nhận mua hay thanh toán" (take-or-pay). Ngược lại, Moskva muốn duy trì sự phụ thuộc của Ukraine về vấn đề cung cấp khí đốt từ Nga, vốn là một chìa khóa để duy trì ảnh hưởng với Kiev trong vòng hai thập kỷ qua.
 
Lượng khí tự nhiên dự trữ của Ukraine (khoảng 16,7 tỷ mét khối tại thời điểm đầu tháng 10/2014), năng lực khai thác riêng của chính mình và một phần nhập khẩu từ Slovakia, Hungary và Ba Lan có thể giúp Ukraine vượt qua mùa đông này mà không cần nguồn cung khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, kịch bản này chỉ có thể thành công nếu Kiev thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng triệt để, giảm nguồn năng lượng phân phối xuống còn 20% cho các khách hàng là cá nhân và 30% cho các doanh nghiệp, cùng với đó là dựa vào nguồn cung từ phương Tây. Nhưng phương Tây khó có thể cung cấp khí đốt cho Ukraine, chủ yếu do áp lực của Nga hoặc nguồn cung thấp.
 

Khí đốt vẫn là vấn đề cực kỳ quan trọng với Ukraine trong thời gian tới.


Việc thiếu khí đốt sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp hóa học của Ukraine, một trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhất trong nền kinh tế nước này. Mặc dù các cuộc đàm phán Nga-Ukraine về vấn đề năng lượng vẫn đang tiếp diễn, cơ hội cho một sự thỏa hiệp thực sự dường như là rất nhỏ. Kiev đã đề nghị ký một thỏa thuận tạm thời trong mùa đông, nhưng Gazprom đã từ chối lời đề nghị này trừ khi Naftogaz (công ty dầu khí quốc gia của Ukraine) rút đơn kiện về khí đốt khỏi tòa án tại Stockholm và chấp nhận giá 385 USD/1.000 mét khối. Trong trường hợp Ukraine và Nga không đạt được một thỏa thuận nào vào tháng 4/2015, nhiều ngành công nghiệp của Ukraine chỉ đơn giản là sẽ phải ngừng sản xuất.
 
Cải cách lĩnh vực khí đốt sẽ là một chìa khóa để thành công trong việc khôi phục lại nền kinh tế của Ukraine. Việc giảm cường độ tiêu thụ năng lượng, sự “đại tu” của Naftogaz, tăng khả năng khai thác hydrocarbon trong nước và một cuộc chiến chống tham nhũng có hiệu quả là những điều kiện cơ bản mà nếu không có những thay đổi tích cực, nền kinh tế của nước này sẽ khó có thể trụ vững. Những kiến nghị này đã được lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua trong các báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế. Cải cách lĩnh vực khí đốt cũng là tâm điểm trong các điều kiện mà IMF đưa ra. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng thực hiện trong bối cảnh hiện nay.
 
Cải cách hay thất bại
 
Chính phủ hậu Maidan của Ukraine đang phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng, trong đó có việc tái thiết toàn bộ nền kinh tế và tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột quân sự ở phía đông của nước này. Tuy nhiên, có một đòi hỏi mang tính quyết định trong chính sách đó là phải “tự do hóa” và “không độc quyền” về kinh tế, tạo ra một hệ thống tư pháp độc lập và giới hạn những ảnh hưởng của những đầu sỏ chính trị. Tất nhiên, đây sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng.

Ukraine đang phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng, trong đó có việc tái thiết toàn bộ nền kinh tế và tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột quân sự ở phía đông của nước này.


Trong những tháng trước khi cuộc bầu cử quốc hội gần đây diễn ra, chính phủ Ukraine đã làm rất ít - nếu không nói là chẳng làm gì - để cải thiện các điều kiện kinh tế và thực hiện các cải cách cần thiết. Một mặt, đây là kết quả từ sự thiếu hiệu quả của quốc hội Ukraine. Mặt khác, có những nghi ngờ về việc liệu các chính trị gia Ukraine có thể đưa ra những ý tưởng mới để cải cách nhà nước. Trong thực tế, các chương trình nghị sự của Kiev liên quan tâm đến cải cách kinh tế sâu rộng hơn chỉ là Hiệp định gia nhập EU, đặc biệt là Khu vực Thương mại Tự do Toàn diện và Sâu rộng. Mặc dù Hiệp định này chính thức đã bị trì hoãn cho đến cuối năm 2015, Kiev vẫn tuyên bố rằng họ sẽ sớm tuân thủ phần lớn các quy định của thỏa thuận.
 
Một xu hướng lạc quan trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Ukraine là xã hội nước này không chấp nhận hướng tới một chính sách "không làm gì". Ngoài ra – xã hội Ukraine cũng nhận thức được rằng những cải cách có thể không mang lại sự cải thiện có thể nhận thấy ngay được và mọi người đang chuẩn bị để có thể chịu đựng được những hậu quả tiêu cực từ việc cải cách sâu sắc. Tuy nhiên, mức độ của việc hiện đại hóa trong tương lai sẽ phụ thuộc không chỉ vào ý chí chính trị và cơ cấu tổ chức của quốc hội mới được bầu, mà còn, có thể ở một mức độ lớn, trong mối quan hệ với Nga. Điện Kremlin muốn một Ukraine ổn định nhưng cũng có quan ngại nhất định đối với việc Kiev xích lại gần hơn với EU và NATO. 

Ukraine hiện đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng: có nên bắt đầu xây dựng một nền kinh tế hiện đại hay chìm sâu hơn vào sự hỗn loạn kinh tế, ngừng các cải cách quan trọng và dựa vào viện trợ từ phương Tây. Các vấn đề và thách thức của Ukraine gợi nhớ về câu ngạn ngữ cổ: "Không bao giờ có một thời điểm thích hợp cho những cải cách".


Công Thuận (Theo N.E.E)