03:15 01/03/2011

Tuynidi: Hai bộ trưởng cuối cùng dưới thời ông Ben Ali từ chức

Một ngày sau khi Thủ tướng Tuynidi Môhamét Gannusi (Mohammed Ghannouchi) từ chức, ngày 28/2, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Môhamét Aphíp Senbi (Mohamed Afif Chelbi) và Bộ trưởng Kế hoạch và Hợp tác quốc tế Môhamét Nuri Giuni (Mohamed Nouri Jouini) cũng quyết định rời chính phủ lâm thời...

Một ngày sau khi Thủ tướng Tuynidi Môhamét Gannusi (Mohammed Ghannouchi) từ chức, ngày 28/2, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Môhamét Aphíp Senbi (Mohamed Afif Chelbi) và Bộ trưởng Kế hoạch và Hợp tác quốc tế Môhamét Nuri Giuni (Mohamed Nouri Jouini) cũng quyết định rời chính phủ lâm thời. Cả ba nhân vật này đều là các cựu bộ trưởng dưới thời cựu Tổng thống Ben Ali (Ben Ali).

Sự ra đi của ông Gannusi đã không giúp làm dịu làn sóng biểu tình đã bước sang ngày thứ 11 bên ngoài các trụ sở chính quyền ở thủ đô Tuynít. Người biểu tình đòi tất cả các nhân vật có liên quan đến ông Ben Ali phải từ chức.

 Người tổ chức biểu tình, ông Môhamét Phađen (Mohamed Fadhel) tuyên bố: "Chúng tôi sẽ biểu tình cho tới khi thành lập một hội đồng hiến pháp và thừa nhận Hội đồng Bảo vệ Cách mạng" (do người biểu tình lập ra).

Trong khi đó, Chủ tịch Phong trào Hồi giáo đối lập có ảnh hưởng tại Tuynidi Ennahdha, ông Rasét Gannusi (Rached Ghannouchi) nhấn mạnh rằng chính phủ mới sẽ phải bao gồm Hội đồng Bảo vệ Cách mạng. Bộ Nội vụ cho biết 5 người đã thiệt mạng và gần 200 người bị bắt giữ trong hai ngày 26 - 27/2.

* Tại Baranh, Hoàng Thái tử Baranh, người đứng đầu các nỗ lực khởi động một cuộc đối thoại với cộng đồng người Siai (Shiite) đối lập, cảnh báo một số nhóm đối lập từ chối đối thoại và tiếp tục biểu tình đang làm tổn hại tới nền kinh tế, tác động xấu đến các lĩnh vực ngân hàng, tài chính của đất nước vốn được coi là trung tâm tài chính của khu vực này.

Cảnh báo trên được đưa ra khi hơn 500 người biểu tình ngày 28/2 đã tụ tập bên ngoài trụ sở Quốc hội ở thủ đô Manama đòi tất cả các nghị sĩ từ chức để chịu trách nhiệm trước những người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.

Được biết, 7 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc biểu tình từ đầu tháng Hai của cộng đồng người Hồi giáo dòng Siai chiếm đa số nhằm đòi lật đổ nền quân chủ do người Xănni (Sunni) lãnh đạo.

* Trong khi đó tại Yêmen, Tổng thống nước này Ali Ápđula Xalê (Ali Abdullah Saleh) đã đề nghị thành lập một chính phủ đoàn kết. Phe đối lập đã chấp thuận tham gia, song đặt điều kiện ông Xalê trước tiên phải từ bỏ các chức vụ trong quân đội và Bộ Tài chính.

Người đứng đầu liên minh đối lập Môhamét An Mutaoakin (Mohammed al-Mutawakil) nêu rõ liên minh đối lập không kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn, nay coi việc ông Xalê từ chức tổng thống là không cần thiết, song ông phải "đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình bằng việc từ bỏ các vị trí trong quân đội và Bộ Tài chính Yêmen".

TTXVN