12:06 02/12/2014

Tỷ giá biến động không bất thường

Tỷ giá liên tục tăng từ đầu tháng 11 đến nay. Trong phiên giao dịch hôm qua (1/12), giá USD của các ngân hàng thương mại đã vượt mốc 21.400 đồng/USD. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn khẳng định đủ lực can thiệp thị trường và chưa cần thiết phải điều chỉnh tỷ giá.

Tỷ giá liên tục tăng từ đầu tháng 11 đến nay. Trong phiên giao dịch hôm qua (1/12), giá USD của các ngân hàng thương mại đã vượt mốc 21.400 đồng/USD. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn khẳng định đủ lực can thiệp thị trường và chưa cần thiết phải điều chỉnh tỷ giá.

Chênh lệch cung cầu không lớn

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều đợt sóng tỷ giá. Tuy nhiên, việc tỷ giá tăng vừa qua không có gì bất thường mà nằm trong chu kỳ của nền kinh tế. Thứ nhất, vào dịp cuối năm, nhu cầu USD để trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và Chính phủ tăng lên. Thứ hai, nhập siêu đã trở lại hai tháng vừa qua (tháng 9 và tháng 10), một phần phục vụ sản xuất, một phần phục vụ nhu cầu hàng hóa tiêu dùng dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch. Bên cạnh đó, giá vàng thế giới giảm sâu, chênh lệch cao với giá vàng trong nước đã khiến một số nhà đầu cơ vàng có động thái nhập lậu vàng cũng tác động tới tỷ giá.

Giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp.


Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, các ngân hàng đẩy mạnh mua ngoại tệ khiến tỷ giá nóng lên. Về trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng đang duy trì ở trạng thái âm, vì vừa qua, nhiều ngân hàng đẩy mạnh bán ra để kiếm lời. Tuy nhiên, mức độ âm không đáng lo vì vẫn đang trong biên độ cho phép.

NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kể cả sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp trong trường hợp cần thiết.

Lãi suất huy động tiền đồng giảm đã khiến tiền đồng giảm sức hấp dẫn và độ hấp dẫn của USD tăng lên, nhiều người muốn chuyển sang USD để kiếm lời. Bên cạnh đó, lãi suất vay USD thấp, khiến tín dụng ngoại tệ tăng cao cũng tác động tới tỷ giá. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, tác động do nguyên nhân này không quá lớn, tỷ giá tăng chủ yếu vẫn là do tính chu kỳ vào dịp cuối năm, khi nhu cầu USD tăng lên.

Các chuyên gia tài chính của Ngân hàng HSBC cũng nhận định, thông thường nhu cầu ngoại tệ về cuối năm thường cao hơn, chủ yếu do nhu cầu thanh toán tăng. Đồng thời các NHTM cũng có xu hướng giảm bớt trạng thái ngoại hối để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, thị trường dự kiến rằng, sẽ không có sự chênh lệch cung - cầu quá lớn, bởi cuối năm cũng thường là mùa cao điểm của dòng tiền kiều hối. Về vốn tín dụng ngoại tệ, cũng chưa thấy nhu cầu nào bất thường từ phía doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vay ngoại tệ phải chứng minh được rằng, họ có nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ.

Đủ lực can thiệp thị trường

Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, tỷ giá có thể sẽ có lúc tăng kịch trần. Tuy nhiên, sẽ không có sự điều chỉnh tỷ giá cuối năm nay bởi dự trữ ngoại tệ của NHNN rất dồi dào, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng để can thiệp thị trường. TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Với lượng ngoại tệ dự trữ hiện nay, NHNN thừa sức can thiệp thị trường. Tuy nhiên, sang quý I/2015, trước áp lực thị trường, khả năng NHNN sẽ phải cân nhắc điều chỉnh tỷ giá, mức độ điều chỉnh không dưới 0,5%”.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, trong bối cảnh giá đồng USD trên thế giới tăng cao, giá vàng giảm, tỷ giá USD ổn định trong nước là yếu tố tích cực cho nền kinh tế. Bởi nếu điều chỉnh tỷ giá, xuất khẩu có thể được lợi nhưng nhập khẩu lại tăng mạnh hơn, tác động bất ổn đến lạm phát. Hiện tại, đồng Việt Nam tương đối ổn định do tỷ lệ lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp.

Nhận định về khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có điều chỉnh tăng thêm biên độ tỷ giá trong năm nay hay không, các chuyên gia tài chính của Ngân hàng HSBC cũng cho rằng, thông thường, nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp trong thời gian này có tăng lên. Nhưng cho đến nay, về cơ bản, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam vẫn thặng dư, nên các nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và cá nhân vẫn sẽ được đáp ứng đầy đủ. Đồng thời, nguồn kiều hối đổ vào giai đoạn trước Tết chắc chắn sẽ là một nguồn cung dồi dào cho thị trường để đảm bảo tỷ giá ổn định.

Bài và ảnh: Ngọc Quang