09:08 08/09/2014

Ukraine - hòa bình còn rất xa vời

Khi biên bản ghi nhớ về ngừng bắn lâu dài vừa được ký kết tại Minsk (Belarus) còn chưa kịp ráo mực, thì tại Donetsk và Lugansk, cả hai bên tham chiến đều đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn cũng như tiếp tục chiếm đóng các khu dân cư.

Khi biên bản ghi nhớ về ngừng bắn lâu dài vừa được ký kết tại Minsk (Belarus), trong khuôn khổ cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, còn chưa kịp ráo mực, thì tại các tỉnh Donetsk và Lugansk, cả hai bên tham chiến đều đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn cũng như tiếp tục hiện tượng chiếm đóng các khu vực dân cư.

Tuy nhiên, tại hầu hết các khu vực, tình hình tương đối yên tĩnh và các cuộc trao đổi tù nhân bắt đầu diễn ra. Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia tin rằng sau khi tập hợp lực lượng, rất có thể quân chính phủ Ucraine sẽ bắt đầu một cuộc tấn công mới.

Bộ Tham mưu của lực lượng nổi dậy thuộc Nhà nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (DNR) cho biết trong đêm 7 rạng sáng 8/9, các tay súng quân đội Ukraine vẫn bắn phá vào trạm kiểm soát ngôi làng Zuevka, cũng như dùng súng cối và pháo binh nã đạn vào thành phố Khanzhonkovo, Yenakievo. Hai bên pháo kích lẫn nhau tại sân bay Donetsk và tại thành phố Avdiyivka. Con số người chết và bị thương chưa được thống kê chính xác.

Quang cảnh một tòa nhà bị phá hủy sau vụ tấn công gần một trạm kiểm soát quân đội Ukraine tại ngoại ô thành phố cảng miền đông nam Mariupol ngày 7/9. Ảnh: AFP-TTXVN


Ngược lại, phía Ukraine cũng cáo buộc lực lượng nổi dậy vẫn tiếp tục nổ súng tấn công vào Mariupol. Truyền thông Ukraine và các báo mạng đều cho biết trong đêm 7 rạng sáng 8/9, một phụ nữ 33 tuổi, người dân thành phố Mariupol đã thiệt mạng vì bị bắn vào tim. Nguồn tin cho rằng đây là nạn nhân đầu tiên thiệt mạng vì hỏa lực sau khi thỏa thuận ngừng bắn vừa được ký kết.    

Báo Độc lập (Nga) ngày 8/9 cho biết hiện hai phe tham chiến tại Ukraine đang lên tiếng cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Cụ thể, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị-Quân sự Dmitry Tymchuk đã chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng "quân đội Ukraine đã không tuân thủ đúng trình tự của thỏa thuận ngừng bắn". Nhiều nguồn tin cho rằng dường như quân đội Ukraine, theo các hướng khác nhau, đang tranh thủ thỏa thuận ngừng bắn nhằm biến Mariupol dần dần thành một bàn đạp để tấn công.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng đã công bố nội dung Biên bản ghi nhớ về thỏa thuận ngừng bắn, vừa được ký hôm 5/9 trong cuộc gặp ba bên tại Minsk của Nhóm tiếp xúc. Biên bản này gồm 12 điểm. Tuy nhiên, nguồn tin nhấn mạnh rằng văn bản vừa được ký nói trên không phải là một văn bản chính thức, giống như một hiệp ước hay hiệp định. Thực chất, văn bản này cũng không đủ giá trị pháp lý để có thể bảo đảm sự tin cậy của các bên. Trong văn bản này, thực ra cũng chỉ có chữ ký của cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma, người không còn nắm giữ chức vụ gì trong chính quyền Ukraine hiện nay.
  
Tất cả 12 điểm trong Biên bản ghi nhớ cũng chỉ xoay quanh các đề nghị, khuyến nghị, tiến hành hay đề nghị, cho phép... Những cam kết cụ thể hay trách nhiệm ràng buộc pháp lý của mỗi bên hoàn toàn không được đề cập trong văn bản này. Như vậy, thực chất thỏa thuận ngừng bắn chỉ giống như một văn bản về thỏa thuận giữa đôi bên và nếu một trong hai bên, hoặc cả hai bên vi phạm thỏa thuận, văn bản cũng không quy định các điều khoản pháp lý, hay chế tài xử phạt...

Bởi vậy, Biên bản ghi nhớ về ngừng bắn song phương hoàn toàn không có ý nghĩa như một tuyên bố kết thúc chiến tranh. Mà thực chất, nó chỉ nhằm đem lại cho châu Âu những khoảng lặng nhất định.   

Và thực tế cho thấy, theo tố cáo của phía lực lượng nổi dậy, hiện chính quyền Ukraine vẫn đang tích cực chuẩn bị cho chiến tranh. Cụ thể, tại tỉnh Lvov, mọi nam giới đều được yêu cầu tham gia các đợt huấn luyện quân sự. Tại Zaporozhye, mọi người vẫn khẩn trương đào chiến hào, đắp thành lũy. Hay tại Kharkov, chính quyền đã bắt tay đào tạo cách thức sử dụng vũ khí cho người dân, chuẩn bị các điều kiện cho một cuộc chiến tranh du kích, v.v...

Hiện chưa rõ liệu các cuộc tham vấn và tiếp xúc giữa OSCE, chính quyền Kiev và đại diện hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk có tiếp tục diễn ra, và liệu văn bản vừa được ký có được cộng đồng quốc tế công nhận, mở đường để văn bản này trở thành một thỏa thuận ngừng bắn chính thức, có đầy đủ tính ràng buộc pháp lý và được giám sát bởi các bên độc lập.

Tuy nhiên, có một điều đã quá rõ ràng, đó là quá trình hòa giải giữa chính quyền trung ương Kiev và lực lượng nổi dậy sẽ còn kéo dài và chặng đường đi đến hòa bình ổn định ở Ukraine sẽ đầy rẫy chông gai. Nhượng bộ hay công nhận lẫn nhau, cũng như thắt chặt sự kiểm soát của OSCE liệu có phải là những giải pháp hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraine, tất cả đang chờ đợi câu trả lời.

Thực tế hiển hiện trước mắt là, Ukraine đang phải đối mặt với một nền kinh tế sa sút nghiêm trọng, và những khu vực như Donetsk hay Lugansk có lẽ vẫn chưa phải là những tỉnh thành cuối cùng bị san bằng bởi chiến tranh.


Quế Anh