03:12 13/03/2019

Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Chủ động kế hoạch ôn tập, không bất ngờ khi môn Lịch sử được chọn

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố Lịch sử là môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020, các trường học trên địa bàn thành phố đã ngay lập tức triển khai phương án giảng dạy và ôn tập cho học sinh.

Chú thích ảnh
Học sinh sau khi làm bài thi tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Hiệu trưởng nhiều trường cho rằng, việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lựa chọn môn Lịch sử không có gì bất ngờ, quá sức đối với giáo viên và học sinh, do các trường triển khai chương trình giảng dạy đều tất cả các môn học từ đầu năm, cộng với việc tham khảo đề thi minh họa của Sở đã công bố trước đó.

Chủ động xây dựng phương án từ đầu năm học

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, nhiều trường trong nội thành Hà Nội đã triển khai ngay các phương án giảng dạy tập trung và ôn tập môn Lịch sử cho học sinh.

Bà Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trường hiện có 11 lớp 9 với 2 giáo viên dạy Sử. Do Lịch sử là môn ít tiết nên 1 giáo viên sẽ phải dạy nhiều lớp. Đây cũng là điểm chung của các trường.

“Khi biết năm nay Hà Nội sẽ thi thêm môn thứ tư, trường đã bố trí giáo viên dạy đúng môn và dạy tập trung cho khối 9 ngay từ đầu năm học. Toàn bộ 6 môn thi dự kiến nằm trong danh sách lựa chọn đã được nhà trường xây dựng xong bộ câu hỏi trắc nghiệm. Vì thế, dù lựa chọn bất kỳ môn thi nào thì cả giáo viên và học sinh cũng không cảm thấy bất ngờ và khó khăn”, bà Nguyễn Mỹ Hảo cho biết thêm.

Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã xây dựng xong đề cương ôn tập môn Lịch sử cho cả năm. Mặc dù chỉ có 1 giáo viên dạy Sử đảm nhiệm 7 lớp, song do đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung và hình thức ôn tập, hình thức thi ngay từ đầu năm học nên cả giáo viên và học sinh đều không cảm thấy bỡ ngỡ và nặng nề khi môn Lịch sử được lựa chọn là môn thi thứ tư.

“Chúng tôi đã yêu cầu giáo viên dạy Sử rà soát, hệ thống lại kiến thức Lịch sử từ những bài đầu tiên trong sách giáo khoa lớp 9. Giáo viên sẽ tiếp tục dạy bài mới và cuối mỗi tiết học có hệ thống câu hỏi trắc nghiệm của bài học đó. Ngoài ra, mỗi tuần, giáo viên dành thời gian hệ thống lại các bài học trước đó bằng các câu hỏi trắc nghiệm. Đặc biệt, công tác truy bài và kiểm tra, chấm bài sẽ được nhà trường huy động các giáo viên khác trong tổ Văn - Sử hỗ trợ, đảm bảo học sinh hiểu bài kỹ”, cô Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

Về phương án ôn tập cho học sinh, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, ngay từ năm học 2012 - 2013, Phòng đã triển khai đến các trường hình thức thi 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Tiếng Anh cùng 1 môn lựa chọn bằng cách gắp thăm. Học sinh sẽ phải làm 4 bài thi trong 1 năm học. Vì thế, khi Hà Nội lựa chọn 4 môn cho kỳ thi vào lớp 10, các trường học trên địa bàn hoàn toàn chủ động và tự tin.

Theo bà Trần Thị Mỹ Lâm, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội), đến nay nhà trường đã có hàng nghìn câu hỏi trắc nghiệm của cả 6 môn dự kiến phục vụ cho kỳ thi. Riêng môn Lịch sử, giáo viên đã chuẩn bị các câu hỏi trắc nghiệm cho từng bài học từ đầu năm, học theo hình thức cuốn chiếu, học đâu chắc đó.

“Bắt đầu từ tháng 4, trường sẽ bố trí các giáo viên hỗ trợ công tác kiểm tra, truy bài, chấm bài. Các lớp sẽ chia nhỏ thành nhiều nhóm để việc kiểm tra, truy bài được kỹ. Ngoài ra, các câu hỏi sẽ luôn được giao luân phiên cho các nhóm để buộc học sinh phải học bài”, bà Trần Thị Mỹ Lâm chia sẻ.

Loại bỏ học lệch, học tủ

Với mục tiêu loại bỏ tình trạng học lệch, học tủ trong học sinh ở cấp Trung học cơ sở, chuẩn bị kiến thức đồng đều cho cấp học Trung học phổ thông, phương án thi tuyển 4 môn tại kỳ thi vào lớp 10 đã được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn.

Phương án xét tuyển kết hợp thi tuyển hai môn Toán, Ngữ văn được áp dụng từ năm học 2005 - 2006. Qua hơn 10 năm, phương án này đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Tạo hiện tượng học lệch, nhiều học sinh chỉ chú trọng hai môn thi và xem nhẹ các môn khác, chưa đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc Trung học cơ sở.

Thực tế cho thấy, ngay từ đầu năm, các trường đã yêu cầu giáo viên bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân tập trung dạy chắc kiến thức cho học sinh. Nhiều trường đã chủ động cho học sinh làm quen với hình thức kiểm tra, thi trắc nghiệm. Cả 6 môn học đã được xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm với hàng nghìn câu hỏi, tình huống.

Theo bà Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), ngay cả khi môn Lịch sử được lựa chọn là môn thi thứ tư, học sinh vẫn phải học đều các môn học khác, đảm bảo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ chỉ tập trung vào những tuần cuối cùng của năm học, khi các môn học khác đã hoàn thành chương trình học và thi học kỳ.

Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng tự tin với phương án thi tuyển năm nay của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Bà Nghiêm Thúy Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh của trường đã quen với hình thức thi 4 môn.

Trước mỗi kỳ thi, môn thứ tư chỉ được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận thông báo trước 1 tháng, do đó việc dạy và học đều các môn là bắt buộc.

Về phương án tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2019 - 2020, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lấy ý kiến từ các nhà khoa học, nhà giáo, phụ huynh và học sinh…

Môn thi thứ tư và môn Lịch sử cũng như các môn còn lại, học sinh đều phải học tập và hoàn thành theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề thi của môn này chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng cấp độ thấp, chỉ tương đương như các bài kiểm tra định kỳ hoặc thi học kỳ ở lớp 9.

“Học sinh chỉ cần chuyên cần, chăm chỉ trên lớp, nắm chắc kiến thức, kỹ năng cơ bản, học đâu chắc đấy, không học tủ, học lệch, không cần đi học thêm mà phải dành thời gian tự học, đồng thời tăng cường làm quen với các câu hỏi và kỹ thuật làm bài trắc nghiệm khách quan là hoàn toàn tự tin”, ông Phạm Quốc Toản khẳng định.

Những thay đổi trong kỳ tuyển sinh năm nay

Kỳ tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông công lập ở Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 2 - 3/6 với 4 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử. Bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài.

Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức kết hợp trắc nghiệm và tự luận, thời gian làm bài 60 phút. Bài thi môn Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút.

Trong một phòng thi có nhiều mã đề thi để đảm bảo nguyên tắc hai thí sinh liền kề không trùng mã đề. Thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm, kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.

Điểm xét tuyển vào trường được tính là tổng điểm của môn Toán và môn Ngữ văn nhân đôi cộng với điểm thi hai môn Ngoại ngữ, Lịch sử, điểm cộng thêm (diện ưu tiên theo quy định). Điểm bài thi của các môn được tính theo thang điểm 10.

Đối với tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An và Trường Trung học phổ thông Sơn Tây, thí sinh dự thi 5 môn và phải vượt qua vòng sơ tuyển. Trong đó, 4 bài thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập (tính hệ số 1) và bài thi môn chuyên theo nguyện vọng (tính hệ số 2).

Học sinh phải có đủ bài thi theo quy định, không vi phạm quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi, các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2. Đề thi các môn chuyên được áp dụng hình thức tự luận. Riêng môn Ngoại ngữ (thi vào các lớp chuyên Ngoại ngữ) được áp dụng kết hợp giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan để đánh giá các kỹ năng nghe, đọc, viết.

Đề thi môn chuyên dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp Trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục - Đào tạo, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, đảm bảo các cấp độ nhận thức: Thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.

Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi không chuyên (hệ số 1) cộng điểm bài thi chuyên (hệ số 2). Mỗi học sinh có thể đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên của 2 trong 4 trường chuyên trên.

Học sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào cùng 1 môn chuyên của 2 trường nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên là trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2. Học sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào các môn chuyên khác nhau của 2 trường với điều kiện buổi thi của các môn chuyên đó không trùng nhau.

Vòng sơ tuyển, bắt buộc học sinh phải đạt từ 10 điểm trở lên, căn cứ vào các tiêu chí được đánh giá bằng điểm số như: Kết quả dự thi chọn học sinh giỏi, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của tỉnh, thành phố, toàn quốc, khu vực một số nước, quốc tế; kết quả xếp loại học lực 4 năm cấp Trung học cơ sở; kết quả tốt nghiệp Trung học cơ sở.

Nguyễn Cúc (TTXVN)