09:22 10/09/2014

Ukraine thay thế khí đốt Nga bằng nhiên liệu than bùn

Ukraine đang khẩn trương tìm kiếm các nguồn nhiên liệu thay thế khí đốt của Nga, trong đó có giải pháp thay thế "nhiên liệu xanh" của Nga bằng nhiên liệu sinh học từ gỗ.

Ukraine đang khẩn trương tìm kiếm các nguồn nhiên liệu thay thế khí đốt của Nga. Theo Bộ trưởng Bộ Chính sách nông nghiệp và thực phẩm Igor Schweich, Ukraine có thể tiết kiệm lớn chi phí nếu thay thế "nhiên liệu xanh" của Nga bằng nhiên liệu sinh học từ gỗ hay than bùn.

 

Những vùng đầm lầy có thể hóa giải cuộc chiến năng lượng Nga - Ukraine. Ảnh: Reuters

 

Theo tính toán của chính phủ nước này: "Nếu một mét khối khí đốt trị giá 6.600 hryvnia (gần 500 USD), thì một khối lượng gỗ trị giá 3.200 hryvnia là đủ để điều chế được lượng khí đốt tương đương". Như vậy nếu phát triển theo hướng này, Ukraine có thể tiết kiệm được 50% chi phí cho nhiên liệu. Ông Schweich cho biết đến năm 2018, Ukraine có thể phát triển các nguồn nhiên liệu sinh học tương đương 10 tỷ mét khối khí đốt.

 

Bộ Chính sách nông nghiệp Ukraine tính toán rằng có thể khắc phục tình trạng thiếu khí đốt trong vòng 5 năm tới bằng cách thay thế, phát triển các nhà máy năng lượng sinh học, với công suất dần dần có thể đạt tương đương 10 tỷ mét khối khí đốt.

 

Ông Schweich cũng thông báo con số Ukraine hiện có gần 3 triệu vùng đầm lầy có trữ lượng than bùn. Những khu vực như vậy cũng cho phép có thể trồng các loại thảo mộc, liễu... nguồn gốc tạo ra nhiên liệu sinh học. Những lợi ích từ việc phát triển nguồn nhiên liệu sinh học đã quá rõ ràng, tuy nhiên Bộ trưởng Schweich cũng lưu ý rằng "tuy sản xuất năng lượng sinh học rẻ hơn hai lần so với nhập khẩu khí đốt của Nga, giúp nước này độc lập và chủ động hơn, song quy trình chuyển đổi và sản xuất nhiên liệu từ than bùn, gỗ sẽ phức tạp hơn".

 

Trước đó, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk cũng cam kết rằng trong 5 năm tới, quốc gia này sẽ không phải phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Đó là một viễn cảnh tốt đẹp và rất hiện thực. Hiện nay, Ukraine cũng đang nỗ lực tăng cường nhập khẩu khí đốt từ các quốc gia EU thông qua Ba Lan, Hungary và Slovakia.

 

Tuyên bố của Ukraine đã mở ra những tia hy vọng mới, trong khi các quốc gia châu Âu và Nga vẫn tiếp tục gây sức ép lẫn nhau, liên quan tham vọng sắp đặt lại trật tự thế giới mới, mà "con bài" chủ chốt chính là khí đốt.

 

Trong một diễn biến liên quan, Liên minh châu Âu hiện vẫn tiếp tục kêu gọi Mỹ đẩy nhanh tiến trình xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang châu Âu do tình hình địa chính trị phức tạp tại khu vực.

 

Quế Anh