09:22 11/09/2015

Ukraine nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng chính trị

Ukraine có thể sẽ tiến hành cải tổ nội các triệt để trong thời gian tới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở trong nước.


Tuy nhiên, phát biểu với giới báo chí chiều 8/9, bộ ba lãnh đạo nước này gồm Tổng thống Petro Poroshenko, Thủ tướng Arseny Yatsenyuk và Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp Vladimir Groisman đã cố gắng để chứng minh cho các công dân và các đối tác nước ngoài thấy sự thống nhất nội bộ, và rằng cuộc khủng hoảng chính trị trong nước đã tạm lắng, còn tình hình kinh tế đang dần ổn định.

Xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát Ukraine tại Kiev ngày 31/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Việc ba nhà lãnh đạo cùng xuất hiện trước ống kính phóng viên có ý nghĩa nhất định, đặc biệt sau khi xuất hiện những thông tin cho rằng chính quyền Ukraine sắp sụp đổ, nhất là sau vụ đụng độ chết người bên ngoài tòa nhà Quốc hội Ukraine hôm 31/8, sau khi Quốc hội nước này phê chuẩn dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngay trong lần bỏ phiếu đầu tiên. Đây chính là giới hạn đỏ, là "giọt nước tràn ly" liên quan đến việc phân cấp quyền lực. Đây cũng là vấn đề thực sự liên quan tới sự phân chia liên minh cầm quyền trong Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada).

Kể từ cuộc biểu tình trên Quảng trường Maidan ở thủ đô Kiev hồi cuối năm 2013, đời sống chính trị xã hội Ukraine trên thực tế đã diễn biến hết sức căng thẳng, với những tranh cãi gay gắt liên quan đến quá trình cải cách Hiến pháp và những tranh cãi đó đã chi phối toàn bộ xã hội Ukraine trong suốt nhiều tháng qua. Thiếu đồng thuận nội bộ là nguyên nhân chính đầu tiên dẫn đến tình hình căng thẳng tại Ukraine hiện nay. Nguyên nhân thứ hai là tồn tại nhiều ý kiến cho rằng thay đổi Hiến pháp không phải là điểm mấu chốt thực sự để giải quyết dứt điểm cuộc chiến ở miền Đông. Trong khi đó, xã hội Ukraine hiện trở nên hết sức "cảnh giác" với bất kỳ sự thay đổi nào có thể làm trầm trọng thêm tình hình đất nước.

Trên thực tế, việc cải cách Hiến pháp cũng không nhận được đồng thuận ngay trong nội bộ giới tinh hoa chính trị tại nước này. Có rất nhiều quan điểm trái chiều, thậm chí là bác bỏ hoàn toàn ý tưởng của Tổng thống Poroshenko về cải cách Hiến pháp nhằm trao quy chế đặc biệt cho các tỉnh miền Đông, vốn đang ngoài tầm kiểm soát của Kiev. Trong khi nội bộ giới lãnh đạo thiếu đồng thuận, xã hội chia rẽ ngày càng sâu sắc, thì hầu như Thỏa thuận Minsk - đặc biệt liên quan đến việc rút các loại vũ khí hạng nặng và đề xuất ngừng bắn - vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể, dẫn tới mất niềm tin về sự hỗ trợ của châu Âu trong lòng công chúng nước này.

Việc sửa đổi Hiến pháp có thể đem lại hòa bình cho Ukraine hay không? Có thể thấy rõ câu trả lời thông qua tình hình tại Kiev. Trong khi bên trong tòa nhà Quốc hội, các nghị sĩ bỏ phiếu cho dự luật sửa đổi Hiến pháp, thì bên ngoài lại nổ ra cuộc biểu tình gay gắt. Và một lần nữa, máu của người dân lại đổ xuống ở thủ đô Kiev. Khi đưa ra dự luật này, chính quyền Ukraine hy vọng vạch ra được một lộ trình vãn hồi hòa bình cho đất nước, nhưng ngược lại, lại gây ra sự phản ứng gay gắt ngay chính trong nội bộ đất nước. Chính vì thế, người ta lo ngại việc Quốc hội Ukraine thông qua sửa đổi Hiến pháp có thể là sự khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng chính trị mới, trong bối cảnh mâu thuẫn nội bộ ngày càng gay gắt và liên minh cầm quyền đứng trước nguy cơ tan rã.

Trong phiên họp mở rộng của chính phủ ngày 8/9, giới chức cũng đã hướng trọng tâm chú ý vào các vấn đề kinh tế, lương hưu, tiền lương trong khu vực công, học bổng và các quyền lợi khác... Tuy nhiên, mâu thuẫn nội bộ vẫn là vấn đề nổi cộm mà Tổng thống Poroshenko đang tìm cách khắc phục. Ông Poroshenko lưu ý trong bài phát biểu của mình rằng các lực lượng chính trị chống chính quyền sẽ bị nghiêm trị. Ông cũng hứa hẹn sẽ xem xét thảo luận tất cả các vấn đề để có thể tháo gỡ những căng thẳng hiện nay ở Ukraine.

Quế Anh (Theo "Báo Độc lập", Nga)