11:16 11/11/2017

Uber ‘gặp hạn’ ở Trung Quốc vì một người phụ nữ

Hãng cung ứng dịch vụ gọi xe Uber đang có một khoảng thời gian khó khăn với tình hình nhân sự thay đổi, thiếu lãnh đạo trầm trọng và số tiền lỗ lớn. Khi bước vào thị trường Trung Quốc cách đây 2 năm, tham vọng đè bẹp đối thủ của Uber đã gặp thất bại trước một người phụ nữ quyền lực.

Chủ tịch Didi Chuxing Jean Liu.

Jean Liu, người phụ nữ nhỏ bé điều hành công ty chia sẻ phương tiện Didi Chuxing lớn nhất Trung Quốc chính là người khiến Giám đốc điều hành Uber khi đó Travis Kalanick phải đau đầu suốt một thời gian dài.

Theo bài viết trên Financial Times, hồi tháng 8 năm 2016, Jean Liu và Chủ tịch Didi Chuxing Cheng Wei đã giành chiến thắng trong cuộc chiến giành thị phần với Uber khi Uber buộc phải bán bộ phận hoạt động ở Trung Quốc cho Didi để lấy 20% cổ phần.


“Chúng tôi sẽ không thể có được ngày hôm nay nếu không đốt tiền”, Jean Liu nói về cách đương đầu với Uber hồi tháng 9/2015, thời điểm đỉnh cao của cuộc canh tranh với công ty khởi nghiệp giá trị nhất nhì thế giới này. “Đốt tiền” đã trở thành câu thần chú đối với Didi Chuxing và cuối cùng thì Uber đã kết thúc trận chiến “sử thi” bằng cách bán mình cho Didi. Cuộc chiến tranh giành thị phần của hai doanh nghiệp đã ngốn hết tới 1 tỷ USD/năm.


Sau chuyến thăm đến trụ sở Apple hồi tháng 4/2015, Jean Liu đã gọi vốn thành công cho Didi, giúp công ty này nhận được khoản đầu tư 1 tỷ USD từ Apple. Tiếp tục cuộc chiến, sau khi Uber thông báo đã gọi vốn thêm 3,5 tỷ USD từ Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia, Chủ tịch Jean Liu trong hội nghị Code Conference tại Mỹ đã thông báo: Didi đang tiếp tục huy động khoản đầu tư còn lớn hơn mức 3,5 tỷ USD của Uber trong vòng gọi vốn mới nhất.


“Cuộc chiến với Uber…. Thực ra, tôi không muốn nói đây là cuộc chiến bởi nó không phải cuộc chiến. Cuộc chiến chỉ xảy ra trong ngắn hạn nhưng khi chúng tôi nói về việc xây dựng một cái gì đó, đó là dài hạn”, bà Jean Liu nói về sự hợp tác giữa Uber và Didi sau đó.


Văn phòng của bà Jean Liu nằm ở Zhongguancun thuộc ngoại ô phía bắc của thủ đô Bắc Kinh, nơi tập trung những tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc và được mệnh danh là Thung lũng Silicon của nước này. Văn hóa chia sẻ xe đạp, uống cà phê của Zhongguancun có nhiều điểm giống với Thung lũng Silicon: Ý tưởng rằng phát triển công nghệ có thể là một cuộc chơi mà không có người thua cuộc. Theo bà Jean Liu, “tập trung vào thắng và thua chỉ giới hạn tiềm năng của bạn”.


Tuy nhiên, cuộc chiến “sử thi” với Uber chỉ là phần khởi động cho cuộc chiến thực sự mà Jane Liu và Didi sẽ phải đối mặt. Thách thức hiện nay của Jane Liu là đưa công ty định giá 35 tỷ USD - Didi Chuxing vào thị trường internet lớn nhất hành tinh. Didi hiện đang tiếp cận với những gã khổng lồ của Trung Quốc như Tencent, Alibaba và Baidu.


Theo các số liệu chính thức, Trung Quốc đang bỏ xa các nước khác trong việc kinh doanh trên internet. Thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc lớn hơn Mỹ trong khi ngành công nghiệp thanh toán qua internet chiếm 2/3 tổng khối lượng giao dịch toàn cầu. Số người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) ở Trung Quốc bằng 1/5 tổng số người sử dụng smartphone trên thế giới.


Bà Jean Liu nêu ra một ví dụ nữa: Didi phải xử lý 20 triệu lượt đặt xe/ngày. Con số này lớn nhưng không là gì so với khoảng 700 triệu lượt đi lại trên khắp Trung Quốc. Số liệu này cho thấy tiềm năng rất lớn mà Didi có thể đạt được ở Trung Quốc, cũng như thách thức là các bước đột phá về công nghệ.


Theo bà Jean Liu, đốt tiền để giành thị phần chỉ là quãng đường “từ 0 tới 1”. Tuy nhiên, để làm “từ 1 tới 100”, bạn cần đến công nghệ như dữ liệu lớn hay trí tuệ nhân tạo.



Jean Liu sinh năm 1978, là con gái của ông Liu Chuanzhi - người sáng lập Lenovo.

Bà tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh chuyên ngành khoa học máy tính, sau đó tiếp tục học lên thạc sỹ tại Đại học Harvard.

Năm 2002, bà vào làm việc cho Ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Goldman Sachs, trụ sở tại Hong Kong trong vòng 12 năm trước khi về đầu quân cho công ty dịch vụ gọi taxi Didi Dache vào tháng 7/2014 với vị trí Giám đốc điều hành.

Một trong những động thái đầu tiên của bà sau khi trở thành chủ tịch Didi Dache vào tháng 2/2015 là xúc tiến thương vụ sáp nhập Didi với đối thủ cạnh tranh lớn nhất - Kuaidi Dache, để tạo ra công ty mới có tên Didi Chuxing hiện nay.


Trần Minh/Báo Tin Tức