05:12 09/05/2015

Tùy tiện đặt tên các vị vua trên bia mộ "dựng chui" ở đền Trần - Thái Bình

Dư luận Thái Bình tiếp tục chấn động trước thông tin 6 tấm bia đặt trước gò mộ các vị vua triều Trần là loại "dựng chui” và chính quyền huyện Hưng Hà còn tùy tiện định danh cho các vị vua nằm dưới gò mộ khi chưa có kết quả nghiên cứu khoa học cụ thể nào.

Khi biên bản của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch buộc phải tháo dỡ, di dời 6 tấm bia đá xanh “dựng chui” tại 3 gò mộ Vua và đền thờ các vị vua Trần tại Di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần - Thái Bình mà Ban quản lý di tích đền Trần khởi dựng trong các ngày 17, 18 và rạng sáng 19/4, còn chưa kịp khô mực; và sự bất bình của dư luận về vụ việc này chưa kịp tạm lắng thì người dân Thái Bình lại chấn động trước thông tin 6 tấm bia còn lại (3 tấm chất liệu bằng đá, 3 tấm chất liệu bằng đồng) đặt trước gò mộ các vị vua triều Trần, được khởi dựng từ trước lễ hội mùa Xuân năm 2014 cũng được "dựng chui”.

Một tấm bia đá được dựng trái phép trước cửa đền thờ vua nhà Trần. Ảnh: vnexpress.net


Nghiêm trọng hơn, trong nội dung trên 3 văn bia ốp đồng đặt dựng vào đầu năm 2014, chính quyền huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) đã tùy tiện định danh cho các vị vua nằm dưới gò mộ khi chưa có kết quả nghiên cứu khoa học cụ thể nào.

* 6 tấm bia chất liệu đá và ốp đồng “dựng chui”

Vào thời điểm trước lễ hội mùa Xuân năm 2014, Ban quản lý di tích huyện Hưng Hà cho dựng 6 tấm bia, nội dung văn bia bằng Tiếng Việt. Cụ thể, 3 tấm bia đồng ốp dập nổi chữ “Dụ Lăng - Phần mộ vua Trần Thánh Tông - (1240-1290) - Phần Trung”; “Chiêu Lăng - Phần mộ vua Trần Thái Tông - (1217-1277) - Phần Đa” và “Đức Lăng (Lăng Quy Đức) - Phần mộ vua Trần Nhân Tông - (1258-1308) - Phần Bụt ”. Ba tấm bia đá xanh dựng cạnh 3 tấm bia ốp đồng này khắc chìm tóm tắt tiểu sử, công tích của các vị vua như đã nêu, nội dung trên văn bia trích dẫn từ “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhưng không ghi Nhà xuất bản, năm xuất bản.

Lý giải về sự xuất hiện của 6 tấm bia (3 tấm ốp đồng và 3 tấm bia đá) trước ba gò mộ của các vị vua triều Trần, ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hưng Hà, kiêm Trưởng Ban quản lý di tích đền Trần - Thái Bình, cho biết: Ba bia ốp đồng và ba bia đá xanh (bia đá xanh: cao 2,42m; rộng 1,47m, dựng trước lễ hội mùa Xuân năm 2014), có ghi nội dung tiếng Việt được đặt dựng trước khi di tích Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt và đã có trong hồ sơ di tích cấp quốc gia đặc biệt đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2408 - QĐ/TTg ngày 31/12/2014. Thắc mắc xung quanh 6 tấm bia được dựng trước lễ hội mùa Xuân năm 2014, tức là trước khi Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, nhóm phóng viên đã đến trụ sở UBND huyện Hưng Hà để tìm hiểu. Tại buổi làm việc, ông Đỗ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, cho biết: Về 6 tấm bia cũ, ông chưa làm quản lý vào thời điểm trên nên chưa nắm vấn đề.

Bà Bùi Thị Hải Yến, Trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh Thái Bình, cho biết: "Bia đá cũ và bia ốp đồng khi xếp hạng hồ sơ di tích cấp quốc gia đã có rồi, đặt trước khi di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt gần 1 năm. Sáu tấm bia (3 bia đá và 3 bia đồng) xuất hiện trước khi lập hồ sơ". Tuy nhiên, theo bà Yến: Các tấm bia này ghi nội dung về các nhân vật, hoàn toàn không được ngành văn hóa thẩm định mà do UBND huyện Hưng Hà tự đặt ra.

Đi tìm câu hỏi tại sao 6 tấm bia trên lại được đặt tại gò mộ các vị vua triều Trần khi chưa có cơ sở khoa học, “lọt” vào hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt, phóng viên gặp bà Cao Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Bà Hải cho rằng: “Ban quản lý di tích người ta vẫn biết, chứ không phải không biết. Người ta trình Sở Văn hóa để ký. Có điều là người trong Sở Văn hóa không để ý đến việc đấy, chứ không phải Sở Văn hóa không biết đâu”.

* Tùy tiện đặt tên các vị vua Trần

Việc dựng đặt 6 tấm bia trước lễ hội mùa Xuân năm 2014 theo cách thức “dựng chui” làm ảnh hưởng đến giá trị lịch sử - văn hóa, giá trị khoa học của di tích, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, tâm linh, môi trường nhân văn tại khu di tích. Nguy hại hơn, 6 tấm bia trên đã tùy tiện định danh trên các ngôi mộ của các vị vua cụ thể trong vương triều nhà Trần.

Ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hưng Hà, thừa nhận: Về những nghiên cứu khảo cổ, đến nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào để định danh cho 3 ngôi mộ trên, phương pháp khoa học để xác định điều đó là rất khó. Lý giải về việc các gò mộ được định danh cụ thể trên các tấm bia mộ, ông Khanh nói: “Chúng tôi lấy căn cứ định danh mộ phần từ thông tin của các cụ cao niên sống ở xã Tiến Đức”.

Về thực hư của việc định danh này, phóng viên đã tìm hiểu, tiếp cận các tài liệu khảo cổ tại xã Tam Đường, huyện Hưng Hà - Nơi được coi là vùng trung tâm khu di tích đền Trần - Thái Bình.

Những tài liệu tiếp cận được cho biết: Vào tháng 3/1979, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thái Bình khai quật một phế tích kiến trúc rộng 300m2 tại Cồn Nhãn, nằm trong khu vực giữa đường làng và phần mộ các vua Trần (nay là sân Lễ hội của đền Trần). Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều ngói vụn chồng xếp lớp, hơn 296 tiêu bản hiện vật, nhưng cũng chỉ kết luận: “Khu vực khai quật khảo cổ nằm giữa khu “Tiền tam thai, hậu thất tinh” nhà Trần… Qua khai quật đã có những tư liệu để dựng lại một mái nhà thời Trần”.

Tiếp đó, năm 1980, Viện khảo cổ học Việt Nam lại kết hợp với Bảo tàng tỉnh Thái Bình khai quật di tích Tam Đường lần thứ 2. Vị trí khai quật là Phần Bia, cạnh ao đình Ngọc Đường. Trong lần khai quật này, các nhà khoa học tìm thấy khoảng 290 hiện vật, trong đó có những hiện vật là đầu rồng bằng đất nung to nhỏ nhiều cỡ, ngói bò lớn…

Trong cuộc khai quật lần 3 cũng vào năm 1980, căn cứ vào các hiện vật tìm thấy, báo cáo của Viện Khảo cổ học Việt Nam kết luận “Đây là một ngôi mộ thời Trần, người chết được đốt xác ở một nơi khác rồi chuyển tro than về đây chôn. Chủ nhân là người theo đạo Phật và ít ra cũng phải là người trong hoàng tộc trở lên”.

Như vậy, cả ba lần khai quật khảo cổ với mức độ khác nhau, chưa có một cuộc khảo cổ nào đem đến những minh chứng xác đáng để có thể định danh cụ thể được các gò mộ trên là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của vị vua nào.

Bà Bùi Thị Hải Yến, Trưởng Ban quản lý di tích tỉnh Thái Bình, khẳng định: Từ trước đến nay, ngành văn hóa vẫn gọi là Phần Trung, Phần Bụt, Phần Đa. Thế nhưng, huyện Hưng Hà, Ban quản lý di tích đến Trần - Thái Bình đã tự đặt tên là Phần Trung là mộ của ai, Phần Đa là mộ của ai và Phần Bụt mộ của ai. Nội dung văn bia do Ban quản lý di tích đền Trần - Thái Bình soạn và UBND huyện Hưng Hà thẩm định, không được ngành văn hóa tỉnh thẩm định.

Trong văn bản số 35/BC-SVHTTDL (ngày 23/4/2015) của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh báo cáo UBND tỉnh Thái Bình về việc dựng bia tại Khu di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) do ông Phạm Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình ký, cũng có đoạn: “Việc đặt bia định danh ở phần mộ (Phần Bụt, Phần Trung, Phần Đa) các vị vua triều Trần trong khi chưa có kết quả nghiên cứu khoa học cụ thể là cố tình làm sai lệch nội dung di tích, vi phạm Luật di sản văn hóa năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản Văn hóa năm 2009, nghiêm cấm các hành vi “Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh”.


Tiến Nguyễn – Hải An (TTXVN)