12:15 23/12/2014

Ukraine luẩn quẩn trong cuộc chiến năng lượng với Nga

Tại Ukraine, tiếng súng không chỉ nổ ra ở phía đông giữa phe ly khai và phe chính phủ. Trên mặt trận năng lượng, sự kình nhau giữa Ukraine và Nga cũng diễn ra vô cùng căng thẳng với lợi thế nghiêng hẳn về Moskva.

Dù khí đốt đã bắt đầu chảy trở lại từ Nga đến Ukraine, nhưng tình trạng mất điện vẫn diễn ra ở các công xưởng và hộ gia đình. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk thì cho biết sự độc lập của Ukraine bị thỏa hiệp vì lệ thuộc năng lượng vào Nga. Trong khi đó, ông Mykhailo Gonchar tại Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu ở Kiev tuyên bố, trong trận chiến tại Ukraine, Nga đã mở ra một mặt trận năng lượng nơi nước này có những lợi thế lớn chính nhờ những yếu kém của Ukraine.

Hình minh họa. Ảnh: AFP/TTXVN


Cho đến những năm 1970, Ukraine đảm nhận nhiệm vụ cung cấp điện cho Liên bang Xô viết. Nhưng kể từ khi tách ra vào năm 1991, sự hoạt động không hiệu quả và việc giảm sản lượng đã đẩy Ukraine vào thế phụ thuộc vào Nga. Trường hợp của Tập đoàn khí đốt quốc doanh Naftogaz - có thâm hụt ngân sách lớn hơn cả thâm hụt ngân sách của Ukraine, đã khắc họa rõ nét tình hình năng lượng của quốc gia này. Trong năm nay, Ukraine đã chi 6,4 tỉ USD để duy trì hoạt động của công ty này, và phần lớn khoản tiền đó chảy đến tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom.

Trục lợi tô kinh tế là hiện tượng một hãng, tổ chức hay cá nhân (nhóm) sử dụng nguồn lực của họ để kiếm chác lợi ích kinh tế từ người khác mà không đem lại giá trị gì cho xã hội thông qua việc tạo ra của cải, hay phúc lợi chung.
Theo Vietfin.net

Sau khi được thành lập năm 1998, Naftogaz nhanh chóng trở thành một tượng đài của tệ tham nhũng. Giá dầu mỏ bị ghìm ở mức thấp và việc cân đong đo đếm không ổn định tạo ra những món hời béo bở. Các khoản tài chính mập mờ cùng sự kiểm soát trung ương trên nhiều lĩnh vực như vận tải, tích trữ, doanh số… cho phép những kẻ trục lợi tô kinh tế được tự tung tự tác.

Dù đang bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng song ông Yevgeny Bakulin, người đứng đầu Naftogaz dưới thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, vẫn giành được một ghế ở quốc hội trong khối Đối lập do ông Yuri Boiko, một cựu quan chức khác của Naftogaz, lãnh đạo.

Trong bối cảnh đó, đội ngũ các quan chức năng lượng mới của Ukraine, bao gồm ông Andriy Kobolev, nhà lãnh đạo 36 tuổi của Naftogaz, được đánh giá là một sự cải tiến. Ông Kobolev đang minh bạch hóa sổ sách của công ty, bảo đảm nguồn cung khí đốt từ Slovakia cùng với một thỏa thuận nhập khẩu từ Na Uy và một khoản vay quốc tế để nâng cấp các đường ống dẫn dầu đang xuống cấp.

Nhưng công việc của ông Kobolev sẽ không dễ dàng bởi con đường mà ông đi sẽ vấp phải sự cản lối của các đầu sỏ năng lượng Ukraine. Và một trong số những câu hỏi được đặt ra là liệu ông Kobolev có đủ sức mạnh để đương đầu với các đầu sỏ này?

Khu chợ Besarabsky ở Kiev.


Giá cả cần được nâng lên theo mức giá thị trường, các gói hỗ trợ chỉ dành cho những đối tượng cần được giúp đỡ nhất. Các tập đoàn năng lượng, bao gồm Naftogaz, phải bị chia nhỏ. Đó là hai công việc mà Ukraine phải thực hiện để cân bằng ngân sách và đáp ứng các tiêu chuẩn của một thành viên tham gia hiệp ước Cộng đồng Năng lượng châu Âu.

Để làm được điều này, thứ mà các chính trị gia Ukraine phải có là “đủ dũng cảm”. Đó cũng chính xác là điều mà Thủ tướng Yatsenyuk hứa thực hiện. Dẫu vậy, chính ông Yatsenyuk lại lảng tránh những quyết định khó nhằn trong lĩnh vực này. Lạm phát đã khiến nỗ lực tăng giá năng lượng của chính phủ Ukraine, theo yêu cầu từ IMF, không thấm vào đâu. Thay vì tiếp tục tăng giá, Ukraine đẩy mạnh đánh thuế vào các nhà sản xuất tư nhân. Ông Yatsenyuk thì yêu cầu các nhà sản xuất lớn mua khí đốt từ Naftogaz, việc tăng cường sức mạnh độc quyền của công ty này, với lí do thúc đẩy thu nhập.

Theo nhận định của một nhà ngoại giao, đây là hành động “giật gấu vá vai” của Ukraine, và là “hai mục tiêu trong ván cờ họ (Ukraine) không đủ sức cáng đáng nếu thất bại”. Mục tiêu thứ ba là kế hoạch nhập khẩu than từ Nam Phi. Tuy vậy, thỏa thuận nhằm cân bằng những vấn đề trong nguồn cung năng lượng từ khu vực Đông Ukraine, đã chấm dứt trong một vụ bê bối về chất lượng than.

Với việc các phần tử thuộc phe ly khai ở miền Đông đang kiểm soát các mỏ than lớn nhất đất nước, Ukraine buộc phải trực tiếp mua than và điện từ Nga bởi nếu không, việc thiếu hụt năng lượng có thể sẽ rất tàn khốc, tình trạng đã phần nào lộ ra khi Nga tạm ngưng đoàn tàu chở than ở biên giới. Trong lúc này, Bộ trưởng Năng lượng mới của Ukraine, ông Volodymyr Demchishin, vẫn ôm hy vọng có lại được nguồn than từ các nhà kho dự trữ ở thành phố Debaltseve bị chiếm đóng.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng, Ukraine có thể tăng sản lượng tại các nhà máy điện hạt nhân nếu các nhà máy này bảo đảm hoạt động an toàn. Tuy nhiên, sự cố tại một nhà máy điện hạt nhân ở miền nam Ukraine hồi tháng trước đã làm trầm trọng thêm vấn đề năng lượng tại quốc gia này, chưa kể đến việc làm sống lại những bóng ma của thảm họa Chernobyl.

Tuy nhiên, trong vấn đề điện hạt nhân, điều tệ hại hơn là, dù đã tăng cường hợp tác với công ty của Mỹ là Westinghouse, Ukraine vẫn phải nhập khẩu phần lớn nhiêu liệu hạt nhân từ Nga. Và cũng chính Nga là nước Ukraine dựa vào trong vấn đề chứa chất thải hạt nhân. Như ông Gonchar đã chỉ ra, với việc nắm trong tay quá nhiều yếu huyệt, Điện Kremlin không cần phải dùng đến quân đội để “bóp chết Kiev”.


Anh Tiếu (Theo Economist)