12:17 31/12/2017

Tuyên truyền sâu rộng và hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự mới

Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là Bộ luật có vai trò đặc biệt quan trọng.

Các quy định trong Bộ luật đã góp phần hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm… Bộ luật Hình sự năm 2015 có tới 343 điểm mới so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Do đó, để người dân biết rõ những điểm mới này cần tuyên truyền sâu rộng để nhanh chóng phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.

Một số quy định mới


Trước đây, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, người nào đánh bạc trái phép bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, kể từ 0h ngày 1/1/2018, thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành, người nào đánh bạc trái phép bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ năm triệu đồng trở lên thì mới bị xử lý hình sự.

Như vậy, theo quy định mới này, những trường hợp đánh bạc có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 5 triệu đồng, sau 0 giờ ngày 1/1/2018 sẽ được miễn được miễn trách nhiệm hình sự hoặc không bị xử lý hình sự. Đây là một trong số 343 điểm mới được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Kể từ 0 giờ ngày 1/1/2018, thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành, người nào đánh bạc trái phép bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ năm triệu đồng trở lên thì mới bị xử lý hình sự. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Không chỉ riêng về tội đánh bạc, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 còn có rất nhiều điểm mới được quy định khác với quy định cũ trong Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bãi bỏ 5 tội danh có trong Bộ luật Hình sự năm 1999, gồm: Tội hoạt động phỉ (Điều 83), Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149), Tội kinh doanh trái phép (Điều 159), Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165), Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167).

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung 34 tội danh mới được bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong đó có những tội lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Hình sự, có những tội tách ra từ tội “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 - Bộ luật Hình sự năm 1999).

Một số tội danh mới điển hình như: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147); Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154); Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167); Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187; Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292, Tội cưỡng bức lao động (Điều 297); Tội bắt cóc con tin (Điều 301); Tội cướp biển (Điều 302); Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật (Điều 336); Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348); Tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388); Tội gây rối trật tự phiên tòa (Điều 391); Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật (Điều 393); Tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sĩ (Điều 418)….

Mặt khác, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo hướng thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ 14 đến chưa đủ 16 tuổi, những người này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội nhất định.

Về hình phạt bổ sung, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung hệ thống hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội, đồng thời hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ, hạn chế áp dụng và thi hành hình phạt tử hình.

Cần tuyên truyền rộng rãi

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh), trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có rất nhiều điểm mới, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người dân bắt buộc phải thay đổi hành vi và nhận thức. Chẳng hạn như trong các cơ quan áp dụng pháp luật, việc xác định các mối quan hệ mới theo quy định của pháp luật, hay việc loại trừ hành vi cũng phải rất cẩn trọng. Còn đối với người dân, trước đây có một số hành vi bị coi là vi phạm pháp luật thì bây giờ đã được loại bỏ hoặc được giảm nhẹ hình phạt.

Trên thực tế, những quy định mới này hiện vẫn chưa được nhiều người dân biết đến. Lấy ví dụ điển hình như quy định về hành vi cản trở giao thông đường bộ, Trong Bộ luật Hình sự 1999 chỉ quy định chung chung, không cụ thể về các hành vi vi phạm. Song tại Bộ luật mới đã chỉ rõ các hành vi cản trở giao thông đường bộ, bao gồm đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đưòng bộ; lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ; vi phạm quy định về đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ và hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ… Tuy vậy, không phải người dân nào cũng có được cách hiểu đúng.

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là vi phạm pháp luật. Ảnh: Đăng Sơn

Khi được hỏi về việc có biết đến quy định mới, cụ thể về các hành vi cản trở giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, anh Tô Tiến Hoàng (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết bản thân không hay biết gì về quy định này cũng như những quy định mới khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015. “Theo tôi, những hành vi được coi là cản trở giao thông chỉ đơn giản là lấn chiếm vỉa hè, đỗ xe dưới vỉa hè sai quy định và chở hàng cồng kềnh. Thế thôi!”, anh Hoàng nói.

Với mục tiêu để nhiều người dân biết đến các quy định mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật sư Nguyễn Thế Truyền phân tích: “Trên thực tế để một đạo luật được đưa vào cuộc sống, đòi hỏi sự vào cuộc rất lớn của các cấp các ngành, đặc biệt là công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Ở đây, có thể người dân chưa hiểu, chưa biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, thì bây giờ đã có thể hiểu rõ ràng và chính xác hơn. Việc tuyên truyền luật sâu rộng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho người dân. Quan trọng hơn, trong chính các cơ quan áp dụng pháp luật cũng cần phải nghiên cứu kỹ và tuyên truyền rộng rãi, để tránh làm oan sai cho người dân”.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tư duy lập pháp hình sự, tiếp tục thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta…

Song để Bộ luật sớm phát huy hiệu quả, đòi hỏi cần có sự cố gắng của các cơ quan chức năng trong việc triển khai, hướng dẫn thi hành, cũng như sự nỗ lực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, sự hợp tác, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật của người dân.

Kim Anh (TTXVN)